Động thái mới của Mỹ chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương
- Tiêu Nhiên
- •
Hội nghị lãnh đạo thường niên “Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương” (Pacific Islands Forum) kéo dài 4 ngày được tổ chức tại Fiji vào ngày 12/7 cho thấy, Washington đã có thêm những động thái mạnh mẽ để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại “đấu trường mới” Thái Bình Dương này.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham dự trực tuyến cuộc họp đã công bố “Chiến lược Quần đảo Thái Bình Dương” đầu tiên của Mỹ, đồng thời cũng lần đầu tiên cử đặc phái viên tới Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương để thiết lập một cơ chế hợp tác mới với các đồng minh như Úc, Nhật Bản, New Britain và Vương quốc Anh, cơ chế có tên “Đối tác Thái Bình Dương Xanh”.
Quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Mỹ luôn là bên cung cấp an ninh ở Thái Bình Dương. Qua các cơ chế như “Đối tác Thái Bình Dương Xanh” mới được công bố, “Cơ chế An ninh Ba bên Úc-Anh-Mỹ”, “Đối thoại Tứ giác An ninh”, Mỹ sẽ giúp tiếp tục duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bà Harris cũng thông báo tại diễn đàn rằng Nhà Trắng sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ trong 10 năm tới, hàng năm cung cấp 600 triệu USD (gấp 3 lần kinh phí tài trợ liên quan hiện tại của Chính phủ Mỹ), đồng thời thiết lập “Thỏa thuận hỗ trợ kinh tế” mới thuộc Bộ Thủy sản đối với Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương.
Quan chức cấp cao Mỹ nói với VOA rằng họ sẽ đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực thông qua G7, hy vọng rằng các nước sẽ so sánh chi tiết sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong chất lượng và cách thực hiện đối với các dự án cơ sở hạ tầng.
Mỹ cũng có kế hoạch mở các Đại sứ quán mới ở khu vực Thái Bình Dương, tất cả đều nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Ngoài ra, đoàn Hòa bình (Peace Corps) nổi tiếng của Mỹ sẽ trở lại các quốc đảo Thái Bình Dương, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giao lưu giữa Mỹ và người dân các quốc đảo Thái Bình Dương. Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) cũng sẽ mở rộng hợp tác tại các quốc đảo Thái Bình Dương để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán, núi lửa phun trào và sóng thần.
Tờ WSJ đưa tin, Thái Bình Dương có các tuyến vận tải biển, nghề cá và vị trí chiến lược quan trọng, hiện đang là điểm nóng trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh có các căn cứ quân sự ở bên kia Thái Bình Dương để chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong khu vực, bao gồm cả ở eo biển Đài Loan.
Đầu năm nay, việc ĐCSTQ ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến Washington và các đồng minh cảnh giác vì có thể dẫn đến việc tàu chiến Trung Quốc neo đậu tại cảng nước này, cho dù ĐCSTQ đã phủ nhận mọi ý định xây dựng căn cứ quân sự ở đó.
Nhà Trắng cho biết, bà Kamala Harris nói rằng chính quyền Tổng thống Biden muốn bắt đầu đàm phán với Kiribati và Tonga về việc xây dựng các Đại sứ quán của Mỹ. Sau đợt sóng thần tàn phá đất nước gây ra bởi vụ phun trào núi lửa dưới biển vào tháng Giêng năm nay, Tonga đang trong quá trình tái thiết lớn với sự hỗ trợ của viện trợ nước ngoài. Tại quần đảo Solomon, Ngoại trưởng Blinken đã công bố kế hoạch mở Đại sứ quán ở đây trong chuyến thăm khu vực này vào tháng Hai.
Nhà Trắng cho biết: “Những hành động này thúc đẩy nỗ lực không ngừng của chính quyền Biden-Harris nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và Quần đảo Thái Bình Dương, và ủng hộ chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương mạnh mẽ và thống nhất với trung tâm là Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương”.
Mỹ hiện cũng đang đàm phán lại hiệp ước được gọi là “Hiệp ước Liên kết Tự do” (Compact of Free Association, COFA) với các lãnh thổ đảo ở Thái Bình Dương mà trước đây Mỹ chiếm đóng trong Thế chiến II và sau đó: Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, và Palau.
Cách đây không lâu, ĐCSTQ đã phải chịu thất bại trong nỗ lực lấy lòng các nhà lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương khi nhà ngoại giao cao nhất của họ không thể đạt được thỏa thuận khu vực nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh và thương mại với 6 nước Thái Bình Dương. Tuy nhiên trong chuyến thăm gần đây, Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị đã ký được thỏa thuận kinh tế song phương với một số nước như Kiribati – nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 2019 và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ.
ĐCSTQ đã xây dựng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương bằng cách lấp đầy khoảng trống về tài chính cơ sở hạ tầng, và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương. Vào tháng Năm, Tổng thống David Panuelo của Micronesia cảnh báo rằng các tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã theo dõi các tuyến cáp quang của Micronesia. Ông nói rằng nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan và nắm được quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, lãnh thổ hàng hải và an ninh của các nước Thái Bình Dương thì sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự với Mỹ và các đồng minh, khiến các nước Thái Bình Dương sẽ chịu thiệt hại.
Các đồng minh của Mỹ như Úc và New Zealand… vẫn thể hiện quan điểm rằng cách tốt nhất cho an ninh Thái Bình Dương là thông qua các mối quan hệ gắn bó lâu dài hơn là nhận được sự hỗ trợ từ ĐCSTQ. Vào đêm trước của hội nghị tại Suva – Fiji, giới chức của Kiribati cho biết họ sẽ rút khỏi “Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương”, động thái gây lo ngại ĐCSTQ có thể lợi dụng khai thác bất kỳ căng thẳng nào để gia tăng ảnh hưởng.
Từ khóa Thái Bình Dương Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương Dòng sự kiện quốc đảo Thái Bình Dương