Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang áp đặt chỉ tiêu đàn áp tôn giáo tới các cảnh sát của nước này, và những viên chức không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị đe dọa đuổi việc.

Cảnh sát Trung Quốc: Đạt chỉ tiêu thi đua đàn áp tôn giáo hoặc bị sa thải
Cảnh sát Trung Quốc đang giám sát một nhà thờ. (Ảnh: itvNews, YouTube)

Với quy định tôn giáo sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2018 tại Trung Quốc, hoàn cảnh của các tín ngưỡng và tôn giáo tại đây ngày một ngặt nghèo hơn. Mới đây nhất, theo tờ Christian Post, một nguồn tin giấu tên làm việc trong ngành cảnh sát tại Đại Liên đã tiết lộ với báo chí phương Tây rằng kể từ tháng 9, sở cảnh sát nơi ông làm việc đã bắt đầu áp dụng một chế độ chỉ tiêu theo quý, trong đó quy định mỗi nhân viên cảnh sát phải bắt giữ một số lượng người có tín ngưỡng hoặc tôn giáo nhất định.

“Việc đánh giá dựa trên hệ thống thang điểm 100, mỗi người có tín ngưỡng bị bắt giữ tùy theo tín ngưỡng của họ là gì mà sẽ được tính bao nhiêu điểm”, người cảnh sát cho biết. Các tín ngưỡng đang bị đàn áp tại Trung Quốc đều có trong thang điểm này. Ông lấy ví dụ về những người tập Pháp Luân Công: nếu một trường hợp theo tập Pháp Luân Công bị bắt giữ do cấp Bộ xử lý, số điểm tương ứng là 20; cấp Cục thì là 10.

Nếu không đạt chỉ tiêu vào cuối quý, giám đốc sở cảnh sát sẽ có nguy cơ bị sa thải. Vì thế, giám đốc sở cũng sẽ áp chỉ tiêu xuống từng nhân viên. Để đối phó với hệ thống chỉ tiêu này, các nhân viên cảnh sát đã phải trao đổi hoặc mua bán chỉ tiêu của nhau.

Nguồn tin giấu tên cũng cho biết, bản thân ông ta không muốn đàn áp tôn giáo, không muốn bắt giữ những người có tín ngưỡng, vốn là những người vô tội, nhưng ông lo sợ hậu quả nếu làm trái lệnh cấp trên.

Mới đây nhất vào đầu tháng 12, một vụ đàn áp những tín đồ Cơ đốc giáo không đăng ký với chính quyền tại Thành Đô, Tứ Xuyên, đã xảy ra. Khoảng 100 tín đồ đã bị bắt giữ trong một nhà thờ không đăng ký. Nguyên nhân tồn tại hệ thống nhà thờ này là vì họ không chấp nhận việc tín ngưỡng của mình phải nằm dưới sự kiểm soát của nhà thờ nhà nước do ĐCSTQ vô Thần lập ra.

Những vụ đàn áp tín ngưỡng và tôn giáo vẫn tiếp tục diễn ra tại Trung Quốc bất chấp việc cộng đồng quốc tế ngày càng lên án mạnh mẽ vấn nạn này. Trước đó vào tháng 10/2018, BBC đăng tải phóng sự điều tra độc quyền, tiết lộ về trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ khổng lồ tại Tân Cương, chính thức đưa ra các bằng chứng rõ ràng nhất về việc đàn áp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Ngày 16/10, đại diện người Duy Ngô Nhĩ, ông Dolkun Isa, thuộc tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ trong phiên tường trình tại quốc hội Anh. Đồng thời ông cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Kazakh hiện đã bị đưa tới các trại giam giữ.

Cũng trong ngày 16/10, BBC đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc mà nạn nhân chủ yếu nhất là nhóm người tập Pháp Luân Công. Cùng ngày, Forbes đăng tải bài viết của một chuyên gia nghiên cứu diệt chủng, đưa ra thông tin các tù nhân lương tâm, bao gồm người tập Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Cơ đốc giáo, đã bị đặc biệt nhắm tới để thu hoạch nội tạng.

Cuối tháng 11, lần đầu tiên một dự luật được một nhóm các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng viện và Hạ viện đưa ra, hướng tới việc cấm vận Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đầu tháng 12, giới chức Mỹ lại tiếp tục lên tiếng sau một vụ bắt giữ hàng loạt người tập Pháp Luân Công tại Đông Bắc Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, mới đây, Úc và Liên minh Châu Âu đã tham gia cùng Anh, Mỹ, Canada, Estonia, Latvia và Lithuania để dự lập một đạo luật Magnitsky quốc tế. Đạo luật này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhiều biện pháp cấm vận các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó có cả Trung Quốc.

Minh Nhật

Xem thêm: