Những người phản đối cuộc đảo chính của Myanmar đã hoan nghênh các lệnh trừng phạt mới từ Anh và Canada đối với chính quyền do quân đội quản lý, theo tin từ Reuters.

Embed from Getty Images

Hôm 18/2, Anh và Canada đã tuyên bố trừng phạt các tướng lĩnh cầm quyền tại Myanmar sau cuộc đảo chính hồi đầu tháng. Cụ thể, Anh sẽ phong tỏa tài sản và cấm đi lại với 3 tướng quân đội, trong khi Canada trừng phạt 9 quan chức quân đội Myanmar. Động thái của hai nước diễn ra sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt vào tuần trước.

Ngoài các nước trên, Mỹ cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Úc (các nước thuộc nhóm “Bộ Tứ”) đã nhất trí với nhau rằng nền dân chủ phải được khôi phục ngay lập tức ở Myanmar, yêu cầu quân đội đảo ngược hành động và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cùng những người khác.

Lãnh đạo thanh niên và nhà hoạt động ở Myanmar, bà Thinzar Shunlei Yi đã hoan nghênh lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với ba tướng lĩnh của Anh, cũng như các động thái để ngăn chặn bất kỳ viện trợ nào cho quân đội.

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác cũng phối hợp và đoàn kết như vậy”, bà viết trên Twitter. Bà nói: “Chúng tôi sẽ chờ thông báo về lệnh trừng phạt của EU vào ngày 22/2 và kêu gọi mọi người tập trung tại văn phòng EU để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt.”

Một nhóm nhỏ những người phản đối cuộc đảo chính tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Anh ở thành phố Yangon nói rằng họ muốn gửi lời cảm ơn Anh vì sự hỗ trợ này, theo Reuters.

Cảnh sát ở Yangon đã phong tỏa địa điểm biểu tình chính của thành phố gần chùa Sule, dựng rào chắn trên các con đường dẫn đến một giao lộ lớn, nơi hàng chục nghìn người đã tập trung trong tuần này.

Một nhân chứng cho biết vài trăm người biểu tình đã tụ tập sau các chướng ngại vật, trong khi đám đông cũng hình thành tại một địa điểm biểu tình khác gần trường đại học.

Những người biểu tình đã lái xe máy quanh thành phố Myitkyina ở phía bắc, vẫy các biển báo và cờ, và đối đầu với cảnh sát đang chặn ở một số tuyến đường.

Các cuộc đụng độ đã xảy ra tại thành phố thủ phủ của bang Kachin trong hai tuần qua. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và máy bắn đá để giải tán đám đông.

Chính quyền Myanmar vẫn chưa phản ứng với các lệnh trừng phạt mới. Hôm thứ Ba, một phát ngôn viên của quân đội nói trong họp báo rằng họ đã dự kiến trước về các biện pháp trừng phạt.

Từ trước đến nay, các tướng lĩnh Myanmar thường không nhượng bộ trước áp lực của nước ngoài, và họ có quan hệ chặt chẽ hơn với nước láng giềng Trung Quốc và Nga. Trước đó, tướng Min Aung Hlaing đã phải chịu các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây sau cuộc đàn áp năm 2017 đối với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.

Mark Farmaner, Giám đốc Nhóm Chiến dịch Myanmar tại Vương quốc Anh, cho biết: “Việc trừng phạt các nhà lãnh đạo quân sự chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng các động thái trừng phạt các công ty quân sự sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Sau gần nửa thế kỷ quân đội cai trị, các doanh nghiệp liên kết với quân đội đã có một lượng cổ phần đáng kể trong nền kinh tế của đất nước 53 triệu dân, với các lợi ích khác nhau trong ngành ngân hàng, đồ uống, viễn thông và vận tải.

Quân đội đã giành lại quyền lực sau khi cáo buộc đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8/11, chấm dứt quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ từ năm 2011, đồng thời bắt giữ bà Suu Kyi cùng hàng trăm người khác.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar cho biết 521 người đã bị giam giữ tính đến thứ Năm. Trong số đó, 44 người đã được thả.

Bà Suu Kyi phải đối mặt với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thảm họa Thiên nhiên cũng như tội nhập khẩu trái phép 6 bộ đàm. Lần hầu tòa của bà đã được ấn định vào ngày 1/3.

Chính quyền mới cũng đang phải chịu áp lực từ các cuộc biểu tình và một chiến dịch bất tuân dân sự, đã làm tê liệt nhiều hoạt động kinh doanh của chính phủ.

Gia Huy (theo Reuters)

Xem thêm: