Thứ Sáu (29/9) Hoa Kỳ đã bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Mark Lambert làm quan chức cấp cao về chính sách Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng về các vấn đề địa chính trị và thương mại.

Ông Lambert sẽ là điều phối viên Trung Quốc và phó trợ lý ngoại trưởng vấn đề Trung Quốc và Đài Loan. Ông Lambert đảm nhận vị trí mà ông Rick Waters đã bỏ trống vào tháng Sáu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vào ngày 29/9.

Ông Lambert sẽ đứng đầu Văn phòng Điều phối Trung Quốc. Văn phòng này hỗ trợ Bộ ngoại giao triển khai chiến lược “đầu tư, liên kết và cạnh tranh” của chính quyền Biden với chính quyền Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Đây là một phần quan trọng trong nghị trình hiện đại hóa của Bộ trưởng, nhằm tập trung vào việc trang bị cho Bộ Ngoại giao để đáp ứng những thách thức và nắm bắt các cơ hội của thập kỷ tới”.

Bộ nhấn mạnh rằng ông Lambert có “kinh nghiệm sâu sắc” khi giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, cũng như “xây dựng các chính sách phù hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ra, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống quốc tế.”

Ông Lambert đã hai lần làm việc tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh và gần đây nhất ông giữ chức vụ phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Úc, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương.

Theo tiểu sử của mình, ông Lambert có kinh nghiệm giám sát các vấn đề chính trị, quân sự của Hoa Kỳ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đã tham gia vào việc vạch ra chiến lược thả các tù nhân chính trị Trung Quốc và thúc đẩy tự do tôn giáo.

Việc bổ nhiệm ông Lambert diễn ra vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang có bất đồng về vấn đề Đài Loan và thương mại. Tổng thống Joe Biden đã thực hiện các bước để hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Mỹ, đồng thời tìm cách giữ cho các kênh liên lạc luôn mở.

Một số thành viên nội các hàng đầu của Hoa Kỳ đã tới Bắc Kinh trong vài tháng qua, với mục đích đặt nền móng cho cuộc gặp có thể diễn ra vào cuối năm nay giữa ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đàm phán Mỹ-Trung

Ngày 28/9, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã có cuộc “đàm phán sâu” với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương.

Trong cuộc gặp, ông Kritenbrink nhấn mạnh tầm quan trọng của một “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và an toàn cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ông Kritenbrink tái khẳng định sự cần thiết phải duy trì hòa bình trên Eo biển Đài Loan, nơi ĐCSTQ đang leo thang các cuộc tập trận quân sự để gây áp lực lên Đài Loan. Trung Quốc luôn tuyên bố đảo Đài Loan là của Trung Quốc. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng cả hai phái đoàn Mỹ-Trung đã đồng ý duy trì liên lạc về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương và ông Tô “đã trình bày rõ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan”.

ĐCSTQ coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn phải thống nhất với Trung Quốc đại lục bằng mọi cách cần thiết, dù trên thực tế Đài Loan là một nước dân chủ tự trị kể từ khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949 và chưa bao giờ bị ĐCSTQ kiểm soát.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính tại New York vào ngày 18 tháng 9 và tái khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng ngoại giao để thúc đẩy lợi ích và giải quyết các lĩnh vực khác biệt.

“Thế giới kỳ vọng chúng ta kiểm soát mối quan hệ của mình một cách có trách nhiệm. Hoa Kỳ cam kết thực hiện điều đó”, ông Blinken nói trong bài phát biểu ngắn gọn khi bắt đầu cuộc gặp với ông Hàn. 

Ông Blinken nói tiếp: “Từ quan điểm của Hoa Kỳ, ngoại giao trực tiếp là cách tốt nhất để giải quyết những bất đồng và cũng là cách tốt nhất để khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa chúng ta”.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào tháng Mười Một. Cơ quan an ninh hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã ám chỉ rằng triển vọng của bất kỳ cuộc gặp nào như Mỹ mong muốn sẽ phụ thuộc vào “thành ý” của Washington.