Ngày 9/1, Bloomberg Economics đưa ra báo cáo phân tích dự đoán, nếu chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan thì Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng hơn nhiều so với Mỹ và Nhật Bản, và thậm chí cả so với nước gây chiến Trung Quốc; trên phạm vi toàn cầu, sẽ gây thiệt hại kinh tế lên tới 10.000 tỷ USD.

Mới đây, Bloomberg Economics công bố báo cáo dự đoán về tác động có thể xảy ra của một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan – nước cung cấp nguồn bán dẫn hàng đầu thế giới sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào thứ Bảy tuần này (13/1). Theo đó, về tổng thể một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu.

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Mỹ thiệt hại kinh tế 6,7%, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giảm 23,3% và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm 13,5%. Nếu Trung Quốc phong tỏa Đài Loan, tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm 3,3% trong năm đầu tiên. Dù tình hình thế nào, tác động đối với nước Mỹ sẽ nghiêm trọng hơn dịch bệnh COVID-19 năm 2020.

Ngày 10/1, hãng thông tấn Yonhap đưa tin lưu ý, nghiên cứu nêu trên dự đoán tác động kinh tế đối với Hàn Quốc sẽ lớn hơn so với những nước tham chiến Nhật Bản và Trung Quốc. Vào tháng Giêng năm ngoái, CSIS đã công bố báo cáo mô phỏng “Trận chiến đầu tiên của cuộc chiến tiếp theo” (The First Battle of the Next War), cụ thể là việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm lược Đài Loan, trong đó đề cập đến tác động có thể xảy ra đối với Hàn Quốc.

CSIS cho biết các nước trên thế giới hiện kết nối chặt chẽ, việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan sẽ tác động mạnh đối với nền kinh tế thế giới, đối với Hàn Quốc không chỉ phải cảnh giác với Trung Quốc mà còn phải đối phó với các hành động thù địch của Triều Tiên. Do tính cấp bách trong xung đột với Trung Quốc, Mỹ sẽ giải phóng hai trong số bốn phi đội (tác chiến) đóng tại Hàn Quốc. Do mối đe dọa liên tục từ Triều Tiên, hai phi đội còn lại sẽ ở lại Hàn Quốc để răn đe.

Trong trường hợp Trung Quốc huy động hải quân bao vây Đài Loan, quân đội Mỹ có thể huy động Căn cứ Không quân Osan và Căn cứ Không quân Gunsan của Hàn Quốc, hoặc thậm chí là Căn cứ Hải quân Jeju. Nếu quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc thực sự can thiệp vào cuộc chiến này thì không thể loại trừ khả năng Bắc Kinh trả đũa, khi đó tác động có thể còn lớn hơn, vì việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan có thể biến thành xung đột vũ trang giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Chính khách Nhật Bản: Chiến tranh ở Đài Loan có liên quan sống còn đối với Nhật Bản

8675688788 b2a596ec2b b
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso. (Nguồn: CSIS/ Flickr)

Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản vào ngày 8/1 đưa tin, cựu Thủ tướng Nhật Bản kiêm Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do là ông Taro Aso đã đề cập đến Đài Loan trong báo cáo công tác. Báo cáo chỉ ra tình hình thế giới hiện nay có nhiều vấn đề nhạy cảm, đặc biệt căng thẳng ở eo biển Đài Loan đang gia tăng. Chỉ riêng Đài Loan đã có 20.400 người Nhật đăng ký chính thức, ngoài ra còn có rất nhiều người Nhật sống ở Đài Loan [không đăng ký chính thức], nếu có chuyện gì xảy ra hoặc chiến tranh nổ ra, Chính phủ Nhật Bản phải giải cứu người Nhật ở Đài Loan, cụ thể là phải điều động Lực lượng Phòng vệ Hàng hải tới Đài Loan ứng cứu.

Ông Aso chia sẻ, giả sử kiếp nạn này xảy ra thì liệu Đài Loan có đánh lại Trung Quốc hay sẽ đầu hàng? Hay bị xâm chiếm? Nếu Đài Loan không chiến đấu, việc giải cứu công dân Nhật Bản an toàn sẽ rất khó khăn. Tình hình bây giờ đã khác xưa, Nhật Bản sẽ chiến đấu ở eo biển Đài Loan và sử dụng tàu ngầm, tàu chiến. Vì vậy, nếu xảy ra chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan, không nghi ngờ gì Nhật Bản cũng sẽ rơi vào tình trạng “khủng hoảng”.

Theo Thông tấn xã Jiji Nhật Bản, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã phản ứng bất bình mạnh mẽ cũng như phản đối kịch liệt với tuyên bố của ông Aso, nhấn mạnh lại rằng vấn đề Đài Loan hoàn toàn là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Người phát ngôn cũng cho rằng Nhật Bản trong quá khứ đã phạm tội xâm lược Đài Loan, hãy tuân thủ các cam kết được đưa ra trong 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Việc khăng khăng ràng buộc các vấn đề nội bộ của Trung Quốc với an ninh của Nhật Bản sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho chính Nhật Bản và khu vực.

Cơ sở khiến ông Aso có tuyên bố trên là quy tắc mới của Nhật Bản trong luật an ninh Nhật Bản được thông qua năm 2015: “Tồn tại tình trạng khủng hoảng” (Threat to national existence). Với quy tắc này, ngay cả trong trường hợp Nhật Bản không bị tấn công trực tiếp, nhưng nếu một nước có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản bị tấn công bằng vũ lực, khi đó Chính phủ Nhật Bản có thể đánh giá liệu vấn đề có “đe dọa đến sự tồn vong của đất nước” hay không, trong trường hợp có vấn đề thật sự gây nguy cơ thì Nhật Bản sẽ thúc đẩy quyền tự vệ.