Tổng thống Joe Biden đã hạ cánh xuống thủ đô New Delhi của Ấn Độ, vào thứ Sáu lúc 6:46 chiều, giờ địa phương để tham dự cuộc họp Nhóm 20 (G20), nơi sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới tại New Delhi vào cuối tuần này.

Ngay sau khi đến nơi, Tổng thống Biden đã tổ chức cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thảo luận một số vấn đề liên quan đến thương mại, chuỗi cung ứng cũng như các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Nhà Trắng coi mối quan hệ với Ấn Độ là mối quan hệ đối tác song phương thiết yếu nhất. Cả Mỹ và Ấn Độ đều lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Ông Kurt Campbell, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói với các phóng viên sau cuộc gặp song phương ở New Delhi: “Tôi tin rằng mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ 21 đối với Hoa Kỳ sẽ là với Ấn Độ”.

Vào tháng Sáu, ông Modi đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Nhà Trắng trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Washington, cả hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung dài và một danh sách dài các mục tiêu tập trung vào an ninh kinh tế, quốc phòng và quan hệ đối tác chiến lược.

Chính quyền Biden coi Ấn Độ là cơ sở sản xuất quan trọng trong khu vực cho các công ty đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Do đó, việc chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ là một phần quan trọng của cuộc đối thoại ngày càng phát triển này.

Trước cuộc gặp, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng cả hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào một số vấn đề đầu tư và thương mại, bao gồm việc sản xuất động cơ phản lực GE ở Ấn Độ và mua máy bay không người lái MQ-9 Reapers.

“Chúng ta sẽ thấy tiến bộ có ý nghĩa trong một số vấn đề, bao gồm vấn đề động cơ phản lực GE, MQ-9 Reapers, mạng 5G/6G, về hợp tác trên các công nghệ quan trọng và mới nổi, cũng như tiến bộ trong lĩnh vực hạt nhân dân dụng”, ông Sullivan nói khi đang trên chiếc Air Force One (Không Lực Một).

Vài giờ sau cuộc gặp song phương, các nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố chung trong đó có 29 thông báo, một trong số đó là việc giải quyết điều tranh chấp thứ bảy và tranh chấp nổi bật cuối cùng giữa hai nước theo các nguyên tắc trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tổng thống Biden mong đợi gì từ G20?

Tổng thống sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh như một cơ hội để thể hiện sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ và khắc hoạ sự tương phản với nền kinh tế ngày càng nhiều khó khăn của Trung Quốc, qua đó cố gắng định vị Hoa Kỳ là một đối tác đáng tin cậy hơn.

Chuyến công du tới châu Á của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị leo thang với Trung Quốc và Washington đang nỗ lực tăng cường liên minh và quan hệ đối tác với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Bán cầu Nam. 

Theo Nhà Trắng, ưu tiên chính của ông Biden tại cuộc họp quan trọng này là đề xuất củng cố các ngân hàng phát triển đa phương, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), như một giải pháp thay thế cho chương trình cho vay “cưỡng bức” của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, nhưng chiến lược cho vay hung hăng dưới cái tên ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của nước này cũng đã bị các nước khác chỉ trích vì thiếu minh bạch.

Ông Sullivan cho biết trong cuộc họp báo ngày 5/9: “Chúng tôi tin rằng cần phải có tiêu chuẩn cao về các phương án cho vay không mang tính cưỡng chế dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi. Thay vào đó, Thủ tướng Lý Cường sẽ đại diện cho Bắc Kinh tại cuộc họp năm nay.

Trong sự vắng mặt ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden hy vọng sẽ tập hợp các nước khác chống lại các hoạt động cho vay gây tranh cãi của chế độ Trung Quốc và ông đã nhận được sự ủng hộ của ông Modi trong vấn đề này.

Ông Campbell nói với các phóng viên rằng cải cách đối với các ngân hàng phát triển đa phương “có tầm quan trọng đặc biệt đối với Ấn Độ, đặc biệt là về các cơ chế xử lý nợ. Nhiều quốc gia lân cận của họ đã trải qua những vấn đề nợ nần sâu sắc với Trung Quốc và họ đã hợp tác với chúng tôi để làm việc về những vấn đề đó”.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết hôm thứ Sáu (8/9) rằng chính quyền Biden đang yêu cầu các đối tác G20 khác tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng phát triển đa phương.

Bà Yellen nói trong một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ: “Chúng tôi đã yêu cầu các quốc gia khác tham gia cùng chúng tôi trong khả năng có thể của họ trong sáng kiến này và chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia khác, tùy thuộc vào khả năng tài chính của họ, sẽ tham gia cùng chúng tôi”. 

Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp vốn bổ sung cho Ngân hàng Thế giới trong yêu cầu ngân sách bổ sung mới nhất vào tháng trước (pdf). Nhà Trắng kỳ vọng khoản tài trợ khoảng 25 tỷ USD này sẽ là tạo đòn bẩy cho tài chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn dành cho các nước có thu nhập thấp.

Các thành viên G20 chiếm khoảng 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nhóm này bao gồm các quốc gia G7, Liên minh châu Âu và 12 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Nga và Ả Rập Saudi.

Khi ở Ấn Độ, Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp một số nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh, bao gồm cả Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman.

Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, ông Biden dự kiến sẽ tới Việt Nam để gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Trong chuyến thăm này, cả hai nước dự kiến sẽ chính thức công bố mối quan hệ đối tác được cải thiện, mang đến một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Sau đó, Tổng thống Biden sẽ trở lại Alaska, nơi ông sẽ tham dự lễ tưởng niệm ngày 11 tháng 9 cùng các gia đình quân nhân ở Anchorage, Alaska.

Chuyến đi châu Á của Tổng thống Biden diễn ra vào thời điểm ông đang xử lý một số vấn đề trong nước, một trong số đó là tỷ lệ tán thành thấp. Theo một cuộc thăm dò gần đây của CNN, hiệu quả công việc của Tổng thống Biden và tình hình đất nước là “tiêu cực sâu sắc”. 

Theo cuộc khảo sát, tỷ lệ tán thành, ủng hộ ông Biden là 39% và 58% tin rằng các chính sách của ông đã khiến điều kiện kinh tế ở Hoa Kỳ trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với sự hoài nghi đáng kể từ các cử tri theo đảng Dân chủ do tuổi tác của ông.

Tổng thống Biden cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức chính trị cấp bách trong nước, bao gồm khả năng đóng cửa chính phủ và cuộc điều tra luận tội của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện nhắm vào ông.