Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, Nga đã bán hơn 66 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch kể từ khi xâm lược Ukraine, bất chấp các lệnh trừng phạt đối với việc mua khí đốt và dầu.

Embed from Getty Images

Báo cáo được công bố hôm thứ Tư (27/4) cho thấy châu Âu là nhà nhập khẩu lớn nhất nhiên liệu hóa thạch. Nga đã bán nhiên liệu hóa thạch trị giá hơn 46 tỷ USD cho các quốc gia khác nhau tại châu lục này.

Báo cáo viết: “Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là động lực chính cho việc xây dựng quân đội của Nga và hành động gây hấn tàn bạo đối với Ukraine”.

Vào đầu tháng 3, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào Hoa Kỳ nhằm nỗ lực gây tổn hại cho nền kinh tế Nga sau chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ phụ thuộc ít hơn vào dầu của Nga so với các nước châu Âu.

Đức là nước chi tiêu nhiều nhất trong EU khi nước này mua khoảng 9,1 tỷ euro (9,5 tỷ USD) nhiên liệu hóa thạch kể từ ngày 24 tháng 2, theo báo cáo.

Trong khi đó, Ý được xếp hạng là nhà nhập khẩu lớn thứ hai sau Đức khi chi 6,9 tỷ euro (7,2 tỷ USD), tiếp sau là Trung Quốc 6,7 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD), Hà Lan 5,6 tỷ euro (5,8 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ 4,1 tỷ euro (4,3 tỷ USD) và Pháp 3,8 tỷ euro (khoảng 3,9 tỷ USD).

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng lượng giao hàng tới EU giảm 20% và than giảm 40%, trong khi lượng giao hàng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) tăng 20%. Việc vận chuyển dầu từ Nga đến các cảng nước ngoài đã giảm 20% trong ba tuần đầu tiên của tháng 4 so với tháng 1 và tháng 2 trước cuộc xâm lược.

“Lượng mua khí đốt của EU thông qua các đường ống tăng 10%. Việc vận chuyển dầu đến các điểm đến ngoài EU tăng 20% với những thay đổi lớn ở các điểm đến. Việc cung cấp than và LNG bên ngoài EU tăng lần lượt là 30% và 80%”, báo cáo cho hay.

Các chuyến hàng chở dầu đến các nước ngoài EU như Ấn Độ và Ai Cập cùng với các điểm đến khác đã tăng lên, nhưng những chuyến hàng này vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu sang châu Âu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc chuyển hướng các lô hàng bị các khách hàng châu Âu từ chối.

Exxon Mobil, Shell, Total, BP, Repsol là những công ty dầu mỏ tiếp tục mua nhiên liệu hóa thạch của Nga, theo báo cáo. Trong khi đó, Hyundai Steel và Mitsubishi là một vài trong những công ty công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Ngân Hà (theo Newsweek)