Liên minh châu Âu đang chuẩn bị công bố một vũ khí thương mại mới mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác bị cáo buộc “bắt nạt kinh tế” tiếp cận thị trường EU.

Embed from Getty Images

Công cụ chống cưỡng chế sẽ nhắm mục tiêu vào các quốc gia cố gắng “can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong 27 quốc gia thành viên “bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư”, theo một dự thảo đề xuất được tờ South China Morning Post đọc được.

Đề xuất đưa ra một loạt các hành động trừng phạt mà EU có thể thực hiện khi họ tin rằng việc cưỡng chế đang diễn ra, bao gồm thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua việc sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, và hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh vấn đề chèn ép kinh tế đã trở thành chủ đề nóng trong chương trình nghị sự giữa EU và Trung Quốc, mà cụ thể là căng thẳng giữa Litva và Trung Quốc, khi Bắc Kinh bị cáo buộc chặn xuất khẩu của Litva sau khi quốc gia Baltic này mở rộng quan hệ với Đài Loan.

Theo dự thảo đề xuất, những cá nhân/ thực thể bị phát hiện có liên quan đến việc cưỡng bức kinh tế có thể sẽ không còn được cung ứng hàng hóa cho EU, bị cắt quyền sở hữu trí tuệ, bị loại khỏi các lĩnh vực dịch vụ tài chính của khối, hoặc phải đối mặt với các rào cản về vấn đề vệ sinh hoặc kiểm dịch thực vật, cũng như rào cản đối với việc khai thác thị trường thực phẩm của EU.

Tuy nhiên, tài liệu nhiều lần tuyên bố rằng Brussels coi công cụ này như một biện pháp răn đe và “phương sách cuối cùng” chỉ được sử dụng khi các nỗ lực khác để ngăn chặn hành vi bắt nạt không thành công.

“Chỉ nên áp dụng các biện pháp đối phó khi các phương tiện khác như thương lượng, hòa giải hoặc phân xử không dẫn đến việc chấm dứt nhanh chóng và hiệu quả việc cưỡng bức kinh tế và khắc phục tổn thương mà nó đã gây ra”, văn bản dự thảo viết.

Đề xuất sẽ được công bố vào thứ Tư và sau đó bắt đầu một quy trình lập pháp kéo dài, trong đó nó phải được Hội đồng châu Âu, bao gồm các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua trước khi được ký thành luật.

Công cụ này sẽ bổ sung vào hàng loạt vấn đề trong thời điểm nhạy cảm đối với quan hệ EU – Trung Quốc.

Hôm thứ Hai, EU đã gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm một năm đối với ba quan chức Trung Quốc và một thực thể vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Người phát ngôn của Ban giám đốc thương mại EU, Miriam Garcia Ferrer, hôm thứ Hai xác nhận rằng Brussels đang tham vấn với cả Bắc Kinh và Vilnius về những cáo buộc rằng Trung Quốc đã loại Litva khỏi danh sách các nước trên cổng thông tin hải quan của mình, có nghĩa là các nhà xuất khẩu từ nước Baltic không thể thực hiện các chuyến hàng.

“Các nhà chức trách Litva đã thông báo cho chúng tôi về các trường hợp cá nhân của các doanh nghiệp không thể làm thủ tục hải quan khi họ cố gắng xuất khẩu sang Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem liệu đây chỉ là một lần hay liệu điều này có hệ thống hay không,” bà nói. “Và nếu điều đó được xác nhận, chúng ta sẽ phải xem liệu hành động của Trung Quốc có phù hợp với các quy định của WTO hay không. Chúng tôi cũng đang làm việc cùng với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để cố gắng làm rõ sự việc”.

Nhiều quốc gia thành viên EU đã phàn nàn trong nhiều năm về sự bắt nạt của Trung Quốc. Thụy Điển đã phải đối mặt với các đoàn công tác bị hủy bỏ và cảnh báo hạn chế du lịch trong những năm gần đây sau khi quyết định loại Huawei và ZTE khỏi các bộ phận của mạng viễn thông 5G của mình.

Xuân Lan

Xem thêm: