“Nông nghiệp Ukraine sẽ tạo ra bất ổn an ninh lương thực ở bất kỳ quốc gia nào của EU” nếu Ukraine trở thành thành viên của khối liên minh này, theo Thứ trưởng Nông nghiệp Ba Lan, và đòi hỏi EU phải có chính sách công bằng hơn về vấn đề này.

bieu tinh xe tai o Ba Lan
Người Ba Lan trong thời gian qua vẫn tiến hành dai dẳng biểu tình chặn ở đường biên giới, phản đối chính sách của EU. (Ảnh cắt từ video)

Năm xưa khi gia nhập EU, Ba Lan đã phải theo yêu cầu của EU là đóng băng thị trường lao động của mình trong tận 8 năm, bởi vì thời điểm đó giá lao động rẻ mạt của Ba Lan có tiềm năng gây ra những xáo trộn trong EU.

Thời gian qua, vận động của Ukraine để có được tư cách thành viên Châu Âu đã có bước tiến mới khi 26 thành viên của khối liên minh này đã đồng ý sẽ tiến hành đàm phán với Ukraine (Hungary vắng mặt). Điều này một lần nữa lại đẩy mối quan ngại đã có từ lâu nay của Ba Lan về vấn đề Ukraine xuất khẩu nông sản sang Ba Lan.

“Ngành nông nghiệp Ukraine có thể gây mất ổn định an ninh lương thực ở bất kỳ quốc gia EU nào. Nếu chúng ta muốn điều này, chúng ta nên ngay lập tức mở cửa [với Ukraine] và nói: ‘Chúng tôi sẽ đóng cửa các doanh nghiệp nông nghiệp của mình vì công việc của họ sẽ không còn ý nghĩa nữa’,” theo ông Michal Kolodziejczak, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan, nói trên chương trình RFM FM vào hôm Thứ Bảy. Nguyên nhân là vì giá chi phí sản xuất chênh lệch và diện tích đất trồng trọt rộng lớn của Ukraine. Ông cảnh báo, “trong khuôn khổ chính trị và kinh tế hiện tại, [đón nhận Ukraine vào EU] sẽ có tác dụng chống lại nông dân Ba Lan và các doanh nhân Ba Lan.”

Trên thực tế việc nông sản của Ukraine phá giá thị trường một số nước Đông Âu đã xảy ra trong thời gian qua. Một phần là do EU đã cho phép những sản phẩm này có thể xuất khẩu sang EU mà không chịu thuế hải quan. Thời điểm căng thẳng là vào quãng giữa đầu năm nay khi Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bungari, và Rumani đã ban lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Ukraine, đi ngược lại chính sách chung của EU. Đương nhiên, nhiều thành viên khác của EU không gặp vấn đề giống như 5 quốc gia có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao kể trên.

Hiện nay, khi vận động Ukraine gia nhập EU có tiến triển, thì vấn đề ngũ cốc Ukraine lại trở nên căng thẳng.

“Chúng ta phải tôn trọng lợi ích của mình, chẳng hạn như Đức đã làm khi Ba Lan gia nhập EU. Vào thời điểm đó, thị trường lao động của người Ba Lan đã đóng băng trong 8 năm. Hôm nay, chúng tôi có thể đề xuất rằng các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine –cả tươi và chế biến– sẽ bị cấm vào Ba Lan, chẳng hạn như 20 năm sau khi Ukraine gia nhập EU,” ông thứ trưởng nói.

Giao lộ Ba Lan-Ukraine

Ukraine và Ba Lan đã bất hòa trong nhiều tháng qua do tranh chấp ngũ cốc giữa hai nước. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi các tài xế xe tải và nông dân Ba Lan lại bắt đầu dùng hình thức biểu tình để chặn các cửa khẩu biên giới giữa Ukraine và Ba Lan vào kể từ đầu tháng 11, để phản đối quyết định của EU miễn cho các tài xế xe tải Ukraine khỏi yêu cầu phải xin giấy phép khi đưa xe tải vào hành nghề ở các quốc gia trong khối liên minh.

Những người biểu tình cho rằng các biện pháp tạo điều kiện cho Ukraine tiếp cận thị trường EU đã dẫn đến cạnh tranh không công bằng.

Nhật Tân (theo RT)