Kể từ ngày 24/8 khi Nhật Bản xả nước thoải hạt nhân đã qua xử lý ra biển thì liên tục phải hứng chịu những cuộc gọi quấy rối từ Trung Quốc. Rất nhiều người dân Nhật Bản bất lực trước những cuộc điện thoại quấy rối, họ cảm thấy khó hiểu tại sao những người Trung Quốc kia lại làm như vậy. Trong khi đó, các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì tình trạng tẩy chay hàng Nhật.

GettyImages 1619947137
Ngày 24/8/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có buổi chia sẻ báo chí về nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được xử lý ALPS. (Nguồn ảnh: STR/JIJI Press/AFP/Getty)

Những bên liên quan tại Nhật Bản bị tình trạng quấy rối điện thoại từ Trung Quốc gồm các cơ quan nhà nước, công ty, tập đoàn, nhà hàng và cơ sở y tế…, nhưng nực cười là nhiều người dân bình thường không liên quan gì cũng phải hứng chịu.

Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, ngày 24/8 nhà máy Fukushima của Nhật Bản bắt đầu xả nước thải chứa tritium, gây lo ngại nước biển có thể bị ô nhiễm. Theo Chính quyền thủ đô Tokyo, kể từ khi Nhật Bản xả nước đã qua xử lý hạt nhân thì đã liên tục hứng chịu khoảng 38.800 cuộc gọi quấy rối, trong đó 34.000 số điện thoại bắt đầu bằng +86 (mã vùng điện thoại quốc tế của Trung Quốc), trong đó con số cao nhất trong một ngày là hôm 25/8 lên tới gần 20.000 cuộc gọi.

Các cuộc gọi quấy rối sử dụng tiếng Trung Quốc với ngữ khí đầy kích động.

Thống đốc Yuriko Koike của Tokyo cho biết, đến nay chính quyền thủ đô Tokyo vẫn tiếp tục nhận được những cuộc gọi như vậy. Bà cũng nhấn mạnh việc Nhật Bản xả nước xử lý hạt nhân ra biển là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và hy vọng Chính phủ Nhật có thể truyền tải thông tin chính xác đến Trung Quốc.

Theo truyền thông Nhật Bản ANNnews hôm 29/8, Trung tâm Văn hóa phường Edogawa ở Tokyo đã nhận được ít nhất 200 cuộc gọi quấy rối. Giám đốc Toshimitsu Saito cho biết, kể từ sáng ngày 25/8 đã liên tục có những cuộc gọi quấy rối hiển thị mã vùng +86, khiến ông gần như không thể làm việc được.

Về hình thức, ngoài những người thật thực hiện những cuộc gọi quấy rối, còn có giọng nói do AI tạo ra. Khi phóng viên gọi lại một trong những cuộc gọi đến Trung tâm Văn hóa phường Edogawa thì thấy người gọi là một nữ sinh viên tự nhận đang sống ở Quảng Đông, sinh viên này nói: “Chúng tôi cố tình làm vậy, toàn bộ cộng đồng người Hoa sẽ làm như thế, chuyện đó rất bình thường”.

Khi phóng viên hỏi làm sao cô có được số điện thoại của Trung tâm Văn hóa phường Edogawa, nữ sinh kia nói rằng đó là do một người bạn cho và có rất nhiều người có số này, thậm chí cô còn nói: “Nếu các người vẫn muốn xả nước thải hạt nhân thì chúng tôi phải tiếp tục như vậy”. Phóng viên hỏi tuổi thì được nữ sinh cho biết mới 16 tuổi.

Công ty Nhật Bản ở Trung Quốc gặp khó

Ngoài việc ở Nhật Bản liên tục bị quấy rối qua điện thoại, các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn.

Trên thị trường toàn cầu, các sản phẩm “Made in Japan” thường được người tiêu dùng ưa chuộng, các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc cũng nhờ ghi thương hiệu này để thu hút khách hàng. Nhưng kể từ ngày 24/8 thì “Made in Japan” trở thành dấu hiệu bị tẩy chay và tấn công tại Trung Quốc.

Người phụ trách Công ty Nitori có cơ sở thương mại ở ngoại ô Bắc Kinh nói với Yomiuri Shimbun hôm 30/8 rằng gần đây, số người ở Trung Quốc phản đối “Made in Japan” ngày càng gia tăng.

Làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản từ phía Trung Quốc này, thậm chí có nơi leo thang tuyên bố tẩy chay hoạt động giao thương với thương hiệu Nhật Bản.

Theo những người trong ngành mỹ phẩm Nhật Bản, tác động của làn sóng tẩy chay hàng Nhật này khá nghiêm trọng, không biết tình hình sẽ còn phát triển đến mức độ nào.

Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, nhiều công ty Nhật Bản ở Trung Quốc đang bối rối trước tình trạng này, thậm chí không biết phải ứng phó như thế nào trong tương lai cũng như lo ngại có thể tiếp tục hoạt động hay không.

Bắc Kinh lợi dụng để giải tỏa áp lực trong nước

Chia sẻ với tờ Yomiuri Shimbun hôm 31/8 liên quan đến các cuộc gọi quấy rối, giáo sư Ako Tomoko tại Đại học Tokyo đã chỉ ra, một số người Trung Quốc vốn dĩ có thái độ tiêu cực đối với Nhật Bản vì họ đã trải qua một thời gian dài chịu giáo dục chống Nhật Bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khiến họ cũng dễ dàng tin vào tuyên truyền của truyền thông nhà nước Trung Quốc; nhưng thực ra cũng có những người trẻ ở Trung Quốc chế giễu Nhật Bản chỉ để đùa giỡn nhằm thu hút chú ý.

Nhưng bà nhấn mạnh thực tế số người Trung Quốc không tin tưởng vào chính quyền ĐCSTQ đang ngày càng tăng lên. Do nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái khiến tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc quá cao, chính xu thế bất mãn nhà chức trách tăng cao nên họ muốn dùng vấn đề này để chuyển bớt xu hướng áp lực.

Nhưng điều đó cũng là “con dao hai lưỡi”, vì hiện tượng xã hội quá khích đó hoàn toàn không thể loại trừ khả năng quay ngược lại nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Việc lo ngại quyền lực tập thể này khiến tương lai có thể ĐCSTQ sẽ điều chỉnh.

Giáo sư Korogi Ichiro tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda của Nhật Bản là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cũng tin rằng chính quyền ĐCSTQ đang tận dụng cơ hội để giảm bớt áp lực xã hội nhắm vào họ.

Trong cuộc phỏng vấn với Sankei Shimbun, giáo sư Korogi Ichiro cho biết ngành bất động sản Trung Quốc đang suy sụp khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao, điều đó khiến xu thế bất bình trong dân Trung Quốc cũng đang leo thang. ĐCSTQ muốn làm giảm áp lực từ xu thế bất mãn trong nước, bằng cách chuyển hướng dư luận chỉ trích sang Nhật Bản. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang thực hiện biện pháp kiểm soát phù hợp vì lo ngại tình hình leo thang mất kiểm soát biết đâu lại quay về chính họ. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện nay rất tệ, đến mức xu thế bất mãn của người dân giống như dung nham ngầm. Khi người dân cảm thấy khó khăn trong việc sinh tồn sẽ đứng lên chỉ trích chính phủ, tình trạng đó có thể lan rộng khó lường, giống như năm ngoái từng có “Phong trào Giấy trắng” chống lại ĐCSTQ đã khiến nhà cầm quyền phải khó khăn ứng phó.