Iran tuần này đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào ba quốc gia khác nhau, gồm Iraq, Syria và Pakistan. Trong khi, các nhóm chiến binh ủy nhiệm mà Tehran hậu thuẫn tiếp tục tấn công vào các lợi ích của Mỹ, phương Tây và Israel, làm dấy lên lo ngại xung đột vũ trang có thể nhận chìm Trung Đông và lan rộng tới các khu vực khác.

Tại sao Iran tiến hành không kích vào Pakistan, Iraq và Syria?

Các cuộc tấn công của Iran vào Iraq, Syria và Pakistan tất cả đều là để đáp trả các cuộc tấn công được thực hiện vào lãnh thổ Iran hoặc các mục tiêu của Iran.

Iran hôm thứ Ba (16/1) nói rằng nước này đã phóng tên lửa vào các chiến binh IS tại Syria, đáp trả một vụ đánh bom giết hại hàng trăm người ở một lễ tưởng niệm tôn vinh chỉ huy Qassem Soleimani hôm 3/1 ở miền trung Iran. Soleimani là kiến trúc sư chính yếu của mạng lưới các nhóm bán quân sự ủy nhiệm của Iran trong thế giới Ả Rập. Mỹ đã tiêu diệt Soleimani bằng tấn công drone ở Iraq vào năm 2020.

Cùng thời điểm tấn công vào Syria, Iran cũng đã không kích vào Iraq, nhắm đến mục tiêu mà họ nói là các cơ sở gián điệp của Israel. Iraq đã bác bỏ cáo buộc này. Israel đã đang tấn công tiêu diệt các thành viên quan trọng của Hezbollah ở Li Băng và lực lượng tinh anh của chính Tehran, Vệ binh Cách mạng, tại Li Băng và Syria.

Tại Pakistan, truyền thông nhà nước Iran nói rằng Tehran đã phá hủy hai căn cứ của nhóm chiến binh Jaish al Adl, theo Hồi giáo Sunni, một nhóm vũ trang có trụ sở tại Pakistan hồi tháng 12/2023 đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công giết hại các lực lượng an ninh Iran. Để đáp trả, Pakistan hôm thứ Năm (18/1) đã tiến hành không kích vào các phần tử ly khai bên trong lãnh thổ Iran.

Iran và các đội quân ủy nhiệm của họ ở những đâu?

Dưới sự chỉ đạo của Soleimani, Iran đã nuôi dưỡng một mạng lưới lực lượng vũ trang ủy nhiệm trong nhiều quốc gia Ả Rập và mạng lưới này đã lớn mạnh trong những năm sau khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003 và tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa từ sau đó.

Iran phủ nhận rằng nước này chỉ đạo sát sao các đội quân ủy nhiệm thực hiện các cuộc tấn công. Thay vào đó, Tehran nói rằng các đội quân ủy nhiệm tự chủ hành động. Iran nói nước này tán thành rộng rãi những hành động chống Israel và chống Mỹ của các đội quân ủy nhiệm.

Iran trang bị vũ khí và huấn luyện các nhóm vũ trang đang hoạt động trong các khu vực sau:

Dải Gaza: Iran hậu thuẫn nhóm vũ trang Hamas và Hồi giáo Jihad người Palestine. Hamas kiểm soát Dải Gaza và hôm 7/10 đã tấn công chết chóc vào miền nam Israel, từ đó làm bùng nổ cuộc chiến tranh Israel-Hamas dai dẳng hiện tại. Iran tự nhận họ là những người đấu tranh cho sự phản kháng của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Iraq: Tehran hậu thuẫn các chiến binh Hồi giáo Shi’ite tại Iraq trong suốt thời gian Mỹ chiếm đóng tại đây và vẫn duy trì những liên kết đó cho đến nay. Lực lượng Huy động Quần chúng (PMF), một tâp hợp các đội quân bán quân sự được nhà nước cho phép, chủ đạo bởi các nhóm được trang bị vũ khí hạng nặng và huấn luyện chiến đấu kỹ, trung thành với Iran và có mối quan hệ gần gũi với Vệ binh Cách hạng.

Các nhóm PMF đã đang bắn rocket vào các căn cứ của Mỹ trong hàng chục các cuộc tấn công tại Iraq và Syria. Washington đã đáp trả bằng các cuộc không kích, trong đó có một cuộc tấn công giết chết một chỉ huy của PMF tại Baghdad, Iraq.

Syria: Syria là tuyến đường quá cảnh quan trọng cho các đội quân ủy nhiệm của Iran giữa Iraq và Li Băng. Sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu năm 2011, Iran đã can thiệp để chống đỡ cho Tổng thống Bashar al-Assad, triển khai đến đây các cố vấn của Vệ binh Cách mạng, và các chiến binh từ Iraq, Pakistan và Afghanistan. Hezbollah tại Li Băng đã chiến đấu cùng với các nhóm này để bảo vệ Tổng thống Assad. Những đội quân này vẫn duy trì triển khai khắp Syria.

Li Băng: Hezbollah là đồng minh quân sự trung thành nhất của Iran. Được thành lập vào những năm 1980 để chiến đấu với quân đội Israel ở Li Băng, Hezbollah hiện có kho vũ khí với hàng nghìn rocket và các chiến binh được huấn luyện kỹ, có kinh nghiệm chiến đấu với các chiến binh Hồi giáo Sunni trong nhiều năm ở Syria.

Hezbollah hiện đang tiến hành các cuộc tấn công hàng ngày vào binh lính Israel dọc theo biên giới Li Băng – Israel kể từ sau khi Nhà nước Do Thái tấn công Hamas ở Dải Gaza.

Yemen: Nhóm Houthi đã kiểm soát Yemen vào năm 2014 và đã đang chiến đấu chống lại lực lượng do Ả Rập Saudi hậu thuẫn để giành giật quyền kiểm soát Yemen.

Tehran đầu tiên hậu thuẫn Houthis trong cuộc chiến chống lại Ả Rập Saudi vốn là địch thủ của Iran tại Vùng Vịnh. Houthis hay còn có tên chính thức là Ansar Allah bây giờ hiện đang bắn tên lửa vào Israel và vào các tàu thuyền thương mại và chở dầu trên Biển Đỏ. Mỹ hiện đang tiến hành không kích nhắm vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen.

Các cuộc không kích có liên quan đến chiến tranh Israel-Hamas không?

“Trục kháng chiến” do Iran hậu thuẫn, tên gọi mà Tehran và các đội quân ủy nhiệm của nước này sử dụng cho hành động có tính phối hợp của họ chống lại các kẻ thù chung. Iran và các đội quân ủy nhiệm tuyên bố rằng những hành động của họ từ ngày 7/10 là để đáp trả Israel ném bom và xâm lược Gaza.

Houthis, Hezbollah và các nhóm khác đã đang tuyên bố rằng họ sẽ chỉ dừng các cuộc tấn công nếu Israel chấm dứt tấn công vào người Palestine.

Mục tiêu của Iran và các đội quân ủy nhiệm có giống nhau?

Iran và các đội quân ủy nhiệm chia sẻ mục tiêu chấm dứt các cuộc ném bom của Israel vào Gaza, và đẩy lui binh lính Mỹ ra khỏi khu vực mãi mãi. Vượt trên mục tiêu đó, họ đều có những lợi ích cục bộ của riêng mình.

Hezbollah là nhóm mạnh mẽ nhất tại Li Băng và điều hành một nền kinh tế vốn đang suy thoái không phanh. Hezbollah muốn tránh leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột hoặc hành động quân sự cường độ cao của Israel, điều mà có thể thách thức chính vị thế của Hezbollah ở trong nước.

Houthis theo đuổi mục tiêu giành lại quyền kiểm soát Yemen và đã đang sử dụng cuộc chiến tranh mới nhất này là phương tiện để khẳng định sức mạnh quân sự và tầm quan trọng trong khu vực của nhóm này, theo các nhà phân tích. Ngoại giới cũng đang thảo luận về mức độ kiểm soát của Iran đối với các hành động của Houthi.

PMF đã đang làm giàu mạnh cho chính họ thông qua việc thống trị phần lớn thể chế nhà nước và nền kinh tế tại Iraq. Một số nhóm trong PMF trung thành hơn với Iran thường tuân thủ lệnh của Tehran, nhưng các nhóm khác theo đuổi tiền và quyền lực và tin rằng một cuộc xung đột vũ trang lớn trong khu vực có thể gây tổn hại cho chính quyền lực thống trị của họ ở Iraq, theo một số quan chức.

Hamas đã gây ngạc nhiên cho Iran và các thành viên khác trong trục kháng chiến khi thực hiện vụ đột kích vào Israel hôm 7/10. Hamas theo đuổi mục tiêu kết thúc sự chiếm đóng của Israel và muốn đảm bảo rằng vấn đề của người Palestine sẽ không bị lãng quên trong khi Israel phát triển các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh.

Điều gì sẽ xảy ra bên trong nước Iran?

Các cuộc biểu tình toàn quốc đã làm rối loạn Iran trong năm 2022 và 2023 và đã buộc chính phủ Iran phải tiến hành đàn áp tàn bạo. Những cuộc biểu tình quần chúng này là thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm đối với sự cai trị của các giáo sĩ Hồi giáo Shi’ite từ sau cuộc cách mạng Iran năm 1979.

Iran tiếp tục trấn áp bất đồng chính kiến trong nước, nhưng tháng này đã bị rung chuyển bởi một cuộc tấn công vào lễ tưởng niệm Soleimani. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ ném bom liều chết giết hại hàng trăm người này.
Các cuộc tấn công của Jaish al Adl, cũng là một nhóm cực đoan Hồi giáo Sunni, đã đang thúc đẩy nhiều người Iran đặt nghi vấn về việc liệu chính phủ Tehran có thể đảm bảo được an ninh nội địa hay không.

Nga có liên quan đến cuộc xung đột này không?

Nga và Iran đã đang phát triển quan hệ gần gũi hơn trong những năm gần đây, gắn kết với nhau khi cùng bị quốc tế cô lập theo các chế tài của Mỹ, và họ cùng phản đối Mỹ thống trị toàn cầu. Iran cung cấp cho Nga máy bay không người lái (drone), sử dụng trong các cuộc tấn công vào các thành phố Ukraine. Cả hai nước đều đã can thiệp vào Syria để cứu Tổng thống Assad, đồng minh chung của họ.

Tuy nhiên, Nga đã đang gửi đi cảnh báo về sự bùng phát vũ trang giữa Iran và Pakistan. Moscow kêu gọi Tehran và Islamabad giải quyết sự khác biệt thông qua ngoại giao.

Tình hình có thể leo thang hơn nữa không?

Các quan chức phương Tây và khu vực và các nhà phân tích đánh giá rộng rãi rằng Iran mong muốn tránh một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Mỹ hoặc Israel, nhưng sẵn sàng sử dụng các đội quân ủy nhiệm để ngăn chặn cả hai kẻ thù chiếm đóng khu vực.

Nguy cơ leo thang lớn nhất nằm ở chỗ mắc sai lầm trong tính toán hành động, chẳng hạn một cuộc tấn công được thực hiện bởi Iran và các đội quân ủy nhiệm ở một bên, hoặc Mỹ và đồng minh ở bên khác, làm chết binh lĩnh Mỹ.