Các hoạt động gián điệp ngày càng mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở châu Âu đã vượt qua đối thủ truyền thống là Nga, gây ra mối đe dọa lớn hơn và khiến các nước châu Âu phải cảnh giác. Các thủ đoạn mà gián điệp ĐCSTQ sử dụng cũng khác với Nga, đó là họ thường sử dụng cách tiếp cận “toàn xã hội”, từ việc thu được bí mật thương mại hoặc công nghệ để gây ảnh hưởng chính trị, và các hoạt động gián điệp này có mặt ở khắp nơi.

shutterstock 1575718159
(Nguồn: GrAI/ Shutterstock)

Vào tháng Bảy năm nay, tại một hội nghị tình báo chung Mỹ – Anh được tổ chức tại London, giám đốc MI5 của Anh – ông Ken McCallum và giám đốc FBI của Mỹ – ông Christopher Wray đã có một bài phát biểu chung, coi sự bùng nổ của hoạt động gián điệp bí mật của ĐCSTQ là một thách thức “thay đổi quy tắc cuộc chơi”.

Ông McCallum nói với khán giả tại hội nghị rằng mặc dù mối đe dọa “có thể cảm thấy trừu tượng”, nhưng nó thực tế và khẩn cấp, không phải là đang gióng lên cảnh báo giả.

Ông McCallum cho biết, các cuộc điều tra liên quan đến Trung Quốc (ĐCSTQ) của MI5 đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 2018, và năng lực xử lý các cuộc điều tra như vậy đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua, và có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong “vài trong năm nữa”. Ông Wray cho biết, các văn phòng hiện trường của FBI trên khắp nước Mỹ trung bình cứ 12 giờ lại mở một cuộc điều tra về hoạt động gián điệp của  ĐCSTQ.

Hoạt động gián điệp của ĐCSTQ áp dụng cách tiếp cận ‘toàn xã hội’

Tờ Financial Times gần đây đưa tin rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) nổi tiếng với nạn tấn công mạng (hack) do nhà nước tài trợ, nhưng các quan chức tình báo cho biết, ĐCSTQ cũng đang học hỏi các kỹ thuật gián điệp của Mạng lưới tình báo con người (HUMINT), đạt đến mức độ tương đương với các kỹ thuật gián điệp của Nga.

Ông Alex Younger, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo bí mật MI6 của Anh cho biết: “Người Nga đã bắt đầu tham gia hoạt động gián điệp từ thời Sa hoàng và họ rất thích công việc này. Về truyền thống, mạng lưới tình báo con người của Trung Quốc (ĐCSTQ) tương đối yếu, nhưng họ vẫn đang nỗ lực học tập.”

Tuy nhiên, gián điệp Trung Quốc rất khác với Nga. Các quan chức tình báo cho biết, hoạt động gián điệp nước ngoài của Nga theo truyền thống dựa vào các quan chức ưu tú được đào tạo về các kỹ thuật gián điệp như thông tin liên lạc được mã hóa. Trong khi đó, ĐCSTQ có những mục tiêu rộng lớn hơn, từ việc thu thập các bí mật thương mại hoặc công nghệ cho đến gây ảnh hưởng chính trị, không chỗ nào là không có mặt.

Hoạt động gián điệp của Nga có xu hướng tập trung hơn một chút, trong khi ĐCSTQ sử dụng cách tiếp cận “toàn xã hội”, với luật tình báo năm 2017 của ĐCSTQ yêu cầu “tất cả các tổ chức và công dân” phải hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với công tác tình báo nhà nước.

Một quan chức tình báo cho biết “Người Nga có thể vụng về, khá kiêu ngạo và đôi khi dường như có tâm thái ‘có bản sự thì hãy bắt tôi’”, nhưng “Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tránh bất kỳ loại bê bối gián điệp nào vì họ muốn duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp”.

Một ví dụ thường được trích dẫn ở phương Tây để phản ánh sự khác biệt giữa hai phong cách. Chẳng hạn như nếu hạt cát trở thành mục tiêu tình báo, các đặc vụ Nga sẽ nổi lên vào ban đêm trong một chiếc tàu ngầm và cử một đội nhỏ đến bãi biển để mang về một xô cát, còn Trung Quốc (đặc vụ ĐCSTQ) sẽ gửi hàng ngàn khách du lịch đến vào ban ngày, mỗi người chỉ lấy một nắm, và thu hoạch sẽ còn lớn hơn.

