Hôm thứ Ba (20/2), Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, nhà chức trách đã bắt giữ 6 người bị tình nghi làm gián điệp theo dõi người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ cho cơ quan tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và cảnh sát đang truy lùng một nghi phạm khác.

r shutterstock 2074208882
Người Hồi giáo phản đối nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ trước đại sứ quán Trung Quốc tại London, Vương quốc Anh, ngày 13/11/2021 (Nguồn: Koca Vehbi / Shutterstock)

Hãng thông tấn Anadolu cho biết, các công tố viên thành phố Istanbul đã xác định được danh tính của 7 người. Bảy người này bị cáo buộc thu thập thông tin về các hiệp hội Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo dõi các thành viên nổi bật của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và báo cáo cho Bắc Kinh.

Người thứ 7 vẫn đang lẩn trốn và bị truy nã. Thổ Nhĩ Kỳ không nêu rõ quốc tịch của các nghi phạm.

Ước tính có khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này trở thành cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Duy Ngô Nhĩ có mối quan hệ chặt chẽ về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ.

Cách đối xử của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã thu hút sự chú ý của tất cả các bên, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái độ đối đãi của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ, ước tính khoảng 12 triệu người, từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ giữa Ankara (thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ) và Bắc Kinh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng cáo buộc ĐCSTQ phạm tội “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra vấn đề hoàn cảnh khó khăn của người Duy Ngô Nhĩ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng các quyền của người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo.

ĐCSTQ ngay lập tức tuyên bố đóng cửa tạm thời lãnh sự quán ở tỉnh Izmir ven biển Aegean. Động thái này của Bắc Kinh được nhiều người coi là phản ứng đáp trả trước những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) cũng cáo buộc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tiến hành xóa bỏ văn hóa một cách có hệ thống, cũng như tống giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.

Hoa Kỳ đã kết án ĐCSTQ phạm tội diệt chủng trong cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Một báo cáo năm 2022 của Liên Hợp Quốc nêu chi tiết bằng chứng đáng tin cậy cho thấy, ĐCSTQ đã thực hiện tra tấn, bạo lực tình dục và cưỡng bức lao động đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này.

Mỹ bắt đầu thực thi “Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” (UFLPA) vào ngày 21/6/2022. Trước đó, ngày 17/6, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã công bố “Chiến lược Ngăn chặn Nhập khẩu Hàng hóa Sử dụng Lao động cưỡng bức Khai thác, Sản xuất hoặc Chế tạo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Trong phiên tường trình thứ 3 vào ngày 16/10/2018 ở Quốc hội Anh, đại diện của tổ chức người Duy Ngô Nhĩ lưu vong World Uyghur Congress đã lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, và bày tỏ lo ngại rằng tội ác này đang leo thang.

Ông Dolkun Isa, đại diện World Uyghur Congress, cho biết: “Việc thu hoạch tạng từ tù nhân chính trị đầu tiên được ghi chép lại là ở Đông Turkistan, hay còn được biết đến là khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương”.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: