Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị tước quyền lực, theo một nhóm binh sĩ tuyên bố trên truyền hình nhà nước Niger vào cuối ngày thứ Tư (26/7), vài giờ sau khi ông Bazoum bị quản thúc trong dinh tổng thống.

Đại tá Amadou Abdramane ngồi trước một chiếc bàn và đứng sau là 9 binh sĩ đã đọc tuyên bố cho hay lực lượng quốc phòng và an ninh quyết định: “đặt dấu chấm hết đối với chế độ mà quý vị biết vì tình hình an ninh tồi tệ và điều hành kém”.

Ông Amadou Abdramane nói các tuyến biên giới của Niger đã bị đóng lại, tình trạng thiết quân luật toàn quốc đã được tuyên bố và tất cả các thể chế của nền cộng hòa này đã bị đình chỉ.

Các binh sĩ cũng cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp nước ngoài nào và nói thêm rằng họ sẽ tôn trọng ông Bazoum.

Vụ tiếp quản quân sự tại Niger đánh dấu cuộc đảo chính thứ bảy ở khu vực Tây và Trung Phi kể từ năm 2020 và có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của phương Tây nhằm giúp các quốc gia khu vực Sahel chiến đấu với sự nổi dậy của nhóm thánh chiến hồi giáo vốn đã đang lan rộng tại châu Phi từ Mali trong thập kỷ qua.

Niger có vị trí địa lý nằm giữa đất liền, từng là thuộc địa của Pháp và hiện đã đang là một đồng minh nòng cốt của các cường quốc phương Tây muốn tìm cách giúp chiến đấu với các nhóm nổi dậy. Tuy nhiên, Niger cũng đang phải đối mặt với sự tức giận ngày càng tăng từ chính quyền quân đội cầm quyền ở Mali và Burkina Faso.

Niger cũng là một đồng minh quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến đấu chống lại nạn di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi hạ Saharan.

Pháp năm ngoái đã chuyển quân đội tới Niger từ Mali sau khi mối quan hệ với giới chức tạm quyền ở đó trở nên xấu đi. Pháp cũng đã rút lực lượng đặc nhiệm khỏi Burkina Faso vì những căng thẳng tương tự.

Cuộc bầu cử đưa ông Bazoum lên làm tổng thống là chuyển tiếp quyền lực một cách dân chủ lần đầu tiên tại Niger sau khi nước này phải chứng kiến 4 cuộc đảo chính quân sự từ khi giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960.

Mỹ nói họ đã chi khoảng 500 triệu USD từ năm 2012 để giúp Niger thúc đẩy an ninh. Đức hồi tháng Tư loan báo rằng họ sẽ tham gia vào nhiệm vụ quân sự 3 năm của châu Âu nhằm mục đích cải thiện quân đội Niger.

Ông Ulf Laessing, lãnh đạo chương trình Sahel tại tổ chức tư vấn Konrad-Adenauer-Stiftung của Đức cho biết: “Ông Bazoum đã đang là niềm hy vọng duy nhất của phương Tây tại khu vực Sahel. Pháp, Mỹ và EU đã đang chi nhiều nguồn lực vào khu vực này để thúc đẩy Niger và lực lượng an ninh của quốc gia này”.

Ông Ulf Laessing cũng nhận định rằng cuộc đảo chính mới nhất này sẽ tạo cơ hội cho Nga và các nhân tố khác mở rộng ảnh hưởng của họ tại Niger.

Liên minh châu Phi và khối khu vực Tây Phi ECOWAS đầu ngày thứ Tư (26/7) đã lên án sự kiện mà họ gọi là một nỗ lực đảo chính.

Tổng thống Patrice Talon của Benin, quốc gia láng giềng với Niger đã bay tới Niger vào chiều thứ Tư (26/7) để đánh giá tình hình sau khi họp với Tổng thống Nigergia kiêm Chủ tịch khối ECOWAS, ông Bola Tinubu.

Tất cả các biện pháp sẽ được sử dụng nếu cần để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger, nhưng lý tưởng sẽ là mọi thứ cần được tiến hành trong hòa bình và hòa giải”, ông Talon nói với báo giới tại Abuja, thủ đô Nigeria.

Mỹ đã kêu gọi thả ông Bazoum, trong khi EU, Liên Hiệp Quốc, Pháp và các quốc gia khác đã lên án vụ nổi dậy của binh sĩ và nói rằng họ đang lo lắng theo dõi chặt chẽ vụ việc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng quan hệ đối tác kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Niger phụ thuộc vào sự tiếp tục quản trị dân chủ tại quốc gia châu Phi này.