Báo cáo của Pháp: ĐCSTQ can thiệp vào Canada, tạo ra “ngoại giao con tin”
- Tôn Vân
- •
Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp mới đây đã công bố một báo cáo phân tích mang tên “Hành động có ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Trong đó tiết lộ sự xâm nhập và can thiệp của ĐCSTQ vào Canada. Nó không chỉ bao gồm chính sách ngoại giao con tin do vụ việc Mạnh Vãn Châu gây ra, mà còn tiết lộ việc thu thập thông tin tình báo trực tiếp của ĐCSTQ ở Canada thông qua hệ thống ngoại giao, thao túng hội học sinh, sinh viên Trung Quốc, quấy rối và đe dọa công dân Canada.
Vào ngày 25/9/2021, trong vòng một ngày sau khi giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu thừa nhận vi phạm luật pháp Mỹ, được Canada trả tự do và trở về Trung Quốc, cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Michael Spavor, bị chính quyền Trung Quốc giam giữ gần 3 năm cũng đã trở về nước an toàn.
Tháng 12/2018, cảnh sát Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay quốc tế Vancouver theo yêu cầu của phía Mỹ. Sau đó chính quyền Trung Quốc lập tức bắt giữ “hai Michael” với tội danh gián điệp, đồng thời cảnh cáo Chính phủ Canada rằng nếu không thả bà Mạnh Vãn Châu thì hậu quả sẽ khó lường. Động thái của Trung Quốc bị cộng đồng phương Tây gọi là “ngoại giao con tin”.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp tiết lộ ĐCSTQ “bắt cóc công dân Canada”
Tuy nhiên, trong báo cáo bom tấn được công bố hôm 20/9 vừa qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Pháp (IRSEM) đã định nghĩa ngoại giao con tin của ĐCSTQ là “bắt cóc công dân Canada”.
IRSEM nhấn mạnh trong báo cáo rằng Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiền lệ bắt cóc công dân Canada. Trong đó bao gồm vụ bắt cóc công dân Canada Tôn Thiến (Sun Qian) ở Bắc Kinh vào năm 2017, và vụ bắt cóc nhà hoạt động vì quyền người Duy Ngô Nhĩ Canada Ngọc Sơn Giang (Huseyincan Celil) ở nước thứ ba.
Tỷ phú Tôn Thiến là người sáng lập Công ty Sinh hóa Leadman Bắc Kinh (Beijing Leadman Biochemis), bà là người gốc Hoa, nhập quốc tịch Canada năm 2007. Bà lọt vào danh sách Người giàu Trung Quốc năm 2012 và 2016 của Hurun Global Rich List, với giá trị tài sản 3,5 tỷ nhân dân tệ. Do làm việc quá sức và mắc nhiều bệnh khác nhau, bà Tôn bắt đầu học Pháp Luân Công vào năm 2014 và nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau khi tập luyện. Tuy nhiên, 3 năm sau, bà đã bị ĐCSTQ bức hại nghiêm trọng.
Tháng 2/2017, bà Tôn bị cảnh sát của ĐCSTQ bắt cóc bất hợp pháp và bị đe dọa buộc phải từ bỏ Pháp Luân Công. Theo báo cáo của ‘The Globe and Mail’ tại Canada, bà Tôn từng nói với luật sư rằng bà bị cùm chân và còng tay, trói vào ghế sắt, xịt hơi cay, liên tục bị tẩy não và tra tấn tinh thần.
Chính phủ Canada rất chú ý đến việc này và hỗ trợ lãnh sự cho bà và gia đình bà. Nhưng sau khi vụ án Mạnh Vãn Châu nổ ra, chính sách ngoại giao con tin của ĐCSTQ đã làm trầm trọng bức hại đối với bà.
Vào ngày 27/5/2020, Tòa án Tối cao British Columbia, Canada đã ra phán quyết bà Mạnh Vãn Châu phạm tội kép. Một tháng sau, bà Tôn Thiến bị ĐCSTQ kết án 8 năm tù một cách bất hợp pháp. Dưới sự đe dọa của ĐCSTQ, bà buộc phải tuyên bố từ bỏ quốc tịch Canada của mình.
