Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry sẽ trở thành quan chức cấp cao thứ ba của chính quyền Biden đến thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây, sau chuyến đi của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken.

Embed from Getty Images

Ngày 11/7, một quan chức Mỹ cho biết, ông Kerry sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 17/7 đến 20/7.

Washington đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ vốn đang căng thẳng với Bắc Kinh về các vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm cả Đài Loan; cáo buộc gián điệp; Hoa Kỳ cấm xuất khẩu các công nghệ tiên tiến; các chính sách công nghiệp của Trung Quốc; vấn đề nhân quyền; nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và thuế quan thương mại.

Hồi tháng 5, ông Kerry cho hay Trung Quốc đã mời ông đến thăm “trong thời gian tới” để đàm phán về việc ngăn chặn khủng hoảng khí hậu toàn cầu, bất chấp căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và vấn đề phát thải khí nhà kính.

Mỹ và Trung Quốc trước đây đã hợp tác về biến đổi khí hậu với những bước đột phá đưa đến hiệp định khí hậu Paris năm 2015.

Lần cuối cùng ông Kerry gặp người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) là vào tháng 1 đầu năm.

Cuối tuần qua, bà Yellen thông báo, các cuộc gặp của bà với các quan chức cấp cao của Trung Quốc thực sự “trực tiếp” và “hiệu quả”, giúp ổn định mối quan hệ thường xuyên rạn nứt giữa hai siêu cường.

Tháng trước, ông Blinken đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc. Nhưng ngay sau khi chuyến thăm kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi ông Tập là ‘nhà độc tài’, tình huống có nguy cơ làm xấu thêm quan hệ hai bên.

Các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo đề cập đến một loạt chủ đề nhưng về cơ bản không tạo ra bước đột phá rõ ràng nào.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đình chỉ một thời gian ngắn các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về khí hậu, an ninh và các vấn đề khác để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ khi đó là bà Nancy Pelosi.

Nhật Minh (Theo Reuters)