Ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, sẽ nhận bản án cuối cùng tại Anh vào ngày 20 và 21 tháng này. Nếu việc dẫn độ sang Mỹ thành công, Assange sẽ phải đối mặt với mức án 175 năm tù. Họa sĩ người Nga Andrei Molodkin đã tuyên bố rằng nếu ông Assange chết trong tù, ông sẽ phá hủy 16 bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng, trong đó có tranh của Picasso.

Julian Assanger 14933990406 d5246b7349 c
Ông Julian Assange. Ảnh chụp ngày 18/8/2014. (Nguồn: David G Silvers / Bộ Ngoại giao Ecuador / Flickr)

Họa sĩ Nga: Nếu Assange chết trong tù, sẽ làm tan tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Picasso

Theo truyền thông nước ngoài đưa tin, tác phẩm nghệ thuật trình diễn của nghệ sĩ người Nga Andrei Molodkin có tên là “Dead Man’s Switch” (Công tắc của người chết), ông đặt 16 bức tranh vào một căn phòng an toàn nặng 32 tấn và đặt một chiếc hộp cao bên trong chứa bột ăn mòn và hộp hóa chất tăng tốc phản ứng hóa học khi tiếp xúc, làm tan biến toàn bộ các bức tranh trong phòng an toàn trong vòng 2 giờ. Sau khi nhấn công tắc của thiết bị, đồng hồ bắt đầu đếm ngược 24 giờ, sau đó hai hộp hóa chất được trộn lẫn. Trừ khi họa sĩ có thông tin đáng tin cậy rằng Assange vẫn còn sống và cập nhật đồng hồ tính giờ, nếu không các bức tranh sẽ bị mất vĩnh viễn.

Những bức tranh này bao gồm các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Picasso, Rembrandt, Andy Warhol cũng như các tác phẩm của các họa sĩ đương đại như Franko B, Jake Chapman và chính ông Andrei Molodkin. Nhiều bức do chính các nghệ sĩ hoặc các nhà sưu tập quyên góp.

Ông Molodkin tuyên bố rằng nếu ông Assange được trả tự do, tất cả các tác phẩm liên quan sẽ được trả lại; ông từ chối tiết lộ chi tiết cụ thể về các tác phẩm, nhưng cho biết sẽ lưu giữ hồ sơ và chụp ảnh tất cả các bức tranh.

Ông Molodkin tin rằng hành vi này là nghệ thuật khái niệm (Concept art), không phải hành động chính trị và hy vọng sẽ tạo ra một bức chân dung về thời đại bao gồm cuộc sống con người, những mảnh vỡ của lịch sử nghệ thuật và các yếu tố phá hoại. Ông nói: “Sau khi Assange bị cầm tù, quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do thông tin của chúng tôi ngày càng bị đàn áp, nếu nghệ thuật là gắn liền với tự do, không có tự do thì khó có thể tạo ra bất kỳ nền văn hóa nào, nếu không sẽ chỉ là một kiểu tuyên truyền chính trị.”

Portrait The Times (resized)

Họa sĩ người Nga Andrei Molodkin (Nguồn ảnh: Wikipedia)

“Người chết” (Dead Man) trong tựa đề tác phẩm này ám chỉ Assange, người sáng lập WikiLeaks, năm 2010, ông đã công bố một số lượng lớn tài liệu mật ngoại giao và quân sự do nhân viên tình báo quân đội Mỹ đánh cắp trên trang web của mình. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông tội gián điệp và đưa ra yêu cầu dẫn độ từ Vương quốc Anh sang Mỹ.

Ông Assange phủ nhận các cáo buộc liên quan và đã bị tạm giam tại Nhà tù Belmarsh ở Anh trong 5 năm.

Anh chấp thuận dẫn độ ông Assange sang Mỹ, Úc cố thuyết phục Mỹ từ bỏ

Hồi tháng 7/2023, Hãng tin AP cho biết, Chính phủ Đảng Lao động trung dung của Úc đã lập luận kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái rằng Mỹ nên hủy bỏ các cáo buộc chống lại ông Assange. Assange đã trải qua 4 năm trong một nhà tù ở Anh để phản đối việc dẫn độ sang Mỹ. Sự tự do của ông được nhiều người coi là phép thử ảnh hưởng của Chính phủ Úc đối với chính quyền Biden của Mỹ.

Ông Blinken xác nhận hôm 29/7/2023 rằng vấn đề về ông Assange đã được thảo luận trong cuộc họp thường niên của ông với Ngoại trưởng Úc Penny Wong.

Ông Blinken nói: “Tôi hiểu mối quan tâm và cách nhìn nhận vấn đề của Úc. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là bạn bè của chúng tôi ở đây hiểu sự lo lắng của chúng tôi về vấn đề này.”

Ông nói thêm: “Ông Assange đang bị truy tố tại Mỹ vì tội hình sự rất nghiêm trọng, ông ấy liên quan đến một trong những vụ rò rỉ thông tin mật tồi tệ nhất trong lịch sử nước ta.”

Bà Penny Wong nói rằng việc truy tố ông Assange đã kéo dài quá lâu và Úc hy vọng rằng Mỹ sẽ rút lại các cáo buộc.

Tuy nhiên, Úc tiếp tục do dự về việc liệu Mỹ có nên hủy bỏ việc truy tố ông Assange hay đạt được một thỏa thuận hòa giải với ông ấy hay không, báo cáo cho biết.

Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc ông Assange giúp nhà phân tích tình báo lục quân Mỹ Chelsea Manning đánh cắp các tài liệu mật.

Chelsea Manning bị bắt vì cáo buộc làm rò rỉ một số lượng lớn tài liệu mật của Chính phủ Mỹ cho WikiLeaks vào năm 2010, và bị kết án 35 năm tù vào năm 2013.

Sau khi vào tù, Chelsea Manning tuyên bố sẽ trở thành phụ nữ và đổi tên từ Bradley Manning thành Chelsea Manning. Manning đã trải qua ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính vào năm 2016 sau một thời gian dài đấu tranh và hai lần tự sát.

Vào tháng 1/2017, Tổng thống Obama đã giảm án cho Manning trước khi rời nhiệm sở, giảm bản án còn lại từ 28 năm xuống còn 4 tháng, đưa ngày trả tự do của Manning từ năm 2045 sang tháng 5 năm đó.

Úc lập luận rằng Mỹ “không nhất quán” trong cách đối xử với ông Assange và Manning.

Tờ The Guardian của Anh đưa tin, việc ông Blinken bảo vệ các cáo buộc của Mỹ đối với Assange sẽ được coi là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực giải cứu ông của cộng đồng quốc tế.

Ông Assange sinh ra ở Úc, đã thành lập trang web “WikiLeaks” vào năm 2006 và vào năm 2010 đã công bố hàng trăm ngàn tài liệu quân sự và ngoại giao bí mật của Chính phủ Mỹ do Manning đánh cắp. Vào năm 2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc Assange 17 tội danh gián điệp và 1 tội danh sử dụng máy tính không thỏa đáng.

Kể từ khi Assange bị Chính phủ Anh bắt giữ từ Đại sứ quán Ecuador ở London vào tháng 4/2019, ông đã bị giam giữ trong nhà tù Belmarsh ở phía nam London và được canh gác nghiêm ngặt.

Vào ngày 6/1/2021, ông Assange bị Mỹ từ chối bảo lãnh tại ngoại chờ kháng cáo. Vào ngày 10/12/2021, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết rằng ông Assange có thể bị dẫn độ đến Mỹ để đối mặt với cáo buộc. Vào tháng 3/2022, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã bác bỏ đơn kháng cáo của ông Assange. Việc dẫn độ đã được Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Anh Priti Patel phê chuẩn ngày 17/6/2022. Vào ngày 1/7/2022, ông Assange tuyên bố chính thức kháng cáo lệnh dẫn độ của Vương quốc Anh.

Trí Đạt (t/h)