Đã không có đại diện nào của Afghanistan đưa ra bài phát biểu cuối cùng hôm thứ Hai (27/9) tại hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh chính quyền Taliban mới đang nỗ lực để được quốc tế công nhận, hãng AP đưa tin.

Embed from Getty Images

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Durjarric cho biết đại sứ hiện được công nhận của Afghanistan, Ghulam Isaczai, người đại diện cho chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, hiện vẫn nằm trong danh sách diễn giả của Afghanistan. Tuy vậy, Taliban đã không đồng tình với sắp xếp này và yêu cầu được đại diện cho đất nước. 

Taliban đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres không công nhận chính quyền Ghani “bị lật đổ” và đã đề cử Mohammad Suhail Shaheen làm đại sứ mới của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc, AP cho biết.

“Chúng tôi có tất cả các yêu cầu cần thiết để được công nhận là một chính phủ”, ông Shaheen nói vào tuần trước.

Cuối cùng, phái bộ Afghanistan thông báo hôm thứ Bảy rằng họ sẽ không có ai phát biểu.

Khi Taliban cầm quyền lần cuối từ năm 1996 đến năm 2001, Liên Hợp Quốc đã từ chối công nhận chính phủ của họ và thay vào đó, trao ghế của Afghanistan cho chính phủ trước đó của Tổng thống Burhanuddin Rabbani, người đã bị giết bởi một kẻ đánh bom liều chết vào năm 2011. Chính phủ của Rabbani là người đã đưa Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9, từ Sudan vào Afghanistan năm 1996.

Taliban cho biết họ muốn được quốc tế công nhận và giúp đỡ tài chính để xây dựng lại đất nước vốn đang bị tàn phá bởi chiến tranh. 

Tuy nhiên, cấu trúc của chính phủ Taliban mới đặt ra một tình thế khó xử đối với Liên Hợp Quốc. Một số bộ trưởng lâm thời của Taliban đã đang nằm trong danh sách đen của những kẻ khủng bố quốc tế hay những người tài trợ cho khủng bố.

Theo AP, một ủy ban chứng nhận sẽ gặp mặt vào tầm tháng 11 để quyết định xem ai sẽ là đại diện của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc. Các thành viên của ủy ban bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Bahama, Bhutan, Chile, Namibia, Sierra Leone và Thụy Điển. 

Từ nay cho đến khi đưa ra quyết định, ông Isaczai vẫn giữ nguyên ghế.

Nếu Liên Hợp Quốc cuối cùng chấp nhận đại sứ của Taliban, đó sẽ là một bước quan trọng trong nỗ lực của nhóm Hồi giáo để được quốc tế công nhận. Điều này có thể giúp mở ra các khoản tiền cần thiết cho nền kinh tế Afghanistan hiện đang rơi vào khủng hoảng.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm thứ Bảy cho biết, sự công nhận của quốc tế đối với Taliban hiện chưa được xem xét.

Ngoài Afghanistan, ghế của Myanmar tại Liên Hợp Quốc cũng chưa được quyết định sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Chính phủ được bầu vào tháng Hai. Không có đại diện nào từ Myanmar sẽ phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng cấp cao.

Lê Vy

Xem thêm: