Hơn 30 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị sát hại và thi thể của họ bị thiêu rụi ở bang Kayah của Myanmar vào thứ Sáu (24/12), theo báo cáo từ người dân địa phương, báo chí và một nhóm nhân quyền địa phương.

266328439 998373654109717 6051556765835806160 n
Hiện trường nơi các xe bị cháy đen (Ảnh: Nhóm Nhân quyền Karenni/ Facebook)

Nhóm Nhân quyền Karenni cho biết họ đã tìm thấy thi thể cháy đen của những người tản cư, bao gồm cả người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em bị quân đội Myanmar giết hại gần làng Mo So của thị trấn Hpruso hôm thứ Bảy.

Nhóm này cho biết trong một bài đăng trên Facebook: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động giết người vô nhân đạo và vi phạm nhân quyền tàn bạo này.”

Các bức ảnh được chia sẻ bởi nhóm nhân quyền và phương tiện truyền thông địa phương cho thấy phần còn lại của các thi thể cháy đen bên trong những chiếc xe tải bị đốt cháy.

Theo truyền thông nhà nước, quân đội Myanmar nói rằng họ đã bắn và tiêu diệt một số lượng không xác định “những kẻ khủng bố có vũ khí” từ các lực lượng vũ trang đối lập trong làng. Những người này ở trong bảy chiếc xe và không dừng lại khi quân đội yêu cầu. 

Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Karenni, một trong những lực lượng dân quân lớn nhất phản đối chính quyền quân đội, nói rằng những người thiệt mạng không phải là thành viên của họ mà là những thường dân đang tìm kiếm nơi ẩn náu sau cuộc xung đột.

Một chỉ huy của nhóm nói với Reuters rằng: “Chúng tôi rất sốc khi thấy tất cả các thi thể đều có kích thước khác nhau, bao gồm cả trẻ em, phụ nữ và người già”.

Một người dân yêu cầu giấu tên vì lý do an ninh nói rằng anh nhận ra có đám cháy vào tối thứ Sáu, nhưng không thể đến hiện trường vì có nổ súng.

“Tôi đến để xem vào sáng nay. Tôi thấy xác chết cháy, quần áo của trẻ em và phụ nữ rải xung quanh”, anh nói với Reuters qua điện thoại.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ đắc cử của người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi gần 11 tháng trước, cáo buộc rằng đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020. Ủy ban bầu cử quốc gia khi đó nói rằng cuộc bỏ phiếu là công bằng.

Hiện nhiều địa phương ở Myanmar đã xuất hiện các lực lượng kháng chiến địa phương đơn lẻ để đối đầu với quân đội. Trong khi đó, quân đội cho rằng đây là những kẻ khủng bố nội địa.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: