Chlóe Zhao, phụ nữ châu Á đầu tiên giành được giải Quả Cầu vàng cho Đạo diễn Xuất sắc nhất, đang đối mặt với những chỉ trích từ chính quê hương Trung Quốc, sau khi nói đây là đất nước “người ta nói dối ở khắp mọi nơi”.

Chlóe Zhao
Đạo diễn Chlóe Zhao. (Ảnh: Wikimedia/CC-BY-SA-4.0)

Tất cả những tài liệu quảng bá cho bộ phim Nomadland của Chlóe Zhao, cũng như mọi ý kiến đề cập đến nó trên Weibo, nền tảng tương tự Twitter ở Trung Quốc, đã bị các nhà kiểm duyệt nước này cấm tiệt. Đồng thời, hashtag về bộ phim này với 87 triệu lượt xem đã bị gỡ bỏ “theo các luật định và các chính sách có liên quan.”

Chlóe Zhao trước đây được nhiều kênh truyền thông Trung Quốc ca ngợi khi trở thành phụ nữ châu Á đầu tiên thắng giải Quả Cầu Vàng cho Đạo diễn Xuất sắc nhất. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô cô là “niềm tự hào của Trung Quốc” và quảng bá bộ phim sẽ được chiếu ở Trung Quốc ngày 23/4 tới đây.

Nhưng rồi kiểm duyệt của chính quyền xuất hiện. Rất có thể nó có liên quan tới một bình luận của Chlóe Zhao năm 2013 trên một tạp trí nhỏ phát hành theo quý ở New York có tên Tạp chí Người làm phim. Khi được hỏi về điều gì đã khiến cô sản xuất một tác phẩm đầu tay kể về một thiếu niên người Châu Mỹ Bản địa vật lộn tìm cách bảo tồn bản sắc của mình, Zhao nói: “Chuyện bắt đầu từ khi tôi còn là một thiếu niên ở Trung Quốc, nơi người ta nói dối ở khắp mọi nơi.”

Nhưng không lâu sau chiến thắng của cô, một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bới ra được bình luận trên, có người cáo buộc cô đang “bôi tro trát trấu Trung Quốc” và kêu gọi tẩy chay bộ phim.

Những chỉ trích lại càng bùng lên mạnh mẽ hơn sau khi một cuộc phỏng vấn của một kênh truyền thông Úc trích dẫn nhầm câu nói của cô về chủ đề quê hương và cá tính, trong đó Zhao nói Mỹ “rốt cuộc cùng không phải là quê hương của tôi” nhưng lại bị ghi thành “hiện tại là quê hương của tôi.”

Sau màn giật giải tại Quả Cầu Vang, Nomadland đang trở thành ứng viên số 1 cho giải Oscar năm nay, nhưng không rõ là những chỉ trích bất ngờ tại Trung Quốc có dẫn tới lệnh cấm chiếu tại nước này hay không. Những tranh cãi xoay quanh Nomadland có thể sẽ làm ảnh hưởng tới dự án tiếp theo của cô, bộ phim siêu anh hùng của hãng Marvel với tựa đề The Eternals, với sự góp mặt của minh tinh Angelina Jolie, một bộ phim có thể còn hấp dẫn hơn nhiều tại các phòng vé Trung Quốc.

Trước vụ việc của Zhao, những màn công kích mang đậm chủ nghĩa dân tộc kiểu khó dự đoán như thế này đã trở thành chuyện hay diễn ra ở Trung Quốc. Cũng chính kiểu yêu nước trên mạng Internet này đã dẫn tới làn sóng phê bình NBA tại Trung Quốc sau khi cựu Tổng giám đốc câu lạc bộ Houston Rockets là Daryl Morey đăng tweet ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông năm 2019.

Trong tất cả những thí dụ này, theo sau sự giận dữ trên các mạng xã hội thường là kiểm duyệt và chế tài của chính quyền. Những binh đoàn ái quốc trên mạng của Trung Quốc, hay còn được gọi là những tiểu phấn hồng, luôn sẵn sàng đứng lên xỉ vả các bình luận chê bai Trung Quốc, đã trở thành một mối lo ngại ngày càng lớn và khó đối phó với các nhà làm phim vì e sợ bị chính quyền kiểm duyệt.

Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chính thức đưa ra động thái nào, mặc dù thông tin về Nomadland và Zhao đã bị hạn chế một phần trên mạng, nhưng vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Việc này làm dấy lên câu hỏi ai là người cuối cùng có quyền phán quyết trên không gian mạng Trung Quốc, và những bình luận nào sẽ bị xem là đi quá giới hạn.

Theo Vision Times,

Hạ Chi

Xem thêm: