Nga đang yêu cầu Ukraine giao nộp tất cả những người trong nước này mà Moscow nghi ngờ là khủng bố, gồm cả lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine, ông Vasily Malyuk. Moscow cũng đề nghị Kyiv phải lập tức dừng hỗ trợ bất kỳ hành động liên quan nào mà các cá nhân và các nhóm như vậy thực hiện, theo Bộ Ngoại giao Nga loan báo hôm Chủ nhật (31/3).

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ đã chính thức liên lạc với Kyiv để chuyển những yêu cầu theo Công ước Quốc tế về Trấn áp Đánh bom khủng bố và Công ước Quốc tế về Trấn áp Cấp tiền cho Khủng bố đã được Liên Hiệp Quốc thông qua. Những yêu cầu của Nga gồm cả việc “bắt giữ ngay lập tức và dẫn độ” tất cả các nghi phạm mà Moscow đã xác định và có liên quan đến những cuộc tấn công khủng bố vào Nga gần đây.

Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng cuộc tấn công chết chóc vào Crocus City Hall “gây sốc cho toàn thế giới cho đến nay, không phải là vụ tấn công khủng bố đầu tiên mà đất nước chúng tôi phải hứng chịu trong thời gian gần đây”.

Các cuộc điều tra do các cơ quan có thẩm quyền của Nga thực hiện chỉ ra rằng các dấu vết của những tội ác này chỉ dẫn tới Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ngoài vụ tấn công vào nhà hát ở ngoại ô Moscow tối 22/3 khiến ít nhất 144 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, Bộ Ngoại giao Nga cũng viện dẫn về những vụ việc khác như hành vi ám sát blogger quân sự Maksim Fomin (nổi tiếng với bút danh Vladlen Tatarsky), vụ đánh bom gây chết người vào Cầu Crimea, cũng như những vụ bố ráp xuyên biên giới gần đây vào Khu vực Belgorod và những vụ việc ở những nơi khác mà Kyiv gán cho Đạo quân Tình nguyện người Nga (RDK). Tổ chức RDK bán quân sự tự quảng cáo là nhóm tập hợp những người Nga hợp tác với Ukraine và RDK đã bị Moscow liệt vào danh sách khủng bố.

Ngoài nêu đích danh lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), ông Vasily Malyuk là nghi phạm khủng bố, Bộ Ngoại giao Nga không tiết lộ thêm bất kỳ cái tên nào khác mà họ đang yêu cầu Kyiv bắt giữ và dẫn độ.

Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng ông Vasily Malyuk “hôm 25/3 đã thừa nhận một cách cay độc rằng Ukraine đã tổ chức đánh bom Cầu Crimea vào tháng 10/2022 và đã tiết lộ chi tiết về việc tổ chức các vụ tấn công khủng bố khác vào Nga”.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng, việc không đáp ứng các yêu cầu của Nga sẽ cấu thành hành vi vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Ukraine về tôn trọng cuộc chiến chống khủng bố và “sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế”.

Việc Ukraine vi phạm các nghĩa vụ theo các công ước chống khủng bố sẽ dẫn đến nước này phải chịu trách nhiệm theo các điều luật quốc tế”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố quốc tế là trách nhiệm của mọi quốc gia. Phía Nga yêu cầu rằng chế độ Kyiv hãy lập tức dừng bất kỳ hỗ trợ nào cho các hoạt động khủng bố, giao nộp những kẻ thủ ác, và đền bù thiệt hại đã gây ra cho những nạn nhân”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

SBU đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Nga, gọi đó là “vô nghĩa” và nhấn mạnh rằng Bộ Ngoại giao Nga “đã quên mất” rằng lãnh đạo Điện Kremlin Vladimir Putin đang bị truy nã quốc tế.

Ông Putin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã về tội cưỡng bức trẻ em Ukraine sang Nga.

SBU của Ukraine nói rằng những yêu cầu của Nga “là đặc biệt yếm thế đến từ chính nhà nước khủng bố… do đó, mọi lời lẽ từ Bộ Ngoại giao Nga đều là vô nghĩa”.

Các nhà điều tra Nga tuần trước nói rằng họ đã phát hiện bằng chứng cho thấy những tay súng tấn công vào nhà hát ở ngoại ô Moscow hôm 22/3 là có liên quan đến “các công dân Ukraine”. Kyiv đã bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào đến vụ tấn công chết chóc đó.

Các cơ quan thông tấn Nga hôm Chủ nhật (31/3) dẫn lời ông Alexander Bastrykin – lãnh đạo Ủy Ban Điều tra, cơ quan điều tra hình sự quan trọng nhất của nhà nước Nga, nói rằng công việc đang được tiến hành để xác định ai đứng sau vụ tấn công vào nhà hát Crocus City Hall.

Hải Đăng (T/h)