Tờ Time đưa tin, hôm 18/10, cô Sophie Zhang, cựu nhân viên khoa học dữ liệu Facebook, đã điều trần trực tuyến với Quốc hội Anh. Cô đã làm chứng rằng trang mạng xã hội này đang cho phép các chính phủ độc tài thao túng phát ngôn chính trị. Đồng thời, cô Sophie Zhang cũng tiết lộ với VOA lý do cô trở thành người tố cáo.

Sophie Zhang
Cô Sophie Zhang, cựu nhà khoa học dữ liệu tại Facebook. (Ảnh chụp màn hình video).

“Đó là một công ty có mục tiêu chính là kiếm tiền, [nó] tập trung hơn vào việc bảo vệ chính mình,” cô Sophie nói.

Cô nói rằng “gã khổng lồ” truyền thông xã hội toàn cầu Facebook đã thất bại trong việc ngăn chặn kịp thời việc lạm dụng nền tảng và phổ biến thông tin sai lệch ở một số quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ.

Trước đó, “người thổi còi” Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm cho nhóm liêm chính công dân của Facebook, tuyên bố tại buổi điều trần, nền tảng của họ lan truyền thông tin sai lệch và nội dung “gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ” nhưng từ chối thực hiện những thay đổi có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của họ.

Frances Haugen - FaceBook
Cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, cô Frances Haugen đã đứng ra làm chứng tại phiên điều trần của Quốc hội vào ngày 5/10/2021

Cô Sophie Zhang nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng trở thành người tố cáo là lựa chọn cuối cùng bởi vì cô tin rằng vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn từ trong nội bộ. Vì lý do này, cô đã từ bỏ khoản trợ cấp thôi việc trị giá 64.000 USD của công ty để có thể nói với đồng nghiệp khi rời đi về những vấn đề cô tìm thấy, hy vọng sẽ mang lại một số thay đổi.

“Tôi chỉ bước lên và công khai nó sau khi mọi thứ thất bại,” Cô nói: “Facebook là một công ty vì lợi nhuận, mục tiêu chính là kiếm tiền chứ không phải để giải quyết các vấn đề thực sự. Vì vậy, cuối cùng, chỉ khi mọi người đều biết rằng vấn đề tồn tại thì nó mới có thể được giải quyết.”

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, cô Sophie cho biết việc cô Frances Haugen nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng khi làm chứng tại phiên điều trần Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 5/10, đã khuyến khích cô bước ra.

Cô hy vọng cũng có thể làm chứng tại Quốc hội Hoa Kỳ. Cô cũng tuyên bố rằng đã cung cấp một số tài liệu chi tiết cho một cơ quan thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ, nhưng cô từ chối tiết lộ thêm thông tin.

Facebook thờ ơ với việc nền tảng bị sử dụng để thao túng chính trị

Cô Sophie đã làm việc với tư cách là nhà khoa học dữ liệu cho Facebook trong gần 3 năm và bị công ty sa thải vào tháng 8/2020 với lý do liên quan đến hiệu suất công việc. Trước khi rời đi, cô đã đăng một bản ghi nhớ dài hơn 7.800 từ trên diễn đàn nội bộ của công ty, liệt kê cách các nhà lãnh đạo chính trị và tổ chức chính trị ở các quốc gia như Azerbaijan và Honduras sử dụng nền tảng để thao túng dư luận và cử tri, đồng thời nói rằng Facebook thờ ơ hoặc chậm giải quyết những vấn đề này.

Kênh truyền thông BuzzFeed News lần đầu tiên báo cáo bản ghi nhớ này vào tháng 9/2021.

Công việc của cô Sophie trên Facebook là xác định các tài khoản giả mạo và các giao dịch giả mạo (fake engagement). Đó là việc sử dụng tài khoản giả để thích và bình luận hoặc hành vi của lực lượng thủy quân internet (internet water army) không phản ánh các tương tác chân thực. Hành vi này sẽ làm sai lệch nhận thức của ngoại giới về mức độ phổ biến của một phần nội dung hoặc một tài khoản. Nó còn có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của nội dung hoặc tài khoản trong thuật toán đẩy nội dung của Facebook.

Cô Sophie nói rằng nhiều tương tác giả xuất hiện trong miền công cộng nói chung thường là được thúc đẩy bởi lợi ích thương mại. Tuy nhiên, cô cũng nhận thấy rằng những hành vi này xảy ra trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là ở các nước đang phát triển bên ngoài Hoa Kỳ.

Cô Sophie nói với VOA: “Về cơ bản, vấn đề là sẽ có ngoại lệ cho những người (giữ vị trí) quan trọng hơn.”

Trong thư từ chức của mình, cô trích dẫn một ví dụ về việc phát hiện ra rằng đảng cầm quyền ở Azerbaijan đã sử dụng thủy quân internet để quấy rối đảng đối lập trên quy mô lớn. Cô đã báo cáo vấn đề với ban quản lý, nhưng Facebook chỉ mở cuộc điều tra một năm sau đó. Cô tin rằng các vấn đề liên quan sẽ được ưu tiên hơn nếu chúng được báo chí đưa tin, hoặc gây ra mối quan tâm từ bên ngoài.

