Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp đến thăm Bắc Kinh vào ngày 4/11 và các chủ đề liên quan vẫn đang được thảo luận.

Tap Can Binh Olaf
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Bắc Kinh và gặp ông Tập Cận Bình hôm 4/11. (Ảnh chụp màn hình video)

Câu chào đầu tiên làm dấy lên nhiều thảo luận

Theo Đài Á Châu Tự do, ông Scholz đã gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 4/11. Khi họ gặp nhau, ông Tập không chào bằng tên hay chức danh của ông Scholz, thay vào đó lại dùng câu “hey, xin chào”. Sau đó, ông Tập ra hiệu cho ông Scholz và nói ngắn gọn “chúng ta cùng chụp ảnh” rồi hỏi “[mọi việc của] ông vẫn thuận lợi chứ?”.

Sau khi đoạn video được chia sẻ, có giải thích cho rằng đó là biểu hiện “thần thái tự nhiên” của ông Tập, chiếm địa vị chủ đạo, và ông Scholz chỉ có thể hợp tác một cách thụ động. Một số cư dân mạng còn chế giễu rằng ông Scholz nhìn ông Tập Cận Bình như thể “nhi thần được hoàng đế tiếp kiến”. Ông Badiucao, một họa sĩ bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc, thậm chí còn vẽ hình minh họa ông Tập Cận Bình đang đứng và đưa tay ra tiếp kiến ông Scholz, người đang quỳ trên mặt đất, để chế nhạo mối quan hệ tôn ti giữa hai người.

Tuy nhiên, cũng có cư dân mạng cho rằng câu chào của ông Tập là lời chào thân mật tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai người. Hơn nữa, nếu có ý “hoàng đế tiếp kiến bề tôi”, thì hoàng đế cũng không thể dùng câu “xin chào” để chào bề tôi.

Tuy nhiên, theo nhà bình luận thời sự người Trung Quốc – ông Quản Diêu (Guan Yao) quan sát, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đức dự kiến ​​nói chuyện trong 45 phút, nhưng thời gian thực tế cho cuộc hội đàm gần như tăng gấp đôi. Chi tiết này chứng tỏ ông Scholz đã nhận được đầy đủ và tán thành thông điệp của ông Tập Cận Bình là “biến thị trường lớn của Trung Quốc trở thành cơ hội lớn cho thế giới”.

Hoạt động ngoại giao dày đặc của ông Tập

Ông Đường Hạo (Tang Hao), một người làm truyền thông kỳ cựu và là người dẫn chương trình của kênh truyền thông cá nhân “Ngã tư thế giới”, nhắc nhở rằng dù là “hoàng đế gặp bề tôi” hay chào hỏi hữu nghị, điều quan trọng nhất là phải nhìn về động cơ đằng sau việc ông Scholz gặp ông Tập Cận Bình, tức là chiến lược đối ngoại của ĐCSTQ.

Vào ngày 30/10, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu một phái đoàn thăm Trung Quốc và có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình vào ngày hôm sau. Đáp lại, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ tuyên bố rằng Việt Nam kiên định tuân theo chính sách một Trung Quốc, kiên quyết phản đối “Đài Loan độc lập” và không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan, nhưng trong thông báo của phía Việt Nam sau đó không hề nhắc đến nội dung nói trên.

Hôm 1/11, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã đến thăm Trung Quốc và gặp ông Tập Cận Bình vào ngày 2/11. Có tin đồn rằng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ hứa sẽ đình chỉ việc trả khoản vay 4 tỷ USD của Pakistan. Về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không trực tiếp xác nhận vào ngày 7/11, nhưng nói rằng Trung Quốc đã cung cấp “hỗ trợ trong khả năng của mình” cho sự ổn định tài chính của Pakistan trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tờ Financial Times tại Anh đưa tin hồi tháng 9 rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cung cấp hàng chục tỷ USD “khoản vay khẩn cấp” bí mật cho các quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng tài chính trong những năm gần đây. Những khoản vay này là một phần của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” trị giá 838 tỷ USD của ĐCSTQ. Kể từ năm 2017, ba quốc gia nhận được khoản vay viện trợ nhiều nhất từ ​​Trung Quốc gồm Pakistan, Sri Lanka và Argentina, tổng cộng đã nhận được 32,83 tỷ USD.

Sau đó, vào ngày 4/11, Thủ tướng Đức Scholz dẫn đầu một phái đoàn của các công ty Đức đến thăm Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, ông Scholz là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ sau Đại hội 20 của ĐCSTQ. Năm nay trùng với kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Đức, hy vọng thúc đẩy mối quan hệ Trung – Đức và Trung – Âu đạt được tiến triển mới.

Ngoài ra, Kyodo News hôm 7/11 đưa tin, một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đang xem xét khả năng hội đàm giữa lãnh đạo hai nước. Nếu “cuộc gặp Tập Cận Bình – Kishida” có thể thành công, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản sau khi ông Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Bắc Kinh vào năm 2019, và cũng là cuộc gặp đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau ông Fumio Kishida nhậm chức.

Những hoạt động ngoại giao dày đặc gần đây của ông Tập không thể không khơi dậy sự chú ý của ngoại giới.

Vũ khí hạt nhân náo động thế giới?

Ngoài ra, sự kiện gần đây khiến cộng đồng quốc tế hoang mang, khi Triều Tiên điều gần 200 máy bay chiến đấu và liên tục phóng tên lửa đạn đạo, vụ bắn thử tên lửa này chỉ tính riêng tuần trước đã lập kỷ lục về số lượng tên lửa lớn nhất trong một ngày.

“Ông Tập Cận Bình sẽ có một loạt các chuyến thăm ngoại giao dày đặc. Rốt cuộc ông Tập đang hoạch định chiến lược mới nào cho đấu tranh ngoại giao?” Ông Đường Hạo chỉ rõ, lấy Triều Tiên làm ví dụ, “Ngày 2/11, Triều Tiên tiếp tục điên cuồng phóng tên lửa từ sáng đến chiều, tổng cộng là 25 quả tên lửa, con số cao kỷ lục trong lịch sử, tuy số tên lửa này hầu hết đều là tên lửa tầm ngắn, giá thành tương đối thấp, nhưng riêng giá thành tên lửa trong ngày này sẽ tiêu tốn ít nhất khoảng 50 triệu đến 75 triệu USD. Số tiền này tương đương chi phí mà Triều Tiên nhập khẩu gạo từ Trung Quốc trong cả năm 2019. Nói cách khác, người dân Triều Tiên không đủ lương thực, nhưng tên lửa của ông Kim Jong-un thì đầy đủ.”

Vốn dĩ sau Đại hội 20, thế giới tập trung vào ‘ekip’ chiến đấu của ông Tập Cận Bình và liệu họ có tấn công Đài Loan hay không, nhưng hiện giờ giữa chừng lại nhảy ra một ông Kim Jong-un “mở hoàn toàn hỏa lực” một cách hiếm thấy, đốt tiền để bắn tên lửa. Đây liệu có thể là một sự trùng hợp hay không? Trong cuộc phỏng vấn với Đài NHK hôm 3/11, ông Yoji Koda, một vị tướng nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, suy đoán có thể có 2 nguyên nhân, thứ nhất, ông Kim Jong-un bày tỏ sự không hài lòng với cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc; thứ hai là sử dụng việc này để tuyên truyền trong nước rằng ông ta có khả năng răn đe Mỹ.

Ông Đường Hạo cũng tin rằng có hai khả năng. “Chúng ta thử nghĩ, những xung đột địa chính trị lớn nhất trên thế giới hiện tại là gì? Tất nhiên, một là cuộc chiến Nga – Ukraine ở châu Âu, hai là cuộc đối đầu eo biển Đài Loan giữa ĐCSTQ với Mỹ và Đài Loan, cũng như sự đối kháng trên nhiều mặt giữa Mỹ và ĐCSTQ.” Hiện tại, hai cường quốc quân sự Trung Quốc và Nga, đang cố gắng thách thức trật tự quốc tế hiện có, và cả hai đều muốn viết lại các quy tắc của trò chơi địa chính trị do các nước Âu Mỹ chủ đạo bằng cách phát động chiến tranh.

Như vậy, tình huống này có phải là cơ hội để lợi dụng đặt cược không? Ông Đường Hạo chỉ rõ: “Mỹ đã bị hai ông lớn là Nga và ĐCSTQ trói chặt rồi, có quá nhiều việc không thể để ý hết được, hiện giờ ông ta (Kim Jong-un) bắn tên lửa để gây rối, mặc dù hình ảnh quốc tế sẽ xấu đi, nhưng đối với lợi ích của họ thì có thể nói là một cơ hội đặt cược để chuyển mình.” Hơn nữa, lần này Triều Tiên có thể tung ra vũ lực một cách điên cuồng, đó là sự xúi giục và phối hợp của ĐCSTQ đằng sau hậu trường. “Bằng cách này, ĐCSTQ có thể kiếm được lợi ích từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc bằng việc ‘hòa giải xung đột’ và ‘làm môi giới trung gian’, đồng thời, có thể nâng cao hình tượng hòa bình và sức ảnh hưởng trên quốc tế của ĐCSTQ.”

Ông Đường Hạo cho rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử tại Đại 20, việc đầu tiên ông phải làm là tham gia vào lĩnh vực ngoại giao và sửa chữa quan hệ với các nước trên thế giới, để tránh nhiệm kỳ mới của ông rơi vào tình thế đen tối, cô lập. Điều này cũng đúng với cuộc gặp của ông  với Thủ tướng Đức. “Ông Tập Cận Bình đã đề cập đến cuộc chiến Ukraine, và bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine’ và ‘tái khởi động các cuộc đàm phán’. Rõ ràng, ông Tập đang sử dụng cuộc chiến Ukraine để lấy hình ảnh trên trường quốc tế,” ông Đường Hạo nói.

Nhưng điều kỳ lạ là khi ông Tập Cận Bình nói về hòa bình và an ninh trên chiến trường châu Âu, ông ấy lại không đề cập đến bán đảo Triều Tiên và cuộc khủng hoảng hạt nhân leo thang ở Triều Tiên, một điều khiến người ta phải suy nghĩ.

Ông Tập Cận Bình lôi kéo Đức, ẩn chứa chiến lược ngoại giao của ĐCSTQ

Ngoài ra, điểm quan trọng nhất là chiến lược ngoại giao quốc tế hiện nay của ông Tập Cận Bình.

Ông Đường Hạo nói: “Trước Đại hội 20, ông Tập Cận Bình đã ra nước ngoài thăm Kazakhstan và Uzbekistan, và tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nhằm lôi kéo các nước Trung Á và Nga.” Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thăm Trung Quốc, Thủ tướng Đức thăm Bắc Kinh cùng một nhóm các công ty khổng lồ, sau đó ông Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và hội nghị cấp cao APEC, đồng thời thăm Ả Rập Xê Út. Các chuyến thăm ngoại giao dày đặc thực ra là một sự sắp xếp đấu tranh có trật tự.”

“Chúng ta không biết ông Tập Cận Bình đã sử dụng phương pháp gì để ‘chiêu an’ ông Scholz, nhưng lần này 12 CEO của các công ty nổi tiếng của Đức đã tháp tùng ông Scholz đến thăm Trung Quốc. Rõ ràng, phía Trung Quốc đã hứa sẽ cho đơn đặt hàng. Nói cách khác, chính là ĐCSTQ muốn dùng ‘lợi ích để dụ dỗ’ các nước châu Âu.” Ông Đường Hạo chỉ ra rằng sau khi ông Tập Cận Bình gặp ông Scholz, Trung Quốc đã ngay lập tức ký một đơn đặt hàng lớn với Tập đoàn Airbus của Pháp để mua 140 máy bay chở khách, với tổng số tiền là 17 tỷ đô la. “Xin lưu ý rằng mặc dù Airbus có trụ sở chính tại Pháp, nhưng các cổ đông lớn đứng sau công ty này không hề đơn giản. Chính phủ Pháp và Chính phủ Đức đều nắm giữ hơn 10% cổ phần, và Chính phủ Tây Ban Nha cũng nắm giữ hơn 4% cổ phần.”

Từ một góc độ khác, ĐCSTQ sẽ tiếp tục chi tiền và mua sắm để thu hút các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ, để họ xích lại gần ĐCSTQ.

Gần đây, có thông tin cho rằng ông Tập Cận Bình sắp thăm Ả Rập Xê Út. Hoàng gia Ả Rập Xê Út được biết đến là có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với chính quyền Biden, ông Biden vẫn luôn yêu cầu Ả Rập Xê Út tăng sản lượng khai thác dầu, nhưng nước này ngược lại đã chỉ trích chính quyền Biden giảm sản lượng dầu của Mỹ đẩy giá dầu tăng cao. “Rõ ràng, ông Tập Cận Bình sẽ chọn thăm Ả Rập Xê Út vì nhận thấy mâu thuẫn giữa Ả Rập Xê Út và Mỹ, đây là cơ hội để phân hóa hai quốc gia này. Đồng thời, ông Tập Cận Bình cũng có thể đàm phán một số lượng lớn các đơn hàng năng lượng với Ả Rập Xê Út, để nước này có thể bán một lượng lớn dầu cho Trung Quốc, không cần phải nhìn sắc mặt của Mỹ; ngoài ra, ĐCSTQ cũng có thể nhân cơ hội này để tích trữ năng lượng và chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai,” ông Đường Hạo nói.