Tuần này chính quyền Trung Quốc đã công bố bản đồ chính thức mới sửa đổi, trong đó tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn với nhiều quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Nga. Hầu hết các nước đều đã lên tiếng phản đối động thái này của Bắc Kinh.

Theo CNN, Trung Quốc đã xuất bản phiên bản mới của bản đồ quốc gia vào hôm thứ Hai (28/8) với lý do họ đã đang thường xuyên làm như vậy ít nhất từ năm 2006 để hiệu chỉnh những gì mà Bắc Kinh đã nói là “các bản đồ có vấn đề”, miêu tả sai các đường biên giới quốc gia.

Philippines hôm thứ Năm (31/8) nói rằng họ “bác bỏ” bản đồ mới của Trung Quốc bởi vì nó gồm cả đường đứt đoạn bao quanh các khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 là Trung Quốc không có cơ sở tuyên bố chủ quyền.

Bộ Ngoại giao Philippines trong tuyên bố phát đi hôm 31/8 cho rằng bản đồ này là “nỗ lực mới nhất để hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các địa hình và khu vực hàng hải của Philippines và [bản đồ này] không dựa trên luật pháp quốc tế”.

Trước đó, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối bản đồ mới Trung Quốc. New Delhi hôm thứ Ba (29/8) đưa ra “phản đối mạnh mẽ” về việc bản đồ gộp cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai-Chin tranh chấp vào lãnh thổ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Ấn Độ Arindam Bagchi nói trong tuyên bố hôm 29/8: “Chúng tôi hôm nay đã chính thức đưa ra phản đối mạnh mẽ qua các kênh ngoại giao với phía Trung Quốc về cái gọi là ‘bản đồ tiêu chuẩn 2023’ của Trung Quốc, trong đó tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của Ấn Độ. Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố chủ quyền này bởi vì chúng không có cơ sở”.

Chỉ mới tuần trước, các quan chức Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý làm việc để giảm căng thẳng đang gia tăng giữa hai quốc gia.

Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đã lên tiếng bác bỏ “các tuyên bố [chủ quyền] đơn phương” của Trung Quốc và cho biết thêm rằng Kuala Lumpur “kiên định lập trường của mình về việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của bất kỳ bên nào đối với các địa hình trên biển của Malaysia”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào tối thứ Năm (31/8) cũng đã lên tiếng khẳng định việc Trung Quốc tung ra ‘bản đồ tiêu chuẩn năm 2023’ bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong tuyên bố hôm 31/8 cho hay, việc Trung Quốc đưa ra “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” và việc thể hiện yêu sách đường đứt đoạn của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đầu tháng này, theo tờ Independent, các hình ảnh vệ tính mới chụp cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng trên Đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Đài Loan, bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cho rằng dù bản đồ mới của Trung Quốc như thế nào cũng “không thể thay đổi được thực tế khách quan của sự tồn tại của đất nước chúng tôi”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Jeff Liu khi được báo giới hỏi về bản đồ ‘tiêu chuẩn’ của Trung Quốc, ông đáp rằng Đài Loan “tuyệt đối không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Dù chính phủ Trung Quốc có xoay chuyển thế nào về quan điểm đối với chủ quyền Đài Loan, thì thực tế khách quan về sự hiện hữu của đất nước Đài Loan vẫn không thể thay đổi”.

Bản đồ 2023 do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc mới công bố cũng cho thấy toàn bộ Đảo Bolshoy Ussuriysky trên Sông Amur thuộc về Trung Quốc bất chấp Bắc Kinh và Moscow vào những năm 2000 đã ký thỏa thuận hai nước cùng chia sẻ quyền kiểm soát khu đảo này.

Theo RT, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Sáu (1/9) đã bác bỏ tin tức cho rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền toàn bộ Đảo Bolshoy Ussuriysky trên Sông Amur. Bà khẳng định Moscow và Bắc Kinh đã kết thúc phân địch tuyến biên giới chung vào năm 2008 và đang duy trì theo thỏa thuận đó.

Theo hiệp định phân định biên giới 2008, Nga kiểm soát khoảng 2/3 Đảo Bolshoi Ussuriysky, trong khi 1/3 phía cực tây là thuộc về Trung Quốc. Phần thuộc về Trung Quốc đó có tên là Heixiazi và nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Hắc Long Giang.

Bà Zakharova cho biết Nga và Trung Quốc “tuân thủ lập trường thống nhất rằng vấn đề biên giới giữa hai quốc gia đã được giải quyết dứt điểm“. Bà dẫn chứng đến thỏa thuận 2005 phân chia kiểm soát Đảo Bolshoi Ussuriysky và hiệp định biên giới 2008 phân định tuyến biên giới chung dài 4.300km.

Giải quyết vấn đề biên giới giữa Nga và Trung Quốc là kết quả của nhiều năm nỗ lực của cả hai bên”, bà Zakharova nói và khẳng định đó là “ví dụ cho tất cả các nước trên thế giới về giải quyết thành công các tranh chấp biên giới”.

Tuy nhiên, ngoại giới cho rằng Tổng thống Vladimir Putin và chính quyền Nga không phản ứng gay gắt với bản đồ mới của Trung Quốc là vì Moscow đang phụ thuộc vào Bắc Kinh kể từ sau khi bị phương Tây cô lập do phát động chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine từ cuối tháng 2/2022.

Giáo sư Mark Katz tại Trường Chính sách Chính phủ thuộc Đại học George Mason nói với Newsweek: “Ông Putin không có vị thế để lớn tiếng phàn nàn về điều này bởi vì Moscow đã đang trở nên quá phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc do kết quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Trong khi đó, theo CNA, một số chuyên gia tin rằng Trung Quốc công bố bản đồ mới vào lúc này là để “khuấy động” trước cuộc họp của các lãnh đạo Đông Nam Á vào tuần tới.

Trước sự phản ứng của các nước láng giềng Đông Nam Á, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng “lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông luôn luôn rõ ràng”.

Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc thường xuyên cập nhật và công bố nhiều loại bản đồ tiêu chuẩn mỗi năm”, ông Uông giải thích về việc công bố bản đồ mới.

Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể xem xét điều này một cách khách quan, bình tĩnh và hợp lý”, ông Uông nói thêm.

Hải Đăng