Ông Nicholas Eftimiades, chuyên gia về Trung Quốc và là cựu quan chức CIA, cho rằng kết quả là “một mô hình mới về cách thức hoạt động tình báo được tiến hành”. Phương pháp này có thể có hiệu quả thấp và không có sự phối hợp, đôi khi vài quan chức ĐCSTQ sẽ tiếp cận cùng một mục tiêu. Nhưng thường thì nó có hiệu quả.

Ông Nigel Inkster, cựu giám đốc phụ trách các chiến dịch và hoạt động tình báo của MI6, hiện là cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: “Đối với các cơ quan an ninh của ĐCSTQ, hiệu quả quan trọng hơn nhiều so với hiệu suất.”

Hoạt động gián điệp công nghiệp của ĐCSTQ đe dọa đến các công ty và trường học phương Tây

Gián điệp của ĐCSTQ có một điểm khác biệt khác với các gián điệp của Nga, đó là mối quan hệ giữa gián điệp và nhà nước không rõ ràng. Điều này khác với các gián điệp của Nga. Kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine hồi đầu năm đến nay, các nước châu Âu đã trục xuất hơn 600 nhà ngoại giao và gián điệp Nga.

Do đó, các cơ quan tình báo phương Tây đã buộc phải điều chỉnh lại phương pháp phản gián của họ. Ví dụ, Christine Lee là một luật sư và một công dân Anh, được MI5 điểm tên vào năm nay, công khai cảnh báo bà là “đại diện sức ảnh hưởng” của ĐCSTQ.

FBI và MI5 cũng cảnh báo rằng hoạt động gián điệp công nghiệp của ĐCSTQ gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các công ty phương Tây. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảnh giác hơn và các công ty cần nhận thức rõ hơn về cách thức hoạt động của gián điệp ĐCSTQ.

“Mối đe dọa mà Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra đối với các doanh nghiệp phương Tây, thậm chí còn còn nghiêm trọng hơn so với những gì mà nhiều doanh nhân giỏi ý thức được,” Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết. Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng “mọi công cụ” mà họ nắm được để đánh cắp công nghệ của phương Tây, cuối cùng làm suy yếu các công ty phương Tây và thống trị thị trường.

ĐCSTQ đang thuê những người không có quan hệ trực tiếp với cộng đồng tình báo để nhắm mục tiêu vào các công ty phương Tây. Các công ty phương Tây phải chú ý hơn đến các giao dịch của họ với các công ty Trung Quốc, trong đó có khả năng có sự tham dự của cơ quan tình báo ĐCSTQ, bởi vì Bộ An ninh Quốc gia – cơ quan giám sát hoạt động gián điệp ở nước ngoài của ĐCSTQ, đang nhắm vào các công ty phương Tây mà nó muốn “cướp”, để giúp ĐCSTQ lấy được bí mật của doanh nghiệp.

ĐCSTQ đã và đang sử dụng một “trò chơi vỏ bọc mà họ đã dày công thiết kế” để che đậy và gây khó khăn cho các công ty phương Tây trong việc điều tra các đối tác Trung Quốc. Ông Wray cũng nói rằng FBI và MI5 hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với các công ty và cung cấp cho họ các công cụ để ngăn chặn hoạt động gián điệp của ĐCSTQ. Bởi vì với quy mô của mối đe dọa gián điệp của ĐCSTQ thì không thể đơn thuần thông qua các cơ quan tình báo điều tra hoặc bắt giữ mà có thể giải quyết được.

Ông Wray nói rằng các trường đại học cũng đang tham gia nhiều hơn vào vấn đề này, và nhiều trường đang “hợp tác chặt chẽ với FBI”. Vấn đề nằm ở một số công ty nhỏ có thể không ý thức được rằng bản thân đã trở thành mục tiêu của gián điệp ĐCSTQ. Để bảo vệ khỏi mối đe dọa gián điệp của Trung Quốc, các cơ quan tình báo cần hợp tác với khu vực tư nhân.

Một đánh giá của Mỹ cho thấy, gián điệp thương mại của ĐCSTQ đánh cắp tới 600 tỷ USD tài sản trí tuệ của Mỹ hàng năm. Liên minh châu Âu ước tính rằng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ gây thiệt hại 50 tỷ euro mỗi năm và 670.000 việc làm bị mất.

Ông Wray trước đó cũng cho biết, hoạt động gián điệp từ ĐCSTQ là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất” đối với nền kinh tế Mỹ, hành vi trộm cắp này tương đương với việc dịch chuyển tài sản lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo Financial Times