Tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung hôm thứ Bảy (19/5) đã ra được tuyên bố chung. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc đồng ý về một kế hoạch “hỗ trợ tăng trưởng và việc làm ở Mỹ” bằng cách thúc đẩy Trung Quốc mua “đáng kể” hơn hàng hóa và dịch vụ Mỹ, bao gồm “tăng xuất khẩu nông sản và năng lượng Mỹ sang Trung Quốc”.

Embed from Getty Images

Ông Lưu Hạc đang đi những bước thận trọng trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung diễn ra trong tuần qua thảo luận về nhiều vấn đề thương mại, trong đó có bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin là Trưởng đoàn bên phía Washington, ngoài ra còn có sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Lưu Hạc – Phó Thủ tướng Trung Quốc, đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình là Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc.

Theo Nhật báo phố Wall, phái đoàn hai bên cùng nhận định các cuộc đàm phán vừa qua đã “mang tính xây dựng”. Mặc dù Trung Quốc hứa tăng cường mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ, nhưng tuyên bố chung không nêu cụ thể về mặt định lượng cam kết của Trung Quốc. Thực tế, Mỹ đã không thành công với mục tiêu yêu cầu Trung Quốc đồng ý cắt giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại song phương vào năm 2020.

Ngoài ra, tuyên bố chung Mỹ-Trung vừa công bố không đề cập tới vấn đề giải cứu việc làm tại công ty viễn thông Trung Quốc ZTE, doanh nghiệp đang có nguy cơ phải đóng cửa do chịu chế tài Mỹ.

>>Trước đàm phán thương mại Mỹ-Trung, Trump ngỏ ý cứu ZTE

Tuần trước, Tổng thống Trump đã đăng tweet rằng ông đang làm việc với Chủ tịch Tập để xử lý vấn đề ZTE.

Sau tweet về giải cứu việc làm tại ZTE của ông Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm thứ Hai tuần trước đã nói rằng chính phủ Trump sẽ giải quyết riêng rẽ vấn đề lệnh cấm bán linh kiện Mỹ cho ZTE, không gộp vào các cuộc thảo luận thương mại Mỹ – Trung.

Tuyên bố chung nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục cử phái đoàn tới Trung Quốc để làm việc về các vấn đề chi tiết, trong đó có thể bao gồm việc mở rộng giao thương hàng hóa sản xuất và “hợp tác” mạnh mẽ hơn trong việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tuyên bố chỉ nói chung chung rằng mục tiêu là “cắt giảm đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc”, theo tờ Washington Examiner.

Tờ New York Times, dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên, cho biết để thu hẹp thâm hụt thương mại Mỹ – Trung, phía Trung Quốc sẽ giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan hiện nay đang áp đặt lên hàng hóa và dịch vụ Mỹ xuất sang Trung Quốc. Việc loại bỏ thuế quan và các hàng rào mang tính cấu trúc khác về cơ bản sẽ cho phép Mỹ xuất khẩu hàng hóa trị giá thêm 200 tỷ USD vào Trung Quốc mỗi năm kể từ năm 2020.

Các quan chức chính phủ Trump đã mô tả thỏa thuận tiềm năng với Bắc Kinh như một chiến thắng có thể dẫn đến việc Trung Quốc thực hiện một số thay đổi về cấu trúc đối với nền kinh tế của họ mà Washington từ lâu đã tìm cách thúc đẩy Bắc Kinh hiện thực hóa. Hiện tại, Trung Quốc áp đặt thuế quan đối với một loạt các sản phẩm của Mỹ, bao gồm ô tô, hàng nông sản và năng lượng, và áp dụng các rào cản phi thuế quan cứng rắn khác để ngăn chặn các công ty Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ phải tham gia liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc để vận chuyển hàng hóa vào quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tuy nhiên, theo New York Times, một số cố vấn trong chính quyền Trump có quan điểm cứng rắn về vấn đề Trung Quốc đã cảnh báo rằng Trung Quốc có lịch sử lâu dài về việc hứa sẽ sửa chữa các hoạt động thương mại của họ và mở cửa thị trường cho hàng hóa của Mỹ, nhưng rồi chỉ để quay trở lại thực hiện như cũ hoặc trì hoãn những động thái sửa đối đó. Những cố vấn này đã kêu gọi Tổng thống Trump phải thực hiện một lập trường cứng rắn hơn nhằm đảm bảo Trung Quốc tuân theo các thay đổi mà các doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn, bao gồm việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố chung Mỹ – Trung thiếu các kế hoạch cụ thể và không đề cập tới vấn đề ZTE.

Chìa khóa cho một thỏa thuận mạnh mẽ là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta ở Mỹ và chấm dứt tình trạng Trung Quốc ngăn cản hàng hóa của chúng ta tiếp cận thị trường của họ cho tới khi chúng ta phải bàn giao bí quyết thương mại, bí quyết kinh doanh và những thứ đại loại như vậy cho các đối tác Trung Quốc trong liên doanh. Tuyên bố chung này không có gì cụ thể về những vấn đề đó và cũng không đề cập tới số tiền Trung Quốc ngay lập tức hoặc ngắn hạn phải mua hàng Mỹ”, ông Schumer nói.

Thượng nghị sĩ Dân chủ nhấn mạnh thêm rằng: “Hơn nữa, [tuyên bố chung] không đề cập tới ZTE. Nếu chính phủ [Trump] nhượng bộ về ZTE và cho phép công ty này tiếp tục tồn tại, cho dù họ đã bị trừng phạt, thì đó vẫn là báo hiệu cho Chủ tịch Tập Cận Bình thấy rằng chúng ta là những người đàm phán yếu kém”.

Sau khi kết thúc vòng đàm phán hiện tại vào tối muộn thứ Sáu, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ “tiếp tục phải đối thoại hiệu quả”.

Các nhà đàm phán từ cả hai bên Mỹ – Trung đều đồng ý sẽ duy trì đối thoại mở và tiếp tục làm việc hướng tới một kế hoạch mà có thể giải quyết được các quan ngại về kinh tế và thương mại của cả hai nước.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: