Hôm thứ Hai (4/9), Đức Giáo hoàng Francis cho hay quan hệ Vatican – Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng cho biết vẫn cần phải thực hiện các việc để cho thấy rằng Giáo hội Công giáo không chấp nhận bị ảnh hưởng bởi các thế lực nước ngoài.

Pope Francis in March 2013 b
Giáo hoàng Francis (Ảnh: Wikimedia)

Đức Giáo hoàng Francis nói về mối quan hệ giữa Tòa thánh và Trung Quốc tại một cuộc họp báo trên đường trở về từ Mông Cổ. Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng trấn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, Đức Giáo hoàng Francis có chuyến thăm đầu tiên mang tính lịch sử tới đất nước có đa số người theo Phật giáo này.

Đức Giáo hoàng Francis đã gửi điện báo thăm hỏi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi máy bay của ông đến và đi từ Mông Cổ phải bay qua không phận Trung Quốc. Khi kết thúc buổi lễ chính tại Thủ đô Ulan Bato, Đức Giáo hoàng cũng bày tỏ lòng trân quý đặc biệt đối với người dân Trung Quốc.

Nhưng mối quan hệ Vatican – Trung Quốc vẫn căng thẳng, đặc biệt là về thỏa thuận 5 năm đề cử Giám mục Công giáo. Thỏa thuận năm 2018 nhằm mục đích đoàn kết khoảng 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc – một bên hoạt động công khai vì chịu quản chế của ĐCSTQ và bên kia thì hoạt động ngầm vì chỉ chấp nhận trung thành với Rome. Sự xuất hiện của giáo hội ngầm xảy ra khi quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Trung Quốc rạn nứt sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền.

Tại Bắc Kinh hôm thứ Hai (4/9), phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ khi được hỏi về lời thăm của Đức Giáo hoàng gửi đến người dân Trung Quốc vào ngày Chúa Nhật, bà Mao Ninh nói: “Chúng tôi đã xem các báo cáo liên quan, trước đây các đồng nghiệp của tôi đã giới thiệu quan điểm của Trung Quốc. Trung Quốc luôn có thái độ tích cực trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Vatican, luôn duy trì liên lạc với Vatican”.

Các điều khoản của thỏa thuận năm 2018 chưa bao giờ được tiết lộ. Nhưng việc Bắc Kinh đơn phương bổ nhiệm một số ít giám mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo hoàng thì rõ ràng là trái đạo lý, cho dù sau sự việc thì Vatican đã phải nhượng bộ công nhận việc bổ nhiệm.

Đức Giáo hoàng Francis nhấn mạnh quan hệ song phương “rất tôn trọng lẫn nhau”, đồng thời cho biết ông “rất ngưỡng mộ người dân Trung Quốc”. Ngài giải thích, “Tôi nghĩ rằng còn nhiều việc phải làm về mặt tôn giáo để hiểu bản thân mình hơn, để người dân Trung Quốc không nghĩ rằng giáo hội Công giáo không chấp nhận văn hóa hoặc hệ giá trị của họ, hoặc giáo hội phụ thuộc vào một thế lực nước ngoài khác”, “Tình trạng của mối quan hệ hiện nay là như vậy, nó đang diễn ra”.

Đức Giáo hoàng Francis cũng được hỏi về nước Nga và những bình luận gần đây ca ngợi quá khứ đế quốc của Nga đã gây ra sự phẫn nộ trong chính quyền Ukraine. Trong bối cảnh Nga xâm lược toàn diện vào Ukraine, Đức Giáo hoàng Francis căn cứ vào quan điểm truyền thống ngoại giao trung lập của Vatican để cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Nga và Ukraine, dù ông thường xuyên bày tỏ tình đoàn kết với những người Ukraine “tử vì đạo” nhưng không hề kêu gọi lên án Điện Kremlin hay Tổng thống Nga Putin.

Trong bài phát biểu mới nhất qua hội nghị trực tuyến của giới trẻ Công giáo Nga ở St. Petersburg, Đức Giáo hoàng Francis đã nói rằng họ phải ghi nhớ lịch sử của mình và di sản của “Nước Nga vĩ đại”, ông đặc biệt đề cập đến những nhà cai trị đế quốc là Charles Đại đế (Charles the Great) và Catherine II. Ông nói:

“Đừng bao giờ quên di sản của mình.
Các bạn là hậu duệ kế thừa Nước Nga vĩ đại, Nước Nga vĩ đại của những bậc thánh giả, những đấng quân vương, Nước Nga vĩ đại của Piotr Đại đế và Ekaterina Đại đế, một Đế chế Nga vĩ đại, có nền văn hóa và nhân văn sâu đậm.
Các bạn đừng bao giờ rời bỏ di sản này.
Các bạn là người kế thừa của Nước Nga vĩ đại này. Hãy truyền đời tiếp tục điều ấy.
Cảm ơn.
Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn như là một người Nga.”

Đây là di sản của ‘nước Nga vĩ đại’, văn hóa Nga có vẻ đẹp và sự sâu sắc tuyệt vời”, Đức Giáo hoàng Francis nói.

Trước sự phẫn nộ của giới chức Ukraine, ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã có giải thích:

“Trong những lời chào mừng gửi đến một số giới trẻ Công giáo Nga cách đây vài ngày, như đã thấy rõ trong bối cảnh Ngài phát biểu, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga, và chắc chắn không cổ xúy logic đế quốc và nhân vật của chính phủ, [những gì] được trích dẫn để chỉ ra các giai đoạn tham chiếu lịch sử nhất định.”

Nhận xét của Đức Giáo hoàng Francis cũng phản ánh sự ngưỡng mộ từ lâu của ông đối với văn hóa Nga. Ông thường nhắc đến Dostoevsky như một trong những nhà văn yêu thích của mình. Trên đường đến Mông Cổ, ông đề nghị các phóng viên đi cùng nghe nhạc của Alexander Borodin – nhà soạn nhạc thế kỷ 19 người Nga gốc Gruzia (đặc biệt tác phẩm “Grasspes of Central Asia”) để hiểu rõ hơn cũng như yêu thích khu vực mênh mông này.

Trong chuyến thăm 4 ngày tới Mông Cổ, Đức Giáo hoàng Francis đã 86 tuổi nhưng dường như vẫn cho thấy thể trạng tốt, chuyến bay tới Mông Cổ của ông phải bay qua đêm và khi đến nơi thì ông cần một ngày nghỉ ngơi.  Ông nói: “Thành thật, việc đi lại của tôi bây giờ không dễ dàng như trước đây…”.

Đức Giáo hoàng Francis đã phải sử dụng xe lăn hơn một năm do bị căng dây chằng đầu gối, nhưng ông xác nhận năm nay ông còn có một chuyến đi nữa qua đêm – chuyến thăm tới Marseille nước Pháp vào cuối tháng này. Ông cho biết có thể sẽ đến thăm “một nước nhỏ khác ở châu Âu”, nhưng không đưa ra cam kết nào về chuyến đi trong tương lai.

Ông còn chia sẻ rằng gần đây Việt Nam đã đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao mới với Vatican, khiến đây là một chuyến đi đáng giá. “Nếu tôi không đi, Đức John XXIV chắc chắn sẽ đi”, ông cười và nói ám chỉ vị giáo hoàng tương lai. Giáo hoàng tương lai có thể được đặt tên theo Giáo hoàng John XXIII thời Vatican II cấp tiến.

Mộc Vệ, theo VOA