Các luật sư và nhóm nhân quyền đã tổ chức một cuộc họp báo mô tả sự vô nhân đạo của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi cưỡng chế trục xuất những người đào thoát Bắc Triều Tiên.

Bac Trieu Tien
Vào ngày 23/10, các luật sư Hàn Quốc và đại diện các nhóm nhân quyền của người đào thoát Bắc Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài tại Trung tâm Tin tức Hàn Quốc, kêu gọi ĐCSTQ ngừng cưỡng chế hồi hương những người đào thoát Bắc Triều Tiên. Luật sư Kim Tae-hoon (giữa) cầm ảnh của người đào thoát Bắc Triều Tiên bị trục xuất Kim Sun-hyang. (Ảnh: An Jing / Epoch Times)

Hôm 23/10, luật sư Kim Tae-hoon, Chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Hàn Quốc; ông Kim Sung-min, đại diện của Đài phát thanh Triều Tiên Tự do (Free North Korea Radio); ông Choi Jung-hoon, đại diện của Hội liên hiệp Bảo vệ tự do (Ulchi Freedom