Công dân Trung Quốc Deng Guangsen (28 tuổi) trông lạc lõng và kiệt sức khi các nhân viên tuần tra biên giới giữ anh ở một trạm trung chuyển. Trong hai tháng qua, anh đã đi từ tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc qua 7 nước, đi máy bay, xe buýt, và cuối cùng đi bộ băng qua khu rừng rậm Darien Gorge nguy hiểm của Panama để đến được Santiago nước Mỹ.

Trung Quoc vuot bien
Công dân Trung Quốc vượt sông Rio Grande vào Texas Mỹ đã bị nhân viên biên phòng Mỹ phát hiện. Hình ảnh ngày 5/5/2022. (Ảnh: Brandon Bell/Getty)

Deng nói tiếng Anh bập bẹ trong khi đứng tại một bãi đậu xe ở San Diego, “Tôi không có anh chị em, không có người thân”.

Deng là một phần trong làn sóng người nhập cư Trung Quốc vào Mỹ, họ chọn một con đường mới tương đối nguy hiểm – con đường này được nhiều người Trung Quốc biết đến qua mạng xã hội. Theo cơ quan quản lý nhập cư Panama, trong 9 tháng đầu năm nay, số người Trung Quốc băng qua eo rừng Darien – một khu vực rừng rậm đầy nguy hiểm giữa Colombia và Panama – cao thứ 4 sau dòng người từ các nơi gồm Venezuela, Ecuador, Haiti.

Giới quan sát và những người Trung Quốc xin tị nạn đã nói chuyện với hãng tin AP rằng họ đang cố gắng thoát khỏi bầu không khí chính trị ngày càng áp bức cùng triển vọng kinh tế Trung Quốc ảm đạm.

Vấn đề cũng phản ánh sự hiện diện lớn hơn của dòng người di cư – người châu Á, Nam Mỹ và châu Phi – tại biên giới Mỹ-Mexico, khiến tháng 9 trở thành tháng cao thứ hai về số người vượt biên bất hợp pháp, cũng khiến năm ngân sách 2023 của Chính phủ Mỹ trở thành năm tồi tệ cao thứ hai trong lịch sử.

Đại dịch và các chính sách về COVID-19 của Trung Quốc, bao gồm các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, đã nhanh chóng kiềm chế làn sóng người di cư gia tăng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình sửa đổi hiến pháp vào năm 2018 để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước Trung Quốc. Hiện nay tình trạng người Trung Quốc di cư đã tiếp tục tăng trở lại khi nền kinh tế Trung Quốc khó khăn, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên quá cao.

Liên Hợp Quốc dự đoán số người Trung Quốc ‘tháo chạy’ trong năm nay khoảng 310.000 người, trong khi năm 2012 là 120.000 người.

Xu thế này được người Trung Quốc gọi là “Nhuận học” (Run Xue). Thuật ngữ này ban đầu dùng chỉ vấn đề vượt qua kiểm duyệt, nhưng bây giờ trở thành phổ biến trên mạng.

Cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện sống ở Mỹ, bà Thái Hà (Cai Xia) cho biết: “Làn sóng di cư này phản ánh sự tuyệt vọng về Trung Quốc… Họ đã mất hy vọng vào tương lai của đất nước. Có thể thấy trong số họ không chỉ gồm những người học vấn hạn chế mà có cả những người học vấn cao, những người làm văn phòng, chủ doanh nghiệp nhỏ và những người thuộc các gia đình giàu có”.

Những người không thể xin được thị thực đang tìm cách khác để trốn khỏi đất nước đông dân nhất thế giới, trong đó có đông đảo người xin tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico.

Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ từ tháng 1 – 9 năm nay đã bắt giữ 22.187 công dân Trung Quốc, gấp gần 13 lần so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ trong tháng 9 nhưng số vụ bắt giữ lên tới 4010 người, tăng 70% so với tháng 8.

Con đường phổ biến đến Mỹ là qua Ecuador – nơi không yêu cầu thị thực đối với công dân Trung Quốc. Những người di cư từ Trung Quốc tham gia cùng những người Mỹ Latin khi họ băng qua đường rừng Darien từng một thời được xem là không thể vượt qua, sau đó họ đi qua các nước Trung Mỹ và cuối cùng đến biên giới nước Mỹ. Hành trình này đã trở nên nổi tiếng đến mức nó có tên riêng ở Trung Quốc: “Tẩu tuyến”.

Số lượng người Trung Quốc di cư qua rừng Darien tăng dần hàng tháng, từ 913 người vào tháng 1 lên 2588 người vào tháng 9. Trong 9 tháng đầu năm nay, cơ quan quản lý nhập cư Panama đã ghi nhận 15.567 công dân Trung Quốc vượt qua đường rừng Darien. Để so sánh, con số này vào năm 2022 chỉ 2005 người, năm 2010 – 2021 chỉ có 376 người.

Nền tảng video ngắn và ứng dụng nhắn tin không chỉ cung cấp các cảnh quay video thực tế mà còn cung cấp hướng dẫn từng bước về việc di chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ, bao gồm những gì cần mang theo, cách tìm người hướng dẫn, cách sống sót trong rừng, nên ở khách sạn nào, cách hối lộ cảnh sát ở các nước và phải làm gì nếu gặp quan chức nhập cư Mỹ.

Ứng dụng cho phép người di cư tự định hướng ở Trung Mỹ ngay cả khi họ không nói được tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Anh. Cuộc hành trình có thể tốn hàng ngàn đến hàng chục ngàn USD, có thể thanh toán bằng tiền tiết kiệm mua nhà hoặc khoản vay trực tuyến.

Điều này khác xa so với thời mà người dân Trung Quốc thường trả tiền cho những kẻ buôn lậu để đi theo nhóm.

Những người có nguồn tài chính lớn hơn, chẳng hạn như Xi Yan (46 tuổi) và con gái Song Siming thì không đi tuyến Ecuador-Mexico mà bay tới Mexico qua châu Âu. Với sự giúp đỡ của hướng dẫn viên địa phương, vào tháng 4 họ đã đến được Mỹ thông qua Mexicali – thành phố thủ phủ của bang Baja California của Mexico.

Xi Yan, một nhà văn Trung Quốc cho biết: “Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc rất cao, nhiều người không tìm được việc làm”.

Cô quyết định rời Trung Quốc vào tháng 3 khi đến thành phố Phật Sơn ở phía nam tỉnh Quảng Đông để thăm mẹ, nhưng phải rời đi ngày hôm sau vì an ninh quấy rối anh em cô, nói với họ rằng em gái họ không được phép vào thành phố này. Cô nhận ra rằng cho dù hoạt động tưởng niệm nhà văn đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba – người đã chết trong nhà tù ở Trung Quốc – đã qua 6 năm thì cô vẫn nằm trong danh sách đen của Trung Quốc. Năm 2015 cô bị bỏ tù 25 ngày vì đăng bài trực tuyến tưởng nhớ các nạn nhân của vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Con gái cô đã đồng ý rời đi cùng. Đó là một sinh viên tốt nghiệp đại học, gặp khó khăn khi tìm việc làm ở Trung Quốc và cảm thấy thất vọng.

Mặc dù việc sống sót ở Mỹ là một thách thức, nhưng Xi Yan nói rằng điều đó đáng giá. Cô nói: “Chúng tôi có tự do. Trước đây mỗi khi có xe cảnh sát là tôi rất căng thẳng. Bây giờ, tôi không còn lo lắng nữa”.

Những người di cư hy vọng vào Mỹ chờ đợi ở San Diego để các nhân viên Biên phòng đến đón họ, họ ở những nơi như khu vực giữa hai bức tường biên giới hoặc ở vùng núi xa về phía đông thành phố. Nhiều người nhập cư Mỹ chờ xuất hiện trước tòa ở các thành phố gần điểm đến cuối cùng của họ. Theo Trung tâm Truy cập Hồ sơ Giao dịch tại Đại học Syracuse, tỷ lệ tị nạn đối với người nhập cư Trung Quốc trong năm tài chính 2022 là 33%, trong khi tỷ lệ tị nạn đối với tất cả các quốc tịch là 46%.

Tổ chức từ thiện Công giáo San Diego sử dụng khách sạn để làm nơi trú ẩn cho người nhập cư, trong đó vào tháng 9 có 1223 người nhập cư Trung Quốc. Thời gian lưu trú tị nạn trung bình của tất cả các quốc tịch là một ngày rưỡi, trong khi đối với người Trung Quốc là chưa đầy một ngày.

Giám đốc điều hành của cơ quan này là Vinod Pahanol cho biết: “Họ được thả xuống vào buổi sáng. Vào buổi chiều, họ bắt đầu tìm kiếm người nhà. Họ đến New York, Chicago và nhiều nơi khác”.

98% vụ bắt giữ người Trung Quốc tại biên giới Mỹ vào tháng 9 xảy ra ở khu vực San Diego. Tại trạm trung chuyển, người di cư nghỉ lấy sức, mua đồ ăn nhẹ, xem qua vô số quần áo miễn phí và nhận lời khuyên về chuyện đi lại.

Các biển hiệu về phòng vệ sinh di động và quầy thông tin cũng như thông báo qua loa tình nguyện có nhiều bản dịch sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Quan Thoại. Tài xế taxi cung cấp các chuyến đi đến Los Angeles.

Nhiều người nhập cư nói chuyện với hãng tin AP đã không cung cấp tên đầy đủ vì sợ thu hút sự chú ý đến trường hợp của họ. Một số người cho biết họ đến đây vì lý do tài chính và phải trả phí từ 300.000 – 400.000 nhân dân tệ (~ 41.000 – 56.000 USD).

Trong những tuần gần đây, nhiều người di cư Trung Quốc đã chờ đợi trong các trại tạm bợ ở sa mạc California để đầu thú với nhà chức trách Mỹ, qua đó hy vọng xin được tị nạn.

Gần thị trấn nhỏ Yakumba, hàng trăm người chen chúc dưới bóng một phần tường biên giới, hoặc chờ đợi dưới những tấm bạt thô sơ. Những người khác cố gắng ngủ trên những tảng đá lớn hoặc dưới một bụi cây. Một ngọn lửa trại nhỏ giữ ấm cho họ vào ban đêm. Không có thức ăn hoặc nước sinh hoạt, những người nhập cư phải dựa vào những tình nguyện viên phân phát nước đóng chai, bột yến mạch nóng, bánh mì bơ đậu phộng – mứt trái cây.

Chen Yixiao cho biết ông đã trải qua một hành trình khó khăn để đến được nước Mỹ. Ông kể cuộc sống ở Trung Quốc đã trở nên ngột ngạt, một số người gặp vấn đề với chính phủ trong khi nhiều người khác thì thất bại trong kinh doanh. Ông vui mừng: “Bây giờ tôi rất vui khi được ở Mỹ. Đây là đất nước mơ ước của tôi”.

Tại trạm trung chuyển ở San Diego, anh Deng đang hướng tới Công viên Monterey – ngoại ô Los Angeles vào những năm 1980 được mệnh danh là “Đài Bắc thu nhỏ”. Do anh không cung cấp được cho cơ quan biên phòng địa chỉ đến ở Mỹ, vào tháng 2 anh được sắp xếp để xuất hiện tại tòa án nhập cư lần đầu ở New York. Anh nói rằng anh đến Mỹ chỉ với 880 USD.