Chủ tịch ủy ban về Y tế của Quốc hội, Mykhailo Radutsky, cho hay các bước chuẩn bị đang được tiến hành cho dự luật cần sa đọc lần thứ 2 trước Quốc hội vào tháng 9, và tới nay đã nhận được 850 kiến nghị hiệu chỉnh phiên bản đọc trước Quốc hội lần 1. Dự kiến đến cuối năm nay dự luật sẽ được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký thành luật.

shutterstock 492910690
Andris Tkacenko

“Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với tài liệu này. Nếu không có gì cản trở, tôi hy vọng rằng vào tháng 9, chúng tôi sẽ chuẩn bị dự luật để xem xét tại sàn [Quốc hội],” ông Radutsky nói, tờ báo Korrespondent của Ukraine báo cáo hôm 1/8.

Như tin đã đưa, dự luật 7457 đã được thông qua sau lần đọc thứ 1 ở Quốc hội hôm 13/7. Nó đã được vận động hành lang sau nhiều tháng, và được ông Zelensky ủng hộ mạnh mẽ. Theo dự kiến, nó sẽ được chỉnh sửa và sau đó được đọc thứ 2 trước Quốc hội. Nó cần được thông qua và sau đó được ký bởi tổng thống trước khi chính thức thành luật.

Nỗ lực thúc đẩy dự luật

Dự luật lấy cần sa y tế làm cơ điểm. Nhưng trên thực tế nó tạo hành lang pháp lý cho phép hợp pháp hóa trên diện rộng việc trồng cây cần sa (cây gai dầu) và chế biến các sản phẩm từ cây này ở Ukraine.

Từ năm 2014, Bộ trưởng Y tế bấy giờ là Oleg Musii đã có những nỗ lực hợp pháp hóa cần sa, nhưng đã không thành công. Năm 2021, trước khi chiến tranh 2022 nổ ra, Đảng Đầy tớ của Nhân dân của ông Zelensky đã có đợt vận động một lần nữa, nhưng cũng không thành công. Tháng 6/2023 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã đích thân ra mặt vận động một lần nữa, lấy lý do rằng các chế phẩm y tế từ cần sa sẽ có lợi cho Ukraine, đặc biệt trong tình trạng chiến tranh.

Theo các bài tuyên truyền thời gian qua trên truyền thông Ukraine, chế phẩm từ cần sa có 2 hoạt chất có khả năng giảm đau là cannabidiol (CBD) và tetrahydrocannabinol (THC), trong đó THC là chất kích thích thần kinh và dễ gây nghiện, còn CBD thì không. Nói chung các chế phẩm từ cây cần sa đều có 2 chất này, khác nhau ở chỗ hàm lượng là bao nhiêu.

Cần sa y tế mà các giới vận động nói tới là các chế phẩm nhiều CBD và ít THC. Ngoài ra có kiến nghị kiểm soát chặt chẽ việc trồng và chế biến sao cho không để lọt các sản phẩm ngoài luồng ra chợ đen.

Tiếng nói phản đối

Đại biểu cho tiếng nói của tôn giáo, một bài báo của OUJ —nhóm phóng viên Chính thống Giáo— tỏ ra không đồng ý lập luận trong các tuyên truyền. Trong các tiếng nói phản đối từ giới chức Ukraine, bà Yulia Tymoshenko, người đứng đầu đảng Tổ quốc Toàn Ukraine, dường như là người có tiếng nói nổi bật, cho rằng luật sẽ biến Ukraine thành đồn điền cần sa.

Theo bà Tymoshenko, một khi cho phép trồng đại trà cần sa như dự luật, thì chính phủ không thể nào kiểm soát được thị trường chợ đen nơi cần sa sẽ chảy vào đó. Ngoài ra, chính sách đất đai nông nghiệp của Ukraine hiện nay cũng có những vấn đề liên quan.

Theo Hội đồng các Giáo hội Ukraine, thì cần sa là một loại ma túy, và cách gọi “cần sa y tế” không thể cải biến bản chất của nó từ một chất ma túy để thành một loại thuốc y tế được. Tương tự như “rượu thuốc” thì vẫn là rượu thôi.

Còn theo bài báo của bên tôn giáo, hiện nay truyền thông Ukraine chỉ đơn giản là chứa đầy “những bức ảnh đẹp” nói một cách tươi sáng về “lợi ích to lớn” của cần sa đối với người dân. Cần sa được trình bày như một loại thuốc an thần, giảm đau, giảm căng thẳng tuyệt vời, chỉ mang lại những cảm xúc tích cực. Và điều quan trọng nhất là nó thân thiện với môi trường, không có bất kỳ hóa chất nào, hoàn toàn là sản phẩm tự nhiên!

Truyền thông tìm cách cho dân chúng tin rằng với sự quản lý tốt của chính phủ và luật pháp hoàn thiện thì việc trồng đại trà cần sa sẽ không khiến tỷ lệ người nghiện tăng lên.

Bài báo đưa ra các dẫn chứng để chứng minh rằng điều đó là tự lừa mình dối người mà thôi.

Một trong những luận điểm ủng hộ dự luật là dẫn ra các quốc gia đã cho phép hợp hóa cần sa rồi.

Quả thực, cần sa được hợp pháp hóa một phần ở Hoa Kỳ và Mexico. Đây là hai quốc gia có tỷ lệ nghiện ma túy tính trên đầu người rất cao và tỷ lệ tử vong cũng cao ngang nhau, đặc biệt là ở các bang miền Nam nước Mỹ.

Canada, quốc gia cũng đã hợp pháp hóa cần sa vào năm 2018, và đồng dạng cũng gặp bài toán này.

Nói về châu Âu, Hà Lan đã hợp pháp hóa một phần việc bán cần sa từ năm 1972. Nhưng người Tây Ban Nha là một trong những người đầu tiên hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế (năm 1992) và người Anh 10 năm sau. Một số quốc gia khác đã làm theo họ. Và chúng ta thấy kết quả là gì?

Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về số người nghiện ma túy. Sau đó, có thể nói, trong cái tạm gọi là “top 10” chúng ta gặp Vương quốc Anh (ở vị trí thứ 2), Tây Ban Nha (ở vị trí thứ 5) và Hà Lan (ở vị trí thứ 6). Canada vẫn chỉ ở vị trí thứ hai mươi, nhưng phải tính đến việc hợp pháp hóa cây gai dầu ở đất nước này chỉ mới diễn ra cách đây 5 năm.

Và ngay bên cạnh, Ba Lan là một quốc gia nhiều người sùng đạo. Việc hợp pháp hóa một phần cần sa đã diễn ra ở đây vào năm 2017. Luật pháp nghiêm ngặt hơn của Ukraine —việc bán thuốc thông qua chuỗi nhà thuốc, cấm trồng trọt, nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất từ ​​​​Đức— và mặc dù vậy, vẫn có đề cập đến việc số lượng người nghiện ma túy tăng nhẹ, kể cả trong giới trẻ tuổi từ 15-20.

Năm 2022, Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc đã thực hiện một báo cáo thường niên khác về tình trạng sử dụng ma túy trên thế giới. Theo số liệu của họ, khoảng 284 triệu người từ 15 đến 64 tuổi đã sử dụng ma túy. Kể từ năm 2010, lượng tiêu thụ thuốc đã tăng 26%. Tổng số người nghiện ma túy là 5,6% tổng dân số hành tinh. Đó là rất nhiều. Đặc biệt là khi xem xét thực tế rằng số tội phạm liên quan đến sử dụng ma túy và do người nghiện ma túy thực hiện ít nhất là 40%, và ở một số vùng lên tới 70%.

Theo thống kê chính thức của WHO, trung bình thanh thiếu niên bắt đầu hút cần sa ở độ tuổi 15–16, thì họ phát triển chứng nghiện nặng, khả năng nhận thức kém đi và trí thông minh yếu đi. Rốt cuộc, thanh thiếu niên có xu hướng sử dụng các loại thuốc khác mạnh hơn.

Việc sử dụng cần sa thường xuyên ở tuổi trẻ, ngay cả khi đã ngừng sử dụng sau nhiều năm, có thể gây ra bệnh tâm thần phân liệt.

Tờ báo chỉ ra rằng theo các tuyên truyền thì chính phủ muốn điều trị bệnh tâm thần phân liệt bằng thuốc cần sa. Tức là đi vào ngõ cụt. Tựa như muốn điều trị một người nghiện rượu bằng “rượu thuốc”.

Những người trưởng thành sử dụng cần sa thường xuyên cũng thường bị các cơn hoang tưởng và hoang tưởng sợ hãi tấn công, các cơn hoảng loạn nghiêm trọng.

Vì vậy, nói về sự vô hại tuyệt đối của cần sa không chỉ là sáo rỗng, nó hoàn toàn sai lầm, tờ báo kết luận.

Nhật Tân