Ngày 1/6, một quan chức hải quan cho hay, Hoa Kỳ đã sẵn sàng thực hiện lệnh cấm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc khi luật này có hiệu lực thi hành vào cuối tháng 6.

Embed from Getty Images

Nông dân hái bông trên những cánh đồng trong mùa thu hoạch ở Hami, Tân Cương ngày 20/9/2015 (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) trong nỗ lực bảo vệ thị trường Hoa Kỳ khỏi các sản phẩm có khả năng bị nhiễm độc do vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trước đó, Chính phủ Hoa Kỳ còn tuyên bố Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ tạo ra một “giả định đáng tin” rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều do lao động cưỡng bức làm ra và vì thế bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Những sản phẩm từ khu vực này chỉ được phép xuất sang Mỹ nếu Chính phủ Mỹ xác định có “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng các sản phẩm đó không phải do lao động cưỡng bức làm.

Trung Quốc phủ nhận các hành vi lạm dụng ở Tân Cương – khu vực sản xuất bông lớn, đồng thời cũng cung cấp nhiều nguyên liệu cho các tấm pin mặt trời trên thế giới. Giới chức Bắc Kinh lên án đạo luật này “bôi nhọ” tình hình nhân quyền của đất nước.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã hỗ trợ các yêu cầu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) để có thêm ngân sách thực hiện các điều khoản của Đạo luật một cách hiệu quả.

Bà Elva Muneton, quyền giám đốc điều hành của CBP cho Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi UFLPA nhận định: “Tất cả chúng ta đều đang ở trong một khung thời gian rất eo hẹp.”

“Kỳ vọng là chúng tôi sẽ sẵn sàng thực hiện đạo luật về người Duy Ngô Nhĩ vào ngày 21/6, và chúng tôi có các nguồn lực,” bà Muneton phát biểu trong một hội thảo trên web về việc thực thi đạo luật. “Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta đã sẵn sàng thi hành chưa? Rồi, chúng ta đã sẵn sàng,” bà nhấn mạnh.

Các nhà nhập khẩu sẽ phải chọn tái xuất hàng hóa bị cấm trở lại quốc gia xuất xứ và bất kỳ sự miễn trừ nào cũng phải được ủy viên CBP cấp phép, cũng như báo cáo với quốc hội, bà Muneton cho biết thêm.

“Điều quan trọng cần biết là mức độ bằng chứng mà đạo luật về người Duy Ngô Nhĩ đòi hỏi là rất cao,” bà tiếp tục.

“Việc này sẽ đòi hỏi tài liệu, bằng chứng rõ ràng và thuyết phục, rằng chuỗi cung ứng của sản phẩm được nhập khẩu là không sử dụng lao động cưỡng bức.”

CBP có thể sẽ đưa ra hình phạt đối với các nhà nhập khẩu trong trường hợp gian lận, bà cảnh báo.

Ban đầu, Bắc Kinh luôn phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ trại giam nào tại Tân Cương, nhưng sau đó lại thừa nhận việc thiết lập các “trung tâm đào tạo nghề” là cần thiết để  ngăn chặn những gì họ gọi là khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Tân Cương.

Minh Ngọc (Theo Reuters)