Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về sự cần thiết phải chấm dứt ngay bạo lực ở Myanmar sau cuộc họp khẩn cấp tại Jakarta vào thứ Bảy (24/4).

Embed from Getty Images

Các nhà lãnh đạo Indonesia, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Campuchia và Brunei đã có mặt tại cuộc họp, cùng với các Bộ trưởng Ngoại giao của Lào, Thái Lan và Philippines. 

Cuộc họp cũng có sự tham dự của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của vị tướng kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi. Theo nhóm giám sát địa phương AAPP, các cuộc đàn áp của quân đội đã khiến hơn 700 dân thường thiệt mạng. 

Theo một tuyên bố từ Brunei, chủ tịch ASEAN hiện tại, các nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí về 5 điểm, bao gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, việc bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho đối thoại, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và chuyến thăm của đặc phái viên đến Myanmar.

“Chúng tôi, với tư cách là một gia đình ASEAN, đã thảo luận chặt chẽ về những diễn biến gần đây ở Myanmar và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở nước này, bao gồm các báo cáo về số người chết và bạo lực leo thang”, tuyên bố cho biết.

“Chúng tôi thừa nhận vai trò tích cực và mang tính xây dựng của ASEAN trong việc tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân Myanmar và sinh kế của họ”, tuyên bố nói thêm “Chúng tôi cũng đã nghe thấy những lời kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị kể cả người nước ngoài.”

“[Kết quả] nằm ngoài sự mong đợi của chúng tôi”, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói với các phóng viên sau cuộc họp.

“Chúng tôi đã cố gắng không buộc tội phe của ông ấy [tướng Min Aung Hlaing] quá nhiều vì chúng tôi không quan tâm ai là người gây ra điều đó”, ông Muhyiddin nói thêm. “Chúng tôi chỉ nhấn mạnh rằng bạo lực phải dừng lại. Quan điểm của ông ấy là chính phía bên kia mới gây ra các rắc rối. Nhưng ông ấy đã đồng ý rằng bạo lực phải dừng lại.”

5 điểm đồng thuận

Trong số các quan điểm đồng thuận, các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi “chấm dứt bạo lực ngay lập tức” ở Myanmar, đồng thời nói thêm rằng tất cả các bên sẽ cần đảm bảo thực hiện “kiềm chế tối đa”.

Các bên cũng nhất trí bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân Myanmar.

“Thứ ba, một đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ hỗ trợ tiến trình đối thoại hòa giải với sự hỗ trợ của Tổng Thư ký ASEAN”, tuyên bố viết.

“Thứ tư, ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN về quản lý thiên tai. Thứ năm, đặc phái viên và phái đoàn sẽ đến thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.”

Cuộc họp ASEAN là nỗ lực phối hợp quốc tế đầu tiên của khối này nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Thống tướng Min Aung Hlaing trước đó đã nói với cuộc họp rằng ông không phản đối chuyến thăm của một đặc phái viên ASEAN để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.

Một bản tin thường xuyên vào ban đêm trên kênh truyền hình Myawaddy TV do quân đội điều hành đã đưa tin về việc ông tham dự cuộc họp và cho biết Myanmar sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm “quá trình chuyển đổi chính trị ở Myanmar và tiến trình sẽ được thực hiện trong tương lai”.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Myanmar (NUG), bao gồm các nhân vật ủng hộ dân chủ, những người thuộc chính quyền bị lật đổ của bà Suu Kyi và đại diện của các nhóm sắc tộc vũ trang, cho biết họ hoan nghênh sự đồng thuận đã đạt được nhưng nói rằng chính quyền quân sự phải thực hiện theo lời hứa của mình.

Tiến sĩ Sasa, phát ngôn viên của NUG cho biết: “Chúng tôi mong muốn ASEAN có hành động kiên quyết để [quân đội] tuân theo các quyết định của khối và khôi phục nền dân chủ của chúng tôi”.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: