Trong một hội thảo về chính sách Canada – Trung Quốc và cuộc đàn áp Pháp Luân Công được tổ chức vào ngày 9/12/2020 vừa qua, ông Alex Neve, cựu Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tại Canada đã phát biểu rằng ông cảm thấy “thật sự thất vọng” về sự thờ ơ của các chính phủ đối với cuộc đàn áp tàn bạo người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Cựu Tổng thư ký Ân xá Quốc tế Canada: Thế giới cần lên tiếng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Ông Alex Neve phát biểu tại Đồi Nghị viện Canada, kêu gọi thủ tướng Justin Trudeau đưa vấn đề nhân quyền vào các thỏa thuận giữa Canada và Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)

Hội thảo về sự vi phạm nhân quyền có hệ thống trên toàn Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công và ảnh hưởng của nó đối với chính sách Canada – Trung Quốc đã quy tụ các cá nhân là nhà lập pháp, luật sư và nhà hoạt động nhân quyền tại Canada.

Tại hội thảo, ông Alex Neve, người vừa rời khỏi vị trí Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế chia sẻ: “Tôi luôn được khuyến khích bởi niềm tin và sự sáng suốt của người tập Pháp Luân Công và những người thân yêu của họ, bởi sự kiên cường của họ, bởi sự quyết tâm của họ, và chắc chắn bởi sức mạnh và lòng dũng cảm tuyệt đối của họ trong việc từ chối im lặng.”

“Nhưng cũng thật sự thất vọng khi chứng kiến một cuộc đàn áp nhân quyền không ngừng nghỉ và tàn nhẫn như vậy, và phản ứng nửa vời và chắc chắn là không hề đầy đủ từ cộng đồng quốc tế.”

Ông Neve bình luận rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công 22 năm qua, bao gồm việc bắt giữ tùy tiện, tù giam trái pháp luật, xét xử bất công, tra tấn và giết người, là “vô lương tâm” và rằng chính phủ Canada cần phải làm việc cả song phương và đa phương để gây áp lực lên chế độ Trung Quốc.

“Chúng ta cần tăng cường các nỗ lực trong cộng đồng quốc tế, làm việc với các chính phủ, càng rộng càng tốt, để làm rõ rằng hồ sơ nhân quyền bạo ngược của Trung Quốc cần được giải quyết”, ông Neve chia sẻ. “Đã đến lúc thế giới cần lên tiếng đối với hồ sơ nhân quyền vô cùng tồi tệ của Trung Quốc”.

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2018 có tiêu đề “Diệt chủng Lạnh: [Cuộc đàn áp] Pháp Luân Công tại Trung Quốc” (Cold Genocide: Falun Gong in China), giáo sư Maria Cheung của Đại học Manitoba (Canada) cùng các tác giả khác đã bình luận rằng cuộc diệt chủng đối với người tập Pháp Luân Công là “bất thường vì nó hầu như bị phớt lờ”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trong lịch sử hiếm có cuộc diệt chủng nào lại kéo dài quá 10 năm, trong khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã bắt đầu từ tháng 7/1999 và đã kéo dài hơn 2 thập kỷ. Nguyên nhân một phần là do chế độ Trung Quốc đã nỗ lực che giấu các bằng chứng về tội ác diệt chủng bằng cách sử dụng các hình thức đàn áp tinh vi, lâu dài và có hệ thống, như “chuyển đổi ý thức hệ, tuyên truyền, ma quỷ hóa”, và tạo nên một “cuộc diệt chủng lạnh” có tốc độ chậm và hành vi ẩn giấu.

Ông Irwin Cotler, đồng chủ tịch của Liên minh Nghị viện Quốc tế về vấn đề Trung Quốc, cựu bộ trưởng tư pháp, người sáng lập và chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg, đã nói trong bài phát biểu tại hội thảo của mình rằng cuộc đàn áp người tập Pháp Luân Công đã “lọt khỏi màn hình radar quốc tế”, nhưng “phải được quay trở lại trong chương trình nghị sự về nhân quyền và trở thành ưu tiên đối với các mối quan tâm và chủ trương của chúng ta”.

Ông Cotler lần đầu biết về cuộc đàn áp này khi mới được bầu làm nghị sĩ vào năm 1999. Ông đã tiếp nhận trường hợp của một người tập Pháp Luân Công là giáo sư Kunlun Zhang thuộc Đại học McGill (Canada), người đã bị bắt cóc, giam giữ và tra tấn ở Trung Quốc. Ông Cotler đã tổ chức một chuỗi các cuộc họp báo cũng như các nỗ lực khác để giúp giáo sư Zhang được thả khỏi Trung Quốc.

Nghị sĩ Cotler đã không được khuyến khích khi bắt đầu nỗ lực giải cứu giáo sư Zhang. “Các quan chức chính phủ đã khuyên tôi rằng chúng ta không nên tổ chức các buổi họp báo vì chính phủ Canada đang chuẩn bị phái một phái đoàn thương mại tới Trung Quốc”, ông Cotler kể lại. “Câu trả lời của tôi, được báo chí đưa tin vào thời điểm đó, là không có gì mâu thuẫn giữa việc xúc tiến thương mại và việc thúc đẩy nhân quyền. Mâu thuẫn là ở chỗ thúc đẩy thương mại mà thiếu vắng thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.”

Ông Cotler bình luận rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã thể hiện “tội ác và tham nhũng của chế độ Trung Quốc” và Canada cần có trách nhiệm “phơi bày và vạch trần” điều đó, bởi vì ĐCSTQ tạo thành “mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự quốc tế”.

Tham gia hội thảo, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách châu Á – Thái Bình Dương cho rằng “sự im lặng của Ottawa đối với những hành vi vi phạm nhân quyền hàng loạt với người dân của mình”, chẳng hạn như những người Canada tập Pháp Luân Công, là “một trong những vấn đề chính đã định hình chính sách Canada-Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”. Ông Kilgour là đồng tác giả của báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest), báo cáo đưa ra bằng chứng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Ông Kilgour cho rằng Canada cần có hành động cụ thể chống lại các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo. Một biện pháp có hiệu quả là sử dụng đạo luật cấm vận kiểu Magnitsky hiện đã được thông qua tại Canada.

“Nếu Canada và các nền dân chủ khác thể hiện cam kết nhiều hơn với các giá trị [phổ quát] mà chúng ta đưa ra, thì ngành thương mại đê hèn [thu hoạch nội tạng] có thể chấm dứt”, ông Kilgour bình luận.

Theo The Epoch Times
Minh Nhật biên dịch

Xem thêmHoa Kỳ lần đầu trừng phạt quan chức ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công

Mời xem video: