Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un hôm Chủ nhật (31/12) nói rằng việc đạt được thống nhất giữa Bình Nhưỡng và Seoul là bất khả thi bởi vì các nguyên tắc cho việc thống nhất của Hàn Quốc là trái ngược rõ ràng với các nguyên tắc của Triều Tiên.

Ông Kim khi phát biểu tại phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền hôm 31/12 nói rằng mối quan hệ liên Triều đã trở nên “thù địch nhau” và không còn là “chung dòng máu hay đồng nhất” nữa, theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).

Ông Kim tuyên bố cách tiếp cận thống nhất quốc gia của Bình Nhưỡng dựa trên nguyên tắc “một dân tộc và một quốc gia hai chế độ” là trái ngược rõ ràng với nguyên tắc “thống nhất bằng hấp thụ” và “thống nhất bằng chế độ dân chủ tự do” của Seoul.

KCNA dẫn lời ông Kim nói rằng Hàn Quốc hiện tại là “quốc gia thuộc địa” với nền chính trị “hoàn toàn sụp đổ” và nền an ninh, quốc phòng phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

Ông Kim cho rằng Washington đã biến Seoul thành căn cứ quân sự và kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ông cũng nói số lượng các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022. Lãnh đạo tối cao Triều Tiên nói thực tế này “rõ ràng cho thấy” rằng Mỹ đang có ý định đối đầu quân sự.

Ông Kim lập luận rằng, “chiến tranh có thể bùng nổ” trên Bán đảo Triều Tiên vào bất kỳ lúc nào bởi vì “những hành động liều lĩnh của kẻ thù”. Ông Kim nhấn mạnh, nếu Washington và Seoul nỗ lực tiến hành một cuộc xung đột quân sự với Bình Nhưỡng, thì “khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của [Triều Tiên] sẽ chuyển tới hành động mạnh mẽ không do dự”.

Trước đó, hôm thứ Tư (27/12), Triều Tiên đã phát đi tuyên bố nói rằng tình hình quân sự trên Bán đảo Triều Tiên đã trở nên “cực đoan” bởi vì những động thái đối đầu “chưa từng có tiền lệ” của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Năm 2018, hai miền Triều Tiên đã ký Thỏa thuận Quân sự Toàn diện (CMA), đồng ý “chấm dứt hoàn toàn tất cả các hành động thù địch chống lại nhau”. Tuy nhiên, vào tháng trước, Seoul đã đình trì một phần CMA và đã nối lại hoạt động giám sát trên không, trong khi, Bình Nhưỡng đã cam kết sẽ khôi phục tất cả các biện pháp bị đình chỉ từ năm 2018.

Bán đảo Triều Tiên bị chia tách vào năm 1953 sau khi hai miền đạt được thỏa thuận ngừng bắn, tạm dừng cuộc chiến tranh Triều Tiên vốn đã bắt đầu từ ba năm trước đó. Về mặt lý thuyết, hiện nay Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Hải Đăng (Theo RT)