Trung Quốc có nên được chấp nhận gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001?

Embed from Getty Images

Stephen Ezell, phó chủ tịch Chính sách Đổi mới Toàn cầu tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin (ITIF) có trụ sở tại Washington nói với Epoch Times: “Khi nhận thức được cách hành xử mà Trung Quốc thể hiện ngày nay với tư cách một thành viên của WTO suốt 20 năm qua, họ thực sự không tuân thủ các cam kết của WTO, và câu trả lời là “không”.

Trong một báo cáo mới, Ezell nêu chi tiết việc chính quyền Trung Quốc “vẫn thiếu sót một cách đáng tiếc” như thế nào trong việc thực hiện các cam kết họ để gia nhập WTO hồi tháng 12/2001, bao gồm các lĩnh vực “trợ cấp doanh nghiệp, bảo hộ sở hữu trí tuệ của nước ngoài, ép buộc liên doanh và chuyển giao công nghệ, cũng như việc cung cấp khả năng tiếp cận thị trường cho các ngành dịch vụ.”

Theo WTO, các nền kinh tế tham gia tổ chức này nhận được lợi ích khi thực hiện “cải cách cơ cấu và tự do hoá thương mại” để “bảo đảm hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.” Năm 1999, Tổng thống Bill Clinton khi ấy đã phát biểu trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ rằng việc đưa Trung Quốc vào WTO trên cơ sở các điều khoản thương mại công bằng sẽ “góp phần đáng kể san bằng sân chơi cho các công ty [Mỹ] và công nhân [Mỹ] trong thị trường Trung Quốc” “Trung Quốc phải cam kết xử sự theo các quy tắc của hệ thống thương mại quốc tế.” 

Thay vào đó, Ezell viết rằng Bắc Kinh đã lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu để tích lũy thặng dư thương mại và lượng lớn dự trữ ngoại hối nhằm theo đuổi những mục tiêu trong chính sách đối nội và đối ngoại. Chính sách đối nội của chế độ Trung Quốc bao gồm bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam và đàn áp các quyền tự do dân sự ở Hồng Kông. Về chính sách đối ngoại, chế độ đe doạ xâm chiếm và nô dịch Đài Loan dân chủ, mở rộng lãnh thổ trong vùng biển Đông đang tranh chấp, đồng thời tìm cách xây dựng ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên toàn cầu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ.

Trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, Mỹ đã xem xét lại quy chế thương mại tối huệ quốc (MNF) cho Trung Quốc trên cơ sở hàng năm, với việc tập trung vào các vấn đề bao gồm các vụ đàn áp nhân quyền có hệ thống của chế độ. Năm 2000, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật nhằm duy trì tình trạng này vĩnh viễn, được gọi là  quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), trước khi Trung Quốc gia nhập WTO. Việc này đã huỷ bỏ việc Quốc hội xem xét lại MNF cho Trung Quốc hàng năm và làm giảm bớt tính bất trắc về chính trị đối với các công ty đa quốc gia đang xem xét mở rộng kinh doanh sang Trung Quốc.

Khi ấy, nhiều người cho rằng việc cho phép Bắc Kinh gia nhập WTO sẽ dẫn đến tự do hoá kinh tế lớn hơn, từ đó dẫn đến tự do chính trị nhiều hơn trong đất nước do cộng sản cai trị. Dự đoán này đã không trở thành hiện thực.

Luật PNTR được thông qua năm 2000 tuyên bố rõ ràng rằng “Quốc hội lấy làm tiếc về các vụ vi phạm của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nhân quyền, tự do tôn giáo và quyền của người lao động,” và viện chứng Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “giết người và tra tấn ngoài vòng pháp luật, cưỡng ép phá thai và triệt sản, hạn chế tiếp cận Tây Tạng và Tân Cương, [và] duy trì việc cải tạo thông qua lao động.”

Người lao động Mỹ bị bỏ lại đằng sau

Theo Doug Guthrie, giáo sư về lãnh đạo toàn cầu và giám đốc của Sáng kiến Trung Quốc tại trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird Đại học Quốc gia Arizona, việc Trung Quốc gia nhập WTO có tác động lớn đối với nền kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ.

Điều đó có nghĩa là “bắt đầu một dòng vốn từ những nơi như Mỹ và châu Âu đổ vào châu Á, và đặc biệt, vào Trung Quốc. Và vì vậy, nếu bạn là người suy nghĩ sâu xa về lao động và phát triển kinh tế, có thể việc Trung Quốc gia nhập WTO không phải là một điều tốt đẹp cho nền kinh tế Mỹ.”

Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), từ năm 1999 đến 2011, Mỹ đã bị mất gần sáu triệu việc làm trong lĩnh vực  sản xuất. Một nghiên cứu do Đại học Chicago công bố tính toán rằng Mỹ đã mất gần một triệu việc làm trong các ngành sản xuất và tổng số 2,4 triệu việc làm bị mất do cạnh tranh với Trung Quốc. Theo cùng báo cáo của CFR, các tập đoàn đa quốc gia như Apple đã được hưởng lợi từ việc tăng cường tiếp cận thị trường Trung Quốc. Người tiêu dùng khu vực Đại Trung Hoa chiếm khoảng 15% doanh thu của Apple năm 2020.

Guthrie, người từng là giám đốc cao cấp tại trụ sở Apple ở Trung Quốc từ 2014 đến 2019, đồng ý rằng các tập đoàn đa quốc gia được hưởng lợi từ quy chế thành viên của Trung Quốc tại WTO, trong khi người lao động Mỹ thì không.

“Nếu bạn nhìn vào thị trường Trung Quốc, các công ty như Tesla và Apple, thị trường Trung Quốc đứng thứ hai chỉ sau Mỹ. Và vì thế, tất cả họ đều hưởng lợi. Người không được hưởng lợi là những người thuộc tầng lớp lao động từng làm những việc lao động tại Mỹ,” ông nói.

 

“Trung Quốc muốn lợi thế tuyệt đối”

Roger Garside, nhà cựu ngoại giao người Anh và là tác giả cuốn “Cuộc đảo chính của Trung Quốc: Đại nhảy vọt tới tự do,” nói với Epoch Times rằng chế độ Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc của WTO “có chọn lọc, và nhìn chung không có thành ý.”

Theo ông Garside, Mỹ và các nền dân chủ tự do khác, trong cách tiếp cận của họ với Trung Quốc, đã chọn lợi ích kinh tế ngắn hạn đi ngược lại các nguyên tắc nền tảng như quyền tự do.

“Các nhà lãnh đạo Mỹ đã lạc quan hơn là ngây thơ khi tin tưởng hoặc hy vọng là việc [Trung Quốc] gia nhập WTO có những lợi ích chính trị,” ông nói trong một tuyên bố. “Mỹ đã bịt mắt quá lâu trước điều bất lợi, không cân nhắc cân bằng việc bảo vệ tự do với thúc đẩy các lợi ích kinh tế ngắn hạn. Về mặt này, các nhà lãnh đạo Ý, Đức, Pháp và Anh cũng tồi tệ như Mỹ hoặc thậm chí tồi tệ hơn, và đến nay vẫn lưỡng lự trong việc thừa nhận mối đe dọa chính trị.”

Ezell của ITIF nói rằng Bắc Kinh đã lợi dụng quy chế thành viên WTO để có được khả năng tiếp cận ngày càng nhiều và bất đối xứng vào thị trường các nước khác. Để giải quyết việc lạm dụng này, ông đưa ra các khuyến nghị chính sách trong báo cáo, gồm huỷ bỏ quy chế PNTR của Trung Quốc và đàm phán lại biểu xuất thuế cho hàng hoá và dịch vụ Trung Quốc tại WTO.

Theo Ezell, quy chế thành viên WTO đã giúp ĐCSTQ thúc đẩy một trong những mục tiêu bao trùm của họ: đạt được ưu thế hơn hẳn Mỹ về công nghệ tiên tiến.

“Trung Quốc muốn có lợi thế tuyệt đối trong tất cả các ngành công nghiệp công nghệ tiên tiến, và họ muốn đạt được điều đó… bằng cách hạn chế các công ty khác tiếp cận thị trường của họ, rồi sau đó… cho phép các công ty sở hữu của họ khả năng tiến ra thị trường quốc tế trên những nền tảng không công bằng, và họ rất thành công với điều đó,” ông nói.

Garside nói rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của họ để thúc đẩy thế giới theo hướng toàn trị. 

“Tôi cho rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng sức mạnh của họ để áp đặt kiểu cai trị toàn trị trên thế giới nhiều nhất có thể, thủ tiêu tự do, dân chủ và nhân quyền như họ đang làm ở Hồng Kông. Đó là điều các chế độ toàn trị thường làm. Họ có thể thống trị thế giới đến đâu về phương diện này là điều hoàn toàn không thể dự đoán được, vì nó phụ thuộc vào cách họ đạt tới uy thế tối cao đó như thế nào,” ông tuyên bố.

Ngân Hà (theo Epoch Times)

Xem thêm: