Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan, có nghi ngờ về khả năng bùng nổ chiến tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Truyền thông Úc dẫn lời chuyên gia nhận định, nếu cuộc chiến này xảy ra thì Úc với tư cách là đồng minh của Mỹ và là thành viên của “Hiệp định Đối tác An ninh Úc – Anh – Mỹ” (AUKUS),  Úc có thể tấn công căn cứ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Hai quan Uc
Đại úy Lục quân Luke Frawley từ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Hoàng gia Úc và các binh sĩ từ Lực lượng Đổ bộ Úc rời một tàu đổ bộ LHD tại Bãi biển Kings ở Bowen. (Ảnh minh họa: Sergeant Andrew Sleeman/ Bộ Quốc phòng Úc)

Úc sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh?

Tạp chí Australia Foreign Affairs có bài “Nhắm mục tiêu vào Úc: Liên minh có khiến chúng ta kém an toàn hơn?” (Target Úc: Is the alliance making us less safe?), tác giả bài viết là Sam Roggeveen thuộc tổ chức tư vấn độc lập Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy (Lowy Institute for International Policy).

Chuyên gia Roggeveen cho rằng nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh, Căn cứ Tindal của Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAAF Base Tindal) gần Darwin – Úc sẽ trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân ưu tiên của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bởi căn cứ này được Mỹ trang bị máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân. Máy bay ném bom B-52 có thể tấn công các căn cứ và hầm chứa tên lửa hạt nhân, các radar cảnh báo sớm và các cơ sở chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của quân đội ĐCSTQ.

Tác giả cho rằng dù căn cứ tình báo chung Mỹ-Úc tại Pine Gap gần Alice Springs (Úc) đóng vai trò quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, nhưng không phải mục tiêu ưu tiên của quân đội ĐCSTQ. Còn trong vấn đề Úc mua tên lửa hành trình Tomahawk, chỉ có thể có một lời giải thích là Úc hy vọng có khả năng tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Trung Quốc. Liên quan cuộc chiến này, AUKUS sẽ làm tăng khả năng Úc đồng hành cùng Mỹ tham chiến.

Tạp chí Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đăng bài viết “Liệu Trung Quốc có nhắm vào Úc và Úc sẽ đáp trả thế nào?” (Will China target Australia and how would Australia respond?), tác giả là cựu Thứ trưởng Quốc phòng Úc Paul Dibb.

Khác với quan điểm của Roggeveen, Dibb nói rằng nếu Mỹ và ĐCSTQ xảy ra chiến tranh, cơ sở tình báo chung Mỹ-Úc ở Pine Gap gần Alice Springs sẽ là mục tiêu khẩn cấp và quan trọng nhất trong cuộc tấn công hạt nhân của ĐCSTQ. Bởi vì cơ sở này có thể gửi cảnh báo tức thời theo thời gian thực cho quân đội Mỹ về một cuộc tấn công hạt nhân của quân đội Trung Quốc: số lượng chính xác, quỹ đạo và mục tiêu có khả năng của tên lửa.

Dibb tin rằng đối với Úc, mặc dù tấn công lãnh thổ Trung Quốc là một canh bạc nguy hiểm, nhưng tấn công các căn cứ quân sự của ĐCSTQ ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương chắc chắn nên được đưa vào các mục tiêu quân sự trong tương lai của Úc. Quân đội Úc cần tiếp cận với các tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, không chỉ để ngăn chặn các hoạt động quân sự nhắm váo Úc, cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào trình độ của thời gian cảnh báo và ngăn chặn đe dọa của quân đội đối thủ ở khoảng cách xa hơn.

Xem xét các tuyến tiếp tế hậu cần rất dễ bị tổn thương của quân đội ĐCSTQ, ông Dibb nhấn mạnh nếu ĐCSTQ thiết lập nhiều căn cứ quân sự ở Biển Đông hoặc Nam Thái Bình Dương, Úc phải phá hủy chúng nếu cần thiết. Theo thỏa thuận AUKUS, nếu Úc mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, Úc có thể từ vùng chiến hào nước sâu an toàn ở phía đông Philippines sử dụng tên lửa chống hạm tầm bắn xa 2000 km để tấn công quân đội ĐCSTQ trong khu vực eo biển Đài Loan mà không bị phát hiện.

Ngoài ra, Úc nên xem xét thảo luận với Washington để phong tỏa eo biển hẹp ở Đông Nam Á nhằm chặn các hoạt động thương mại ở nước ngoài của ĐCSTQ, bởi 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cần phải đi qua eo biển Malacca. Đối với Úc đây sẽ là một vai trò quân sự độc lập quan trọng, sẽ giảm thiểu được tổn hại trong một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung.

Mặc dù cuốn vào cuộc chiến tranh eo biển Đài Loan không phải lợi ích chiến lược của Úc, nhưng sẽ không có lợi cho Úc nếu Mỹ thua và các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Úc cũng không có lợi gì khi chứng kiến ​​nền dân chủ sôi động của Đài Loan bị phá hủy bởi sự chiếm đóng quân sự tàn bạo của quân đội ĐCSTQ.

Ngôn luận chiến tranh Mỹ-Trung đang quá nóng

Trang web tin tức quân sự Defense One đã đăng một cuộc phỏng vấn độc quyền với Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, ông cho rằng Mỹ và Trung Quốc không ở “bên bờ vực chiến tranh”, ý tưởng về một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên “quá nóng”.

Ông cho hay, “Quả thực có khả năng tồn tại một số sự kiện ngoài tầm kiểm soát có thể vô tình làm leo thang xung đột, nhưng tôi không nghĩ đó là khả năng cao vào lúc này. Tôi cho rằng vấn đề ngôn luận (chiến tranh Mỹ – Trung Quốc) đang nóng quá thực tế. Mỹ có trách nhiệm đảm bảo một quân đội rất mạnh để Bắc Kinh biết và tin tưởng rằng Mỹ sẽ sử dụng lực lượng này để tấn công nếu cần thiết”.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại cuộc họp báo ngày 6/6 của Trung tâm Phóng viên Nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao ở New York, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth tuyên bố rằng cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn có một cuộc xung đột, vì không phù hợp lợi ích của cả hai bên.

Ông Wormuth nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục chú ý đến hành vi cưỡng ép của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó sẽ liên tục tăng cường khả năng răn đe để khiến các nhà lãnh đạo ĐCSTQ nhận ra việc tấn công Đài Loan bằng vũ lực là thất sách. Thông qua một loạt các cuộc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương, quân đội Mỹ có thể đưa quân đội vào khu vực dễ dàng; thể hiện cách tiến hành các hoạt động tấn công liên hợp trên không; sử dụng HIMARS, pháo binh và các hệ thống khác trong các cuộc tập trận quân sự để chứng minh quân đội Mỹ có thể hợp tác với các đồng minh và các đối tác như thế nào để tăng cường khả năng răn đe. Cách tốt nhất để tránh chiến tranh là quân đội Mỹ phải chứng tỏ rằng họ có thể chiến thắng bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra. Nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh, Bắc Kinh không chỉ phải đối mặt với Mỹ mà còn là liên minh của nhiều nước.