Một cựu quan chức ngoại giao Belarus nói với Đài VOA Mỹ về ‘bí mật’ quan lộ tiến nhanh của cựu Ngoại trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tần Cương: Có thể nhờ thời gian làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân – Bộ Ngoại giao.

Tan Cuong
Cựu quan chức Pavel Slunkin (phải) của Bộ Ngoại giao Belarus đã thường xuyên hợp tác công việc với ông Tần Cương khi đó là Vụ trưởng Vụ Lễ tân. (Ảnh ghép)

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Belarus vào năm 2015 của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, cựu quan chức Pavel Slunkin của Bộ Ngoại giao Belarus đã thường xuyên hợp tác công việc với ông Tần Cương khi đó còn là Vụ trưởng Vụ Lễ tân.

Ông kể lại rằng để đảm bảo hành trình thăm viếng của ông Tập Cận Bình vào ngày hôm sau không có gì sơ xuất, ông Tần Cương đã gọi điện cho ông vào lúc 2h đêm yêu cầu cùng đi kiểm tra lại bảo tàng mà ông Tập ghé thăm vào ngày hôm sau. Ông Slunkin nói: “Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi nghĩ điều đó là không thể. [Nhưng] họ lập tức liên lạc với cấp trên của tôi và ông ấy đồng ý. Sau đó họ đã đánh thức phó giám đốc bảo tàng để ông ấy dẫn chúng tôi đến đó trước và mở cửa bảo tàng”.

Điều nữa khiến ông Slunkin ngạc nhiên là giới chức ngoại giao ĐCSTQ muốn biết thang bậc thềm mà ông Tập phải đi vào ngày hôm sau có bao nhiêu bậc. Vấn đề họ đề xuất là: “Chủ tịch Tập bước đến đâu thì bước đó sẽ có tiếng nhạc vang lên?”

Ông Slunkin kể: “Không thể tin được, các nhà ngoại giao ĐCSTQ đã ghi chép điều này một cách nghiêm túc vào sổ tay của họ. Họ ghi lại vấn đề thời gian nhạc cần vang lên khi ông Tập Cận Bình bước bao nhiêu bậc thang”; “Rõ ràng là ngày hôm sau âm nhạc không được như vậy, nhưng mọi thứ đều hoàn hảo, mọi thứ diễn ra thực sự tốt và hợp lý… Tôi không nghĩ đó lại là vấn đề, nhưng họ chỉ muốn thể hiện đối với lãnh đạo của họ, công tác chuẩn bị phải lý tưởng nhất, họ đã nghĩ đến những chi tiết đặc biệt nhỏ này và họ đã hoàn thành một cách hiệu quả, tất cả đều được thể hiện tốt ở mức cao nhất có thể”.

Cựu quan chức ngoại giao Belarus cho rằng việc vào tháng 12 năm ngoái ông Tần Cương bất ngờ được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng có liên quan nhiều đến công việc trước đây của ông ta với tư cách là người đứng đầu bộ phận lễ tân của Bộ Ngoại giao.

Quan phụ trách lễ tân có cơ hội chính trị đặc biệt

“Tôi nghĩ vai trò Vụ trưởng Vụ Lễ tân của ông Tần Cương đã giúp ông ta có được kỹ năng hoặc sức mạnh ma thuật đặc biệt, cho phép ông ấy gần gũi ông Tập Cận Bình để thể hiện lòng trung thành như thế nào, làm việc hiệu quả như thế nào, tài giỏi như thế nào”, ông Slunkin nói. “Vì ông Tần Cương biết rằng ông ấy là người quan trọng nhất, người có trách nhiệm lớn nhất trong những vấn đề lễ nghĩa này. Ông ấy có thể tiếp cận ông Tập Cận Bình để nói điều gì đó, để giải thích điều gì đó… Sự gần gũi với ông Tập Cận Bình như vậy mang lại cho ông ấy vị trí rất đặc biệt so với các quan chức khác”.

“Ở những đất nước bảo thủ đó, trong những truyền thống bảo thủ đó, khả năng gần gũi với nhà lãnh đạo như vậy mang lại ưu thế chính trị lớn trước những đối thủ trong Bộ Ngoại giao,” ông Slunkin nói. “Tôi nghĩ đó là một trong những bí mật giúp ông ấy thăng tiến sự nghiệp”.

Ấn tượng chung của ông Slunkin về ông Tần Cương là, “Ông ấy hiện đại hơn, có lẽ ít bảo thủ hơn, hiểu văn hóa phương Tây cũng như cách xử lý mọi việc của phương Tây tốt hơn một số đồng nghiệp cấp cao của ông ấy trong Bộ Ngoại giao hoặc các đồng nghiệp lớn tuổi hơn trong Bộ Ngoại giao. Nhưng quan trọng là ông ấy biết cách làm sao chơi trò chơi ‘Tôi là ông chủ’. Ông ấy cho những người xung quanh thấy rằng ông ấy là một người quan trọng và đó là lý do tại sao rất nhiều người ngại gần gũi ông ta”.

“Hàng trăm người xếp hàng để sẵn sàng thay thế”

Điều khiến ông Slunkin ấn tượng nhất trong chuyến thăm của Tập Cận Bình là đội nghi thức ngoại giao hùng hậu của ĐCSTQ. Mỗi người chỉ phụ trách một vấn đề cụ thể hoặc nhỏ nhặt, vấn đề được kiểm tra và xác nhận lặp đi lặp lại trong suốt quá trình kéo dài cả tháng trời, có lẽ sợ sai lầm và cũng có thể để thể hiện cho cấp trên thấy.

Ông Slunkin đưa ra ví dụ về một nhà ngoại giao ĐCSTQ đã gọi điện cho ông để xác nhận một vấn đề. Tôi trả lời rằng “Tôi cần bàn cùng cấp trên”. Nhưng nhà ngoại giao kia nói rằng cấp trên của ngài đã đồng ý. Vì vậy tôi hỏi vặn vậy tại sao lại còn hỏi tôi? Nếu cấp trên của tôi đã đồng ý thì chúng ta cứ vậy tiếp tục. Nhưng ông ấy nói cần xác nhận công việc ở mọi cấp độ.

Sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm và bay về Bắc Kinh, các nhà ngoại giao của cả hai nước còn ở Belarus cuối cùng có thể thở phào nhẹ nhõm cùng ngồi xuống dùng bữa tối, và ông Slunkin cuối cùng cũng có cơ hội làm rõ vấn đề.

Tôi đã tiếp cận một nhà ngoại giao chỉ để hỏi anh ta câu hỏi quan trọng nhất mà tôi đã luôn nghĩ trong suốt một tháng dài chuẩn bị: Tất cả những điều này để làm gì? Ý tôi là, tại sao chúng ta lại tổ chức hàng trăm cuộc họp để thảo luận về cùng một vấn đề, đếm số bước đi của lãnh đạo, thăm viện bảo tàng vào ban đêm, vì sao?”

Slunkin cho biết ông đã nhận được câu trả lời tượng trưng, “Ông ấy nói, ngài biết đấy, ở Bắc Kinh có hàng trăm người theo dõi, xếp hàng để sẵn sàng thế chỗ. Nếu không làm như vậy thì người khác sẽ làm thay!”

Ông Slunkin cho hay đó có lẽ là câu trả lời chân thành, cũng đã tiết lộ cách thức hoạt động trong ngoại giao của ĐCSTQ. Đối với họ, đó là nhiệm vụ duy nhất của họ và họ không thể thất bại. Ý tôi là nếu không được như vậy thì cái giá họ phải trả sẽ rất đắt: Đó là về sự nghiệp của họ, về thăng tiến quan lộ của họ, và cũng có thể là nhằm thỏa mãn cái tôi của họ trong công việc.

Thay đổi truyền thống lễ nghi của Belarus

Một điều nữa khiến ông Slunkin ấn tượng là các nhà ngoại giao ĐCSTQ nhất quyết áp đặt cho họ một khái niệm về thăm ngoại giao mà Belarus không có, thay đổi truyền thống nghi thức của họ: Đó là cái gọi là “chuyến thăm cấp nhà nước” mà ông Tập Cận Bình ưa thích dùng.

Ông Slunkin cho biết nghi thức ngoại giao của Belarus chỉ có 3 loại chuyến thăm: Thăm riêng, thăm làm việc, và thăm chính thức – theo đó thăm chính thức là loại chuyến thăm đặc biệt nhất.

“Nhưng các đồng nghiệp (ĐCSTQ) của chúng tôi, họ muốn chuyến thăm này trở nên quan trọng hơn”, ông Slunkin nói. “Họ cứ gọi đó là chuyến thăm cấp nhà nước, dù nhiều lần chúng tôi đã sửa thì họ vẫn kiên quyết gọi đó là chuyến thăm cấp nhà nước”.

“Tôi nghĩ rằng Chính phủ Lukashenko đã phải từ bỏ và đồng ý [với ĐCSTQ] do áp lực chính trị và tham vọng thu hút đầu tư… Dù theo truyền thống nghi lễ chúng tôi không có hình thức thăm hỏi này, nhưng đó chỉ là để làm hài lòng khách của chúng tôi.”

Lukashenko và Tập Cận Bình có nhiều điểm tương đồng

Ông Slunkin cho biết Tổng thống Lukashenko của Belarus và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp và có nhiều điểm tương đồng. Họ đều muốn có quyền lực tuyệt đối mà không muốn bên nào giám sát, họ không quan tâm đến nhân quyền hay dân chủ, “Đây là cách họ hiểu nhau!”

“Ông Lukashenko đã không chịu từ bỏ quyền lực sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020. Các nước phương Tây từ chối công nhận tính hợp pháp của Lukashenko. ĐCSTQ là đối tác lớn thứ hai của Lukashenko sau Nga. Ông ta muốn tiền của Trung Quốc, đầu tư của Trung Quốc, thị trường Trung Quốc và sự ủng hộ chính trị của ĐCSTQ trong các tổ chức quốc tế, tất cả những điều đó ông ấy được Tập Cận Bình đáp ứng”.

Slunkin cho biết ông đã bị đàn áp chính trị và phải rời quê hương do công khai chỉ trích Chính phủ Lukashenko đàn áp người biểu tình và gian lận bầu cử. Ba năm trước ông chuyển đến Ukraine và sau đó đến Ba Lan sau khi Nga xâm lược Ukraine. Bây giờ ông làm việc với tư cách là nhà phân tích chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (The European Council on Foreign Relations, ECFR).

Phương Băng
(Bài viết thể hiện góc nhìn của cá nhân tác giả, được đăng trên Đài VOA.)