Báo cáo của IRSEM không chỉ xác định bà Tôn Thiến là nạn nhân của chính sách ngoại giao con tin của ĐCSTQ mà còn trích dẫn nhiều ví dụ hơn.
- Giới kinh doanh tu luyện Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại (Phần 1)
- Giới kinh doanh tu luyện Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại (Phần 2)
Báo cáo lấy ví dụ, người Duy Ngô Nhĩ có tên Ngọc Sơn Giang (Huseyincan Celil) đã trốn sang Canada cùng gia đình vào năm 2001 và sau đó trở thành công dân Canada. Năm 2006, khi ông và vợ đến Uzbekistan để thăm gia đình, hai người bị cảnh sát Uzbekistan bắt giữ và đưa về Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Canada, ĐCSTQ vẫn khẳng định rằng ông là thành viên của Tổ chức Đông Turkistan và kết án ông 15 năm tù về tội khủng bố.
Báo cáo cũng trích dẫn thêm các nạn nhân của vụ Mạnh Vãn Châu. Ví dụ, công dân Canada Robert Schellenberg ban đầu bị ĐCSTQ kết án 15 năm tù và sau đó trục xuất vì buôn lậu ma túy vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện vụ án Mạnh Vãn Châu, ông đã bị ĐCSTQ tuyên tử hình vào ngày 29/12/2018. Vào tháng 4/2019, công dân Canada Fan Wei đã bị ĐCSTQ kết án tử hình vì tội buôn lậu ma túy.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng bản án tử hình của ĐCSTQ đối với công dân Canada là độc đoán. Chính phủ Canada do đó đã đưa ra cảnh báo du lịch, nói rằng đến Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ bị ĐCSTQ tự ý thi hành luật. Cộng đồng quốc tế tin rằng ĐCSTQ đã nâng cấp “ngoại giao con tin” thành “ngoại giao tử hình”.
Báo cáo đã liệt kê thêm các hành động mà ĐCSTQ thực hiện để trả đũa Canada, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt thương mại. Ví dụ, ĐCSTQ đã cấm gần như toàn bộ hoạt động buôn bán hạt cải dầu từ Canada, và nhiều sản phẩm của Canada như đậu nành, đậu xanh, thịt lợn và thịt bò cũng đều bị ảnh hưởng.
Bản báo cáo còn đề cập đến việc các nhà ngoại giao của ĐCSTQ đã trở thành tâm điểm của “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ trong sự kiện Mạnh Vãn Châu.
Ví dụ, tháng 1/2019, Đại sứ Trung Quốc tại Canada khi đó là ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đã chỉ trích “sự tự cao tự đại và người da trắng tối thượng của xã hội phương Tây” trên tờ “The Hill Times” tại Canada.
Theo báo cáo, mặc dù hành động ‘sói chiến’ của ông Lư Sa Dã đã khiến ông được thăng chức, nhưng ấn tượng của người dân Canada về ĐCSTQ đã chuyển biến mạnh mẽ; các cuộc khảo sát sau sự kiện Mạnh Vãn Châu cho thấy hơn 80% người Canada không thích lãnh đạo ĐCSTQ.
Báo cáo cho biết vào năm 2019, một nhà báo kỳ cựu người Canada Jonathan Manthorpe đã phát hành một cuốn sách mới có tên “Móng vuốt sắc của gấu trúc” (Claws of the Panda: Beijing’s Campaign of Influence and Intimidation in Canada), phơi bày ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Canada và các chiến dịch đe dọa. Cuốn sách đã gây ra cuộc thảo luận, khiến Chính phủ Canada và phe đối lập phải cảnh giác với sự xâm nhập và các mối đe dọa của ĐCSTQ.
Do đó, báo cáo tin rằng cũng như ở các nơi khác trên thế giới, các vụ gián điệp của ĐCSTQ và các cuộc xâm nhập của ĐCSTQ bị phanh phui trong những năm gần đây đã khiến danh tiếng của ĐCSTQ ở Canada bị tổn hại.
Sự bức hại của ĐCSTQ vươn đến Canada: Khiến người bất đồng chính kiến phải im lặng
Báo cáo IRSEM chỉ ra rằng một biểu hiện quan trọng khác của sự can thiệp của ĐCSTQ ở Canada là “bịt miệng những người bất đồng chính kiến”.
Theo báo cáo, “Sự quấy rối và đe dọa của chính quyền Bắc Kinh đối với công dân và cư dân Canada là phổ biến và có chứng cứ có thể tra được. Những người Canada này bị chính quyền ĐCSTQ coi là những người bất đồng chính kiến hoặc là một mối đe dọa.”
Theo báo cáo, có 5 nhóm người bị ĐCSTQ để ý theo dõi, đó là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, thành viên Pháp Luân Công, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và nhà hoạt động Đài Loan độc lập.
Báo cáo trích dẫn kết luận năm 2009 của nhà báo Pháp Fabrice de Pierrebourg và quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo An ninh Canada Michel Juneau-Katsuya: ĐCSTQ đã đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Canada trong nhiều năm qua, “cơ quan tình báo và các quan chức ngoại giao cấu kết với nhau, dùng các thủ đoạn tiêu tốn thời gian, tâm sức và tiền bạc để bôi nhọ, thậm chí là đe dọa những người bất đồng chính kiến; đồng thời thông qua các thủ đoạn thâm nhập phi pháp để kiểm soát một số đoàn thể phong trào dân chủ, nhóm Hoa kiều và hội sinh viên.”
Báo cáo của IRSEM nhấn mạnh cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, nói rằng “các quan chức ngoại giao của ĐCSTQ đang theo dõi, xâm nhập và quấy rối những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài”, đặc biệt là nhắm vào người tập Pháp Luân Công.
Báo cáo trích dẫn cụ thể hai ví dụ về việc các quan chức ngoại giao Trung Quốc bị xét xử và trục xuất khỏi Canada vì bức hại Pháp Luân Công.
Ví dụ 1: Năm 2004, Phan Tân Xuân (Pan Xinchun), Phó tổng lãnh sự Trung Quốc tại Toronto, đã bị xét xử ở Canada vì tội vu khống một người tập Pháp Luân Công làm nghề kinh doanh. Cảnh sát Canada ở thành phố Calgary cũng đã tận mắt chứng kiến hai nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc đang phát “ấn phẩm có lời lẽ thù hận” phỉ báng Pháp Luân Công tại địa điểm diễn ra sự kiện tuyên truyền giảng bài của Đại học Alberta.
Ví dụ 2: Năm 2006, Chính phủ Canada từ chối đơn xin gia hạn thị thực của Vương Bằng Phi (Wang Pengfei), Bí thư thứ hai của Văn phòng Giáo dục thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa và yêu cầu ông rời khỏi Canada. Lý do là công việc của ông trong văn phòng giáo dục liên quan trực tiếp đến việc “thu thập thông tin cá nhân của người tập Pháp Luân Công ở Canada và làm khó dễ họ”. Đặc biệt, ông này đã lợi dụng “hơn 20 hội sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học lớn của Canada” để triển khai công việc, cách làm của họ có lúc thậm chí không kiêng dè gì.
Báo cáo nêu rõ, tháng 3/2017, Liên minh Nhân quyền Canada, bao gồm cả chi nhánh tại Canada của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã công bố một báo cáo vạch trần “hàng loạt lời đe dọa quấy nhiễu có tổ chức và hậu thuẫn của ĐCSTQ đối với các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Canada”. Vào tháng 3/2020, liên minh này đã cập nhật nội dung của báo cáo, nói rằng “tình hình đang xấu đi.”
Theo báo cáo, từ các cuộc điện thoại lăng mạ vào lúc nửa đêm đến đe dọa du học sinh Trung Quốc…, tất cả các thủ đoạn tấn công của ĐCSTQ là “để bịt miệng những người bất đồng chính kiến ở Canada, hoặc thông qua đe dọa để khiến người Canada giữ im lặng, hoặc thông qua những ngôn luận hoặc hành vi bôi nhọ khiến họ không còn có sự ủng hộ của công chúng hay không có sự ủng hộ chính trị nữa, từ đó bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng.”
Sự bức hại của ĐCSTQ vươn tới Canada: Giả mạo người tập Pháp Luân Công
Báo cáo của IRSEM vạch trần sự can thiệp của ĐCSTQ vào xã hội Canada, cũng đồng thời tiết lộ nhiều thủ đoạn khác nhau mà ĐCSTQ sử dụng để sách nhiễu và bức hại người tập Pháp Luân Công ở Canada. Một trong những cách làm phổ biến là “giả danh người tập Pháp Luân Công để gửi email xúc phạm đến các bộ trưởng và nghị sĩ.”
Tại Canada, nhiều chính trị gia đã nhận được những email xúc phạm và thậm chí đe dọa từ những người giả mạo người tập Pháp Luân Công gửi. Ví dụ, nghị sĩ Judy Sgro nhận được email vào tháng 12/2017, nghị sĩ Peter Julian nhận được email vào tháng 3/2019.
Báo cáo dẫn lời các thành viên của Học hội Pháp Luân Đại Pháp Canada giải thích rằng các quan chức chính phủ các cấp ở nhiều quốc gia đã nhận được những email tương tự. Những email này giả mạo người tập Pháp Luân Công ở địa phương, thường sử dụng ngôn ngữ cưỡng chế, phi lý và thô lỗ với mục đích hủy hoại hình ảnh của Pháp Luân Công. Một số email có địa chỉ IP từ Trung Quốc.
Báo cáo cũng trích dẫn lời khai của một số cựu đảng viên ĐCSTQ đã “đào thoát” khỏi Trung Quốc để minh họa sự coi trọng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công và mức độ bức hại của ĐCSTQ.
Ví dụ, cựu quan chức “Phòng 610” Hác Phụng Quân (Hao Fengjun) từng nói rằng ĐCSTQ điều hành một tổ chức gián điệp chống Pháp Luân Công ở Canada với hơn 1.000 đặc vụ. “Phòng 610” là một tổ chức do ĐCSTQ thành lập chuyên chịu trách nhiệm đàn áp Pháp Luân Công.
Năm 2007, bà Trương Kế Diên (Zhang Jiyan), vợ của một nhân viên kế toán tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa, đã “đào thoát” và xin tị nạn tại Canada. Bà nói rằng khi đó trong Đại sứ quán có “một đơn vị đặc biệt”, chuyên phụ trách thu thập thông tin của các đoàn thể có thể gây ra mối đe dọa [tới ĐCSTQ], đặc biệt là đối với Pháp Luân Công. Bà Trương Kế Diên đã làm chứng rằng đơn vị này sản xuất “tài liệu kích động thù hận đối với Pháp Luân Công”. Bản thân Đại sứ Trung Quốc cho biết những tài liệu này được chuyển đến cho “các nghị sĩ quốc hội, quan chức Chính phủ Canada và cựu tổng đốc.”
Bà Trương Kế Diên cũng đưa ra một bức thư viết tay bí mật cho giới truyền thông, cho thấy một trong những mục tiêu của Đại sứ quán Trung Quốc là “sử dụng người nước ngoài và sinh viên để gửi kiến nghị và thư kháng nghị nhằm ngăn cản việc cấp phép phát sóng cho Đài truyền hình Tân Đường Nhân tiếng Trung (NTDTV).” Bà Trương Kế Diên cuối cùng đã có được thân phận tị nạn ở Canada.
ĐCSTQ thâm nhập Canada: Ảnh hưởng truyền thông
Báo cáo của IRSEM nhận ra rằng “Bắc Kinh kiểm soát các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung trên toàn thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ. Đây là một vấn đề đã được rất nhiều người biết đến trong một thời gian dài.” Báo cáo cũng chỉ ra rằng “mấu chốt là các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung tại Canada đang gần như bị ĐCSTQ kiểm soát”, ngoại trừ thời báo Epoch Times và Đài truyền hình NTDTV không bị ảnh hưởng bởi ĐCSTQ.
Tờ Epoch Times và Đài truyền hình NTDTV được ĐCSTQ và một bộ phận truyền thông nước ngoài gọi là truyền thông của Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, theo trang web chính thức của The Epoch Times và NTDTV, Epoch Times và NTDTV tuân thủ các giá trị phổ quát và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ, công ty hay đảng phái chính trị nào. Họ đưa tin độc lập, bao gồm cả sự kiện và tin tức về người tập Pháp Luân Công phản đối cuộc đàn áp của ĐCSTQ.
Theo báo cáo của IRSEM, Epoch Times và NTDTV đôi khi không được đối xử chuyên nghiệp. Họ không chỉ là đối tượng hạn chế của ĐCSTQ. Ví dụ, năm 2005, phóng viên của họ đã đến Trung Quốc để đưa tin về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Canada Paul Martin và thị thực đầu tiên được chấp thuận, sau đó bị hủy bỏ. Hơn nữa, đôi khi chính quyền Canada cũng tiến hành hạn chế hai kênh truyền thông này vì sợ chọc giận Bắc Kinh. Ví dụ, khi Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Ottawa năm 2005, Epoch Times và NTDTV đã không thể tham gia các hoạt động đưa tin liên quan; tình huống tương tự cũng xảy ra trong chuyến thăm thứ hai của ông Hồ vào năm 2010.
Theo bản báo cáo, ĐCSTQ sẽ căn cứ vào nhu cầu để “uốn nắn các kênh truyền thông tiếng Trung”, ”ĐCSTQ sẽ dùng vũ khí mà họ đã sử dụng thành thục: củ cà rốt (khuyến khích báo chí tự kiểm duyệt để đổi lấy lợi ích kinh doanh, thương mại) cộng thêm cây gậy (dọa nạt, uy hiếp, quấy nhiễu các phóng viên, gây áp lực cho người thân ở Trung Quốc của phóng viên, sa thải các phóng viên chống lại áp lực của ĐCSTQ, hoặc ngừng phát sóng các chương trình được cho là phản ánh bất đồng chính kiến).”
Theo báo cáo, “ĐCSTQ cũng đang cố gắng theo dõi và đào tạo những phóng viên này, dù là ở bản địa (Canada) hoặc ở Trung Quốc.” Báo cáo tiết lộ rằng vào năm 2014, ĐCSTQ đã đăng ký cái gọi là “Tổ chức Hợp tác Truyền thông Mới Quốc tế” tại Vancouver, cố gắng để kiểm soát và dẫn dắt những người làm trong lĩnh vực truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài.
ĐCSTQ can dự vào Canada: Thao túng hội sinh viên Trung Quốc
Báo cáo đã đặc biệt tiết lộ chứng cứ cho thấy Đại sứ quán ĐCSTQ thao túng du học sinh Trung Quốc.
Báo cáo lấy ví dụ, năm 2010, để chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Ottawa, khoảng 50 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Canada có học bổng của Chính phủ Trung Quốc đã tập trung tại Đại sứ quán Trung Quốc. Lưu Thiếu Hoa (Liu Shaohua), Bí thư nhất của Phòng giáo dục thuộc Đại sứ quán Trung Quốc, đã có bài phát biểu trước họ và Epoch Times đã thu âm được bài phát biểu của ông.
Trong bài phát biểu, Lưu Thiếu Hoa tiết lộ rằng để tổ chức một nhóm người chào đón chủ tịch, Đại sứ quán sẽ đưa 3.000 người từ Ontario và Quebec đến Ottawa, tất cả các chi phí (khách sạn, ăn uống, phương tiện đi lại và thậm chí cả quần áo của họ) đều được Đại sứ quán chi trả. Một số nhân chứng cũng nói về việc mỗi ngày mỗi người sẽ nhận 50 đô la Canada khi có mặt. Lưu Thiếu Hoa mô tả đây là một “cuộc chiến” để “bảo vệ danh tiếng của đất nước” và cần phản đối “Pháp Luân Công, Tây Tạng độc lập, những người ly khai Duy Ngô Nhĩ và những người ủng hộ dân chủ.”
Lưu Thiếu Hoa nhắc nhở sinh viên rằng mọi chi phí đều do Đại sứ quán chi trả, kể cả đối với những sinh viên không nhận học bổng. Lưu yêu cầu họ “không được nói chuyện bên ngoài, không được nói với ai về chuyện này”.
Báo cáo tiết lộ rằng Lưu Thiếu Hoa nói với các sinh viên Trung Quốc rằng nếu được hỏi tại sao lại đến đây, thì phải trả lời: “Chúng tôi ở đây để chào đón Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tình hữu nghị giữa Canada và Trung Quốc muôn năm”. Cùng ngày, Trương Bảo Quân (Zhang Baojun), thuộc Phòng Giáo dục của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto, cũng gửi cùng một thông điệp qua email, cảnh báo sinh viên cần “làm mọi việc theo kế hoạch”.
Báo cáo của IRSEM cũng liệt kê riêng các loại biểu hiện khác nhau của “Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc” (CSSA) tại Canada. Báo cáo cho biết các chương khác đã giải thích vai trò tổng thể (mặt trận thống nhất) của CSSA trên phạm vi thế giới, và tại Canada đã cung cấp nhiều ví dụ hơn.
Theo báo cáo, nhiều nhân chứng sinh viên chịu áp lực của CSSA về việc “khuyên ngăn họ làm điều này hoặc điều kia, hoặc khuyến khích họ làm điều này hoặc điều kia”.
Ví dụ, một sinh viên tại Đại học Ottawa đã nhận được một email đe dọa từ CSSA của trường đại học của mình. Email nói rằng “Theo lời khai của các sinh viên khác và cuộc điều tra do các lãnh đạo của hiệp hội tiến hành, bạn là một người tập Pháp Luân Công, và bạn hãy cẩn thận.”
Tại Đại học Calgary, bản thân một số thành viên CSSA cũng nhận được email. Có người giả danh là đặc vụ của Cục Công an và yêu cầu họ không được tham dự buổi chiếu phim do câu lạc bộ “Những người bạn của Pháp Luân Công” tổ chức, “nếu không, tên và ảnh của bạn sẽ được thông báo đến chính quyền trung ương [ĐCSTQ]”.
Báo cáo nói thêm rằng những lời nói và việc làm của CSSA thường tiết lộ rằng đó là người phát ngôn của ĐCSTQ. Ví dụ, CSSA tại Đại học Toronto đã gây áp lực lên thành phố Toronto để ngăn thành phố biểu dương Ngày Pháp Luân Đại Pháp năm 2004. CSSA tại Đại học Ottawa đã can thiệp vào việc NTDTV được phép phát sóng tại địa phương năm 2005. Ngôn từ của các thành viên CSSA trong thư hoàn toàn giống với thư phản đối của các quan chức ngoại giao của ĐCSTQ.
Báo cáo của IRSEM kết thúc bằng một bản tóm tắt về sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Canada, nói rằng ĐCSTQ “bắt những người thân còn ở lại Trung Quốc làm con tin” để liên tục giám sát những người bất đồng chính kiến tại hải ngoại, phát động các cuộc tấn công mạng nhắm vào họ, thực hiện hành vi đánh cắp thông tin cá nhân và hạn chế đi lại, v.v. “Cho dù họ dùng cách nào đi chăng nữa, mục tiêu là giống nhau – bóp nghẹt những ý kiến và tiếng nói bất đồng”.
Báo cáo nói, Đại diện, Đại sứ ĐCSTQ ở nước ngoài, Lãnh sự trú tại Canada đều trực tiếp tham dự vào các hoạt động bức hại này.
Theo Tôn Vân, Epoch Times
Mời xem các phần trước của báo cáo:
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Canada Michael Spavor Michael Kovrig Tôn Thiến Ngại giao con tin Pháp Luân Công tại Canada Pháp Luân Công Mạnh Vãn Châu