Theo tờ Handelsblatt của Đức vào ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bettina Stark-Watzinger cho biết ĐCSTQ ảnh hưởng trực tiếp đến học thuật và giảng dạy ở Đức, vì vậy cần chấm dứt hợp tác với các Viện Khổng Tử.

p2883851a935662577
Tòa nhà Viện Khổng Tử tại Đại học Troy ở Alabama, Mỹ. (Ảnh: Wikipedia / Kreeder13 / CC BY-SA 4.0)

Viện Khổng Tử một lần nữa trở thành vấn đề trên chính trường Đức. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger yêu cầu chấm dứt hợp tác.

Cục Bảo vệ Hiến pháp cũng chỉ ra trong báo cáo mới nhất của mình rằng gián điệp công nghiệp và học thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Đức.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cảnh báo rằng từ quan điểm an ninh, sự hợp tác này cần được xem xét kỹ lưỡng. Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, các trường đại học sẽ được cảnh báo thường xuyên về những mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Từ lâu, Bộ Giáo dục đã hoài nghi về sự hợp tác giữa các trường đại học và Viện Khổng Tử. Bộ trưởng giáo dục đương nhiệm, bà Stark-Watzinger, tin rằng cần phải hành động ngay lập tức.

Trước báo cáo của Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp và mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Đức và Trung Quốc, bà kêu gọi phải hành động. Bà nói rằng Đức cần thiết lập ranh giới rõ ràng trước ảnh hưởng trực tiếp của ĐCSTQ đối với học thuật và giảng dạy của Đức.

Bà kêu gọi các trường đại học Đức chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử, và nói rằng nên có nhiều trường đại học xem xét nghiêm túc mối liên hệ với Viện Khổng Tử và thực hiện trách nhiệm của họ.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Hiến pháp công bố vào ngày 20/6, cơ quan tình báo đã chỉ ra rằng các hình thức hợp tác như Viện Khổng Tử có khả năng làm suy yếu tự do học thuật. Đồng thời, ĐCSTQ cũng sử dụng các học viện này để truyền bá tư tưởng và hình ảnh hoàn hảo của Trung Quốc.

Viện Khổng Tử do ĐCSTQ tài trợ hạn chế tự do học thuật ở Đức

Theo Chính phủ Đức, có 19 Viện Khổng Tử ở Đức, cung cấp các khóa học ngôn ngữ và tổ chức một số hoạt động về văn hóa và lịch sử Trung Quốc. Tờ Handelsblatt đã chỉ ra trong bài viết rằng Viện Khổng Tử trực thuộc Bộ Giáo dục của ĐCSTQ, và được Chính phủ Trung Quốc ủy thác tiến hành công khai ở nước ngoài.

Vào tháng 5 năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cũng đã đến thăm Viện Khổng Tử tại Đại học Tự do Berlin khi ông đến thăm Đức. Đây là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Đức, được thành lập vào năm 2006.

Ông Tần Cương ca ngợi Viện Khổng Tử không chỉ góp phần quảng bá ngôn ngữ và văn hóa kể từ khi thành lập, mà còn lan tỏa những hạt giống hữu nghị.

Bộ Nội vụ Liên bang Đức nhấn mạnh, các tổ chức này phục vụ ĐCSTQ với mục đích mở rộng ảnh hưởng của đảng này, đặc biệt là nhằm tạo ra một hình ảnh hoàn hảo của ĐCSTQ. Người phát ngôn của Bộ giải thích rằng ảnh hưởng của ĐCSTQ có thể được nhìn thấy từ thực tế là Viện Khổng Tử phần lớn đều được Chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Sự hỗ trợ tài chính do ĐCSTQ cung cấp thường có thể giảm đáng kể áp lực kinh tế cho các trường đại học Đức, nhưng cũng mang đến nguy cơ phụ thuộc tiềm ẩn, do đó hạn chế quyền tự do học thuật một cách tinh vi.

Tháng 11/2021, hai Viện Khổng Tử ở hai thành phố Duisburg và Hannover của Đức bất ngờ hủy bỏ buổi giới thiệu sách mới về cuộc đời ông Tập Cận Bình. Sau khi điều tra cho thấy, đây là kết quả của áp lực đến từ ĐCSTQ. Vụ việc này đã gây chấn động nước Đức.

Anja Karliczek, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, nói rằng bà quan ngại sâu sắc, và tin rằng ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với giới học thuật Đức đã trở nên rõ ràng. Điều này không thể chấp nhận được. Bà kiến nghị đánh giá lại sự hợp tác của họ với Viện Khổng Tử và đưa ra kết luận chính xác.

Tháng 9/2022, đảng đối lập lớn nhất của Đức, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã thông qua một kiến ​​nghị tại đại hội đảng rằng các trường đại học Đức nên chấm dứt hoàn toàn việc hợp tác với Viện Khổng Tử.

Kiến nghị đề cập rằng sau khi xem xét cẩn thận, các tổ chức công của Đức, đặc biệt là các trường đại học và trường phổ thông, nên chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử. Vì Đức phải ngăn chặn hoạt động gián điệp học thuật và sự cố công nghệ không cần thiết.

CDU cũng tuyên bố rằng họ không muốn hoạt động của Viện Khổng Tử nhận bất kỳ khoản tài trợ nào từ những người nộp thuế ở Đức.

“Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học Đức” (HRK) tuyên bố rằng họ cực lực phản đối nỗ lực của Viện Khổng Tử, nhằm gây ảnh hưởng đến tự do học thuật ở Đức. Điều này là không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào và vi phạm các nguyên tắc tự do học thuật. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng không thể khái quát hóa, mà phải xử lý các vấn đề cụ thể một cách cụ thể.

Hiện tại, một số trường đại học tại các thành phố Frankfurt, Hamburg, Dusseldorf, Trier và Hannover đã chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử.

Viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới của ĐCSTQ được thành lập tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tháng 11/2004. Tính đến tháng 12/2018, ĐCSTQ đã thành lập 548 Học viện Khổng Tử và 1193 lớp học Khổng Tử ở các trường tiểu học và trung học trải khắp 154 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng số 1,87 triệu người học.

Tuy bề ngoài Viện Khổng Tử được xem là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, nhưng về bản chất là “một phần quan trọng trong mô hình tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ”, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chính trị bí mật nhằm gây ảnh hưởng đến đánh giá về Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế.

Kết quả là ngày càng nhiều nơi trên thế giới cảnh giác và không cho Viện Khổng Tử hoạt động.

Bình Minh (t/h)