Facebook bác bỏ cáo buộc này. Người phát ngôn cho biết, kể từ năm 2017, Facebook đã đầu tư 13 tỷ USD vào bảo mật nền tảng và 15.000 người đánh giá nội dung bằng 50 ngôn ngữ khác nhau ở 20 khu vực trên thế giới. Ngoài ra, Facebook đã xóa hơn 150 mạng cố gắng thao túng cuộc tranh luận công khai xuất phát từ hơn 50 quốc gia, hầu hết đến từ hoặc tập trung bên ngoài Hoa Kỳ. Ông nói: “Hồ sơ của chúng tôi cho thấy rằng chúng tôi đang chống lại các hành vi lạm dụng ở nước ngoài với lực độ tương tự như được áp dụng ở Hoa Kỳ.”

Tuy nhiên, cô Sophie tin rằng Facebook đã không trả lời các câu hỏi cụ thể, đó là lý do tại sao họ đã không xử lý tình trạng lạm dụng nền tảng ở các quốc gia khác một cách kịp thời và hiệu quả. Cô nói rằng chiến dịch quảng bá tài khoản giả mạo của Tổng thống Honduras Hernández đã trở lại ngay sau khi Facebook có hành động chống lại hành vi giả mạo của ông ta.

Ký ức buồn khiến Sophie ý thức được trách nhiệm của bản thân

Đối với Sophie, lý do khiến cô quan tâm nhiều đến vấn đề này phần lớn liên quan đến những điều mà bản thân cô đã từng trải qua.

Cô sinh ra ở thành phố Ann Arbor, bang Michigan, Hoa Kỳ vào năm 1991. Cha mẹ cô là những người nhập cư trí thức từ Trung Quốc. Mặc dù có thành tích học tập tốt, nhưng trong cô đầy ắp những kỷ niệm buồn của tuổi thơ. Cô cho biết, việc chuyển giới khiến cô có một trải nghiệm đau buồn và cô cảm thấy những người nên quan tâm, bảo vệ cô đã không làm tròn trách nhiệm của họ.

Cô nói: “Điều tôi muốn nói là, giống như nhiều người, cá nhân tôi đã trải qua những (hậu quả của) những sơ hở về quyền lực và trách nhiệm. Tôi nghĩ nhiều người có thể hiểu được trải nghiệm này, một vấn đề vốn do người khác phải chịu trách nhiệm và mọi người nên được bảo vệ khỏi nó, nhưng không!”

Cô ấy nói rằng vì những trải nghiệm này, từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã hứa với bản thân: “Nếu tôi ở vị trí có quyền hạn, tôi sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn điều này xảy ra. Đây là lý do tại sao tôi làm việc chăm chỉ để người dân Honduras và Azerbaijan tránh được những sơ hở tương tự.”

Cô Sophie đã viết trong bản ghi nhớ: “Tay tôi bị dính máu”, ít nhất một phần tự trách bản thân vì một số xung đột chính trị đã nổ ra ở những quốc gia mà cô không thực hiện các hành động ưu tiên đối với những hành vi sai trái trên mạng. Cô thường cảm thấy rằng mình phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Facebook và Trung Quốc

Trong vài năm trở lại đây, Facebook liên tục nói rằng họ đã xóa bỏ một số lượng lớn các mạng tài khoản giả mạo hoặc có liên quan đến Trung Quốc, các tài khoản này chủ yếu đăng tải thông tin ủng hộ hoặc thúc đẩy lợi ích của Chính phủ Trung Quốc. 

Sophie cho biết cô không tiếp xúc nhiều với thông tin sai lệch liên quan đến Trung Quốc trong công việc của mình nhưng cô có thể đưa ra ví dụ phủ nhận nỗ lực nói trên của Facebook. Cô cho biết phát hiện của mình về việc nhiều người hâm mộ trên các tài khoản Facebook của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc là những người hâm mộ giả mạo.

Cô lấy tài khoản Facebook People’s Daily phiên bản Úc làm ví dụ, tài khoản này cho thấy có hơn 900.000 người hâm mộ, tương đương với khoảng 4% dân số Úc. Tuy nhiên các bài đăng chỉ có 7 lượt thích hoặc khá hơn là 12 lượt thích, cô chỉ ra.

“Vậy điều gì đã xảy ra?” cô nói, “hầu hết trong số (những người theo dõi) đó là giả” và chúng không hoạt động tương tác. Cô nhận định: “trên thực tế, chỉ là lãng phí tiền của những người đóng thuế Trung Quốc”, có thể chỉ dành cho những thành tựu chính trị đẹp đẽ và không có tác dụng gì.

Cô chỉ ra rằng đối với những tài khoản giả mạo không hoạt động này, Facebook thường không dễ dàng thực hiện hành động vì các máy chủ tài khoản chủ yếu được ẩn ở các quốc gia nhỏ.

Tuy nhiên, cô tin rằng nếu Facebook phát hiện thông tin sai lệch liên quan đến Trung Quốc, họ sẽ sớm mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, việc có hành động hay không có thể phải cân nhắc đến vấn đề chính trị, “tùy thuộc vào mức độ đe dọa từ Chính phủ Trung Quốc.” 

Cô cho biết, mặc dù Facebook bị chặn ở Trung Quốc nhưng rất nhiều công ty Trung Quốc quảng cáo trên nền tảng của họ. Phần doanh thu này chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh thu quảng cáo của Facebook.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: