Ngày 10/6, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (người Mỹ gốc Đài Loan) đã thảo luận về các vấn đề thương mại và đầu tư với Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan John Deng và hai bên đã đồng ý sẽ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư song phương “trong vài tuần tới”, Reuters đưa tin theo tuyên bố từ văn phòng của bà Katherine Tai.

Embed from Getty Images

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm 10/6 phát đi tuyên bố cho hay: “Đại sứ Tai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ – Đài Loan và đã giải thích về các ưu tiên thương mại đặt công nhân làm trung tâm của chính quyền Biden-Harris”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7/6 đã bắn tín hiệu về khả năng nối lại các cuộc đối thoại thương mại cấp cao Mỹ – Đài Loan trong tương lai. Nhưng phía Đài Loan vẫn tỏ ra “lạc quan thận trọng” về viễn cảnh này.

Mặc dù Đài Loan từ lâu đã mong muốn ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, nhưng các cuộc đối thoại thương mại và đầu tư giữa hai bên đã bị đình trệ từ thời chính quyền Obama.

Một quan chức cấp cao tại bộ kinh tế Đài Loan nói với Reuters rằng họ hy vọng sẽ nối lại các cuộc đối thoại Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) với Mỹ trong năm nay.

Tuyên bố của văn phòng USTR không cung cấp thời gian biểu cụ thể về cuộc họp TIFA sắp tới. USTR nói rằng các cuộc đối thoại này sẽ nằm dưới sự bảo trợ của Viện Mỹ tại Đài Loan và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ.

Các cuộc đối thoại TIFA giữa Mỹ và Đài Loan đã bị đình trệ sau khi cựu Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở vào năm 2016 và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan lên Trung Quốc Đại lục, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Đài Loan đều có thể sẽ làm chế độ Trung Quốc giận giữ. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ ngoài khơi xa của họ bất chấp quốc đảo dân chủ có chính phủ độc lập dân bầu trong hơn 7 thập kỷ qua.

Mặc dù Đài Loan là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng nhiều nước vẫn cẩn trọng về việc ký các thỏa thuận thương mại với quốc đảo này vì họ lo ngại sẽ bị Trung Quốc phản đối. Hiện tại, Đài Loan đã ký được hai hiệp định thương mại tự do với Singapore và New Zealand.

Năm ngoái, chính phủ Đài Loan đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn Mỹ ăn thức ăn bổ sung có chứa chất kích nạc. Động thái này của Đài Bắc đã loại bỏ được sự cản trở lớn trong việc tiến tới ký kết hiệp định thương mai tự do với Washington.

Tuy nhiên, vào cuối tháng Tám tới đây, Đài Loan vẫn sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu có nối lại lệnh cấm thịt lợn Mỹ có chứa chất kích nạc hay không. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Như Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: