Hoa Kỳ chỉ định phái viên dẫn đầu các cuộc đàm phán về Đảo Thái Bình Dương
- Minh Ngọc
- •
Ngày 22/3, Hoa Kỳ đã chỉ định cựu quan chức ngoại giao cấp cao Joseph Yun dẫn đầu các cuộc đàm phán với ba quốc đảo Thái Bình Dương nhỏ bé nhưng có vai trò chiến lược quan trọng. Đây là tín hiệu cho thấy việc đối phó với Trung Quốc vẫn là ưu tiên của Hoa Kỳ bất chấp cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao đã xác nhận với Reuters việc bổ nhiệm ông Yun, người từng là đặc phái viên của Hoa Kỳ về Triều Tiên dưới thời các cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Donald Trump.
“Do tính chất quan trọng của các cuộc đàm phán phức tạp này, Tổng thống Biden sẽ bổ nhiệm Đại sứ Joseph Yun làm Đặc phái viên của Tổng thống về các cuộc đàm phán,” một thông báo từ Bộ này cho biết.
“Chúng tôi hiện đang tham gia đàm phán sửa đổi một số điều khoản của Hiệp ước Liên kết Tự do với FAS, và việc hoàn thành các cuộc đàm phán là ưu tiên của Chính quyền này,” tuyên bố đề cập đến quần đảo được gọi chung là Các quốc gia liên kết tự do (FAS), gồm Cộng hòa Quần đảo Marshall (RMI), Liên bang Micronesia (FSM) và Palau.
Các điều khoản trong hợp đồng dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2023 đối với hai quốc gia đầu tiên và vào năm 2024 đối với Palau. Các cuộc đàm phán gia hạn bắt đầu dưới thời chính quyền Trump, nhưng các nguồn tin quen thuộc với quy trình này tiết lộ, không có cam kết thực sự nào với các quan chức Hoa Kỳ kể từ tháng 12/2020.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có những động thái kinh tế đối với các quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương vốn tập trung vào du lịch và thương mại, và dường như còn muốn thiết lập một chỗ đứng quân sự trong khu vực này.
Đại sứ của RMI tại Washington nói với Reuters hồi tháng 2, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ do Hoa Kỳ không chỉ định một phái viên được Tổng thống Joe Biden ủy quyền để thảo luận về các vấn đề chính, bao gồm tiền bồi thường cho hậu quả của vụ thử hạt nhân lớn của Hoa Kỳ trên quần đảo, sự hiện diện của các căn cứ quân sự, cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Hôm 22/3, đại sứ Gerald Zackios trao đổi với Reuters, RMI hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Yun làm phái viên, “và mong được nối lại các cuộc thảo luận quan trọng này”.
Ông nhấn mạnh, RMI rất muốn thảo luận về các ưu tiên chính, bao gồm các vấn đề kinh tế, hạt nhân, khí hậu và đảo san hô Kwajalein, nơi có bãi thử tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ.
Ông Yun từng xử lý các cuộc đàm phán rất nhạy cảm về các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, dự kiến sẽ giúp giải quyết sự bế tắc đó. Ông cũng bày tỏ với Reuters: “Tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác FAS của chúng tôi để giúp cho mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.”
Kể từ khi rời chính phủ, ông Yun đã làm cố vấn cho Asia Group, một công ty tư vấn kinh doanh được thành lập bởi ông Kurt Campbell, điều phối viên chính sách của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhiều nhà phê bình chỉ trích, sự chậm trễ trong việc gia hạn các điều khoản của hiệp ước này đã góp phần đáng kể cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xâm nhập kinh tế vào ba quốc gia vốn là lợi thế về chỗ đứng quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.
RMI và Palau cũng nằm trong số ít các quốc gia còn lại chính thức công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, trong khi FSM có quan hệ với Trung Quốc và đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Các quan chức Hoa Kỳ cho hay, họ tin tưởng các hành động của Nga ở Ukraine sẽ không khiến Hoa Kỳ chệch hướng khỏi các mục tiêu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Một báo cáo năm 2019 của Rand Corp đã gọi FAS là “một siêu xa lộ dự phóng sức mạnh chạy qua trung tâm Bắc Thái Bình Dương vào châu Á” và lưu ý, các tàu sân bay này cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ quyền tiếp cận duy nhất và không bị kiểm soát vào các vùng đất, vùng biển và không phận của các hòn đảo.
Tuy nhiên, đại diện của các hòn đảo nói rằng, hỗ trợ tài chính không theo kịp nghĩa vụ của Hoa Kỳ, đặc biệt là với di sản hạt nhân ở Quần đảo Marshall, nơi quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân từ năm 1946 đến năm 1958.
Người dân trên đảo vẫn bị ảnh hưởng bởi các tác động đến sức khỏe và môi trường, nhưng Washington tuyên bố, tất cả các khiếu nại pháp lý về vấn đề này đã được giải quyết theo thỏa thuận trước đó với đất nước.
Từ khóa Các quốc gia liên kết tự do Joseph Yun chiến lược của Mỹ tại Ấn độ - Thái bình dương