Quân đội Mỹ cho biết hôm thứ Năm (29/12), một máy bay quân sự của Trung Quốc đã áp sát một máy bay của lực lượng không quân Hoa Kỳ trong phạm vi 3 mét ở Biển Đông vào tuần trước và buộc nó phải thực hiện các động tác tránh né để tránh va chạm trong không phận quốc tế.

Quân đội Mỹ nêu rõ trong một tuyên bố, vụ việc liên quan đến máy bay chiến đấu J-11 của hải quân Trung Quốc và máy bay RC-135 của không quân Mỹ, diễn ra vào ngày 21/12. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ đánh giá là xu hướng hành vi của máy bay quân sự Trung Quốc ngày càng nguy hiểm.

“Chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sử dụng không phận quốc tế một cách an toàn và phù hợp với luật pháp quốc tế,” tuyên bố nhấn mạnh.

Phát ngôn viên quân đội Mỹ cho hay, máy bay phản lực Trung Quốc bay cách cánh máy bay 3m, nhưng cách mũi máy bay 6m, khiến máy bay Mỹ phải thực hiện các động tác né tránh.

Phía Mỹ đã nêu vấn đề này với chính quyền Trung Quốc, theo một quan chức riêng của Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trước đó, Trung Quốc từng chỉ trích việc Mỹ đưa tàu và máy bay vào Biển Đông gây ảnh hưởng đến hòa bình khu vực. Dù vậy, các máy bay và tàu quân sự của Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện các hoạt động giám sát và đi qua khu vực.

Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn ở Biển Đông chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Hàng nghìn tỷ đô la thương mại chảy qua tuyến đường thủy này hàng năm, nơi cũng có các ngư trường và mỏ khí đốt phong phú.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc hồi tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đặt ra nhu cầu cải thiện liên lạc trong khủng hoảng, đồng thời lưu ý điều mà ông gọi là hành vi nguy hiểm của máy bay quân sự Trung Quốc.

Bất chấp căng thẳng giữa hai bên, các quan chức quân đội Mỹ từ lâu đã tìm cách duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với các đối tác Trung Quốc để giảm thiểu nguy cơ bùng phát tiềm ẩn hoặc đối phó với bất kỳ tai nạn nào.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng, với sự mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở nhiều lĩnh vực, từ vấn đề dân chủ Đài Loan, hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc cho đến hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông.

Chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi tháng 8 đã khiến Trung Quốc hết sức giận dữ, coi đây là nỗ lực nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc theo luật pháp Mỹ để cung cấp cho nước này các phương tiện để tự vệ, một thực tế lâu đời khiến Trung Quốc tức giận.

Nhật Minh (Theo Reuters)