Bang California đang hứng chịu thêm cơn bão lớn khi bước vào năm hạn hán thứ 4, tình trạng gió mạnh và mưa lớn vào ngày 4/1 đã gây lũ lụt và khiến hơn 100.000 người bị lâm cảnh mất điện.

California lu lut
Lũ lụt ở California. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo hãng tin AP, giới chức bang California đã ra lệnh sơ tán cư dân tại các khu vực ven biển có mức nguy cao sóng to gió lớn, vì một cơn bão lớn đã đổ bộ vào hôm thứ Tư (4/1) gây nguy cơ lũ lụt trên diện rộng và khiến hơn 100.000 người mất điện.

Dự kiến cơn bão gây ra những trận mưa lớn tới 6 inch (152,4 mm) tại các vùng của Khu vực Vịnh San Francisco, cho đến tối thứ Năm (5/1) phần lớn khu vực này vẫn đang trong cảnh báo lũ lụt. Dự báo thời tiết cho biết cơn bão dự kiến ở Nam California ​​sẽ đạt đỉnh vào đêm thứ Tư gây lượng mưa lớn nhất ở các quận Santa Barbara và Ventura cho đến sáng sớm thứ Năm.

Nhưng cơn bão chưa thể đủ để có thể chấm dứt hạn hán đang diễn ra ở California, hiện đã là năm thứ 4. Cơ Quan Theo Dõi Hạn Hán của Mỹ cho hay phần lớn California đang ở trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến cực đoan. Nhà chức trách cho biết do mực nước thấp tại các hồ chứa chính của California nên còn nhiều không gian để chứa nước mưa từ cơn bão.

Nhưng do mặt đất đột ngột bão hòa nước cộng thêm tình trạng gió thổi mạnh có thể gây nguy cơ nhiều cây bị đổ, những cây cối này đã chịu cảnh vài năm khan hiếm nước. Giám đốc Karla Nemeth của Sở Tài nguyên Nước California cho biết điều này có thể gây mất điện trên diện rộng hoặc gây họa lũ lụt.

“Chúng tôi đang ở giữa tình trạng khẩn cấp lũ lụt và hạn hán”, bà nói trong một cuộc họp báo khẩn.

lu lut California
Trực thăng cứu hộ trong lũ lụt ở California. (Ảnh chụp màn hình video)

Bà Nancy Ward – người phụ trách mới của Văn phòng Dịch vụ Khẩn cấp của Thống đốc California, cho biết: “Chúng tôi cho rằng trong 5 năm qua, đây có thể là một trong những cơn bão có sức ảnh hưởng và thách thức nhất đổ bộ vào California”.

Thị trưởng London Breed của San Francisco nói trong một cuộc họp báo rằng thành phố đang “chuẩn bị cho chiến tranh”. Các đội đã dọn sạch các cống thoát nước mưa bị tắc, cố gắng di chuyển những người vô gia cư đến nơi trú ẩn và phân phát đồ dùng khẩn cấp và áo mưa cho những người từ chối đi. Thành phố San Francisco cũng phát rất nhiều bao cát cho người dân.

Gió mạnh từ 85 dặm/giờ (136 km/giờ) trở lên đã buộc Sân bay Quốc tế San Francisco phải hủy hơn 70 chuyến bay, gió còn làm đổ không ít cây cối và đường dây điện. Lính cứu hỏa đã giải cứu một gia đình khỏi chiếc xe của họ bị cây đè. Cơ quan cứu hỏa báo cáo rằng “những mảnh kính lớn” rơi xuống từ tòa nhà Fox Plaza gần Trung tâm hành chính, nhưng không có ai bị thương. Cơ quan này cho biết trên Twitter rằng thiệt hại đối với tòa nhà chọc trời “rất có khả năng” liên quan đến gió lớn.

Cơn bão đã khiến hơn 100.000 người ở Khu vực Vịnh San Francisco và Bờ biển Trung tâm lâm cảnh bị mất điện.

Đây cũng là một trong ba cơn bão “sông khí quyển” (atmospheric river) đổ bộ vào California cuối tuần qua. Trước đó vài ngày đã xảy ra gió bão mạnh tàn phá khiến Thống đốc Gavin Newsom phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để nhanh chóng ứng phó và giúp dọn dẹp sau đổ nát.

Tại Nam California, người dân sống ở các khu vực thuộc quận Santa Barbara bị tàn phá bởi ba trận cháy rừng mới đây đã được lệnh sơ tán, lý do dự báo cho thấy mưa lớn qua đêm có thể gây lũ lụt trên diện rộng và gây ra lở đất.

Các quan chức của quận không có số liệu chính xác về số lượng người đã được lệnh sơ tán, nhưng phát ngôn viên Susan Klein-Rothschild của trung tâm hoạt động khẩn cấp của quận này cho biết đại diện của Cảnh sát trưởng đã đến từng nhà với ít nhất 480 người.

Lệnh sơ tán dọc theo Sông San Lorenzo và dọc theo Sông Pajaro chảy xiết ven Công viên Paradise ở quận Santa Cruz cũng đã ban hành.  

Các nhà chức trách ở quận Sonoma đã đưa ra cảnh báo sơ tán cho một loạt thị trấn dọc theo sông Russian, nơi dự kiến ​​​​ vào thứ Năm sẽ đạt đến cấp độ lũ lụt.

Trong số các thị trấn được lệnh sơ tán có thị trấn nhỏ Montecito, nơi 23 người đã thiệt mạng cách đây 5 năm trong một vụ lở đất cuốn những tảng đá khổng lồ, bùn và mảnh vụn từ một ngọn núi và quét qua thị trấn kéo tới bờ biển, vụ lở đất đó đã tàn phá 100 ngôi nhà và làm 23 người thiệt mạng. Có nhiều người nổi tiếng thuộc cánh tả sống ở đây, chẳng hạn như người dẫn chương trình truyền hình Oprah Winfrey, vợ chồng Hoàng tử Anh Harry và Meghan.

Kevin Taylor – Trưởng phòng cứu hỏa thị trấn Montecito nói: “Chúng tôi lưu ý ở đây là rất nhiều nước chảy ra từ đỉnh núi, chảy vào các con lạch và suối, khi nước chảy xuống sẽ tăng sức mạnh gây nguy hiểm”.

Ở những nơi khác tại California, ví như đoạn đường 45 dặm (72 km) của Quốc lộ Duyên hải 1 xuyên qua Big Sur, vào tối thứ Tư nhà chức trách cũng đã phải cho phong tỏa do dự kiến ​​lũ lụt và đá lở. Xa hơn về phía bắc, một đoạn dài 25 dặm (40 km) của Quốc lộ 101 cũng bị đóng do nhiều cây đổ.

Mọi người đang được khuyến khích tránh ra đường trừ khi thực sự cần thiết, đặc biệt là khi có tuyết rơi dày đặc ở vùng núi.

Cơn bão cũng gây thiệt hại ở những nơi khác tại Mỹ. Ở vùng Trung Tây, điều kiện băng giá và tuyết rơi trong tuần này cũng đã khiến các trường học ở Minnesota và phía tây Wisconsin phải đóng cửa, tình cảnh cũng đã làm một máy bay phản lực khi hạ cánh trong cơn bão tuyết ở Minneapolis đã trượt khỏi đường băng do bị băng giá. Delta Air Lines cho biết không có hành khách nào bị thương.

Ở Montgomery bang Alabama miền nam nước Mỹ, vào sáng sớm thứ Tư (4/1) đã có cơn lốc xoáy tại làm hư hại nhà cửa, quật ngã cây cối và lật xe.

Tại Illinois, nhà chức trách văn phòng Chicago của Cục Khí tượng Quốc gia Mỹ đã lên kế hoạch khảo sát thiệt hại do ít nhất 6 cơn lốc xoáy tấn công vào thứ Tư, được xem là lần có số lượng lốc xoáy nhiều hiếm thấy trong tháng 1 được ghi nhận ở Illinois kể từ năm 1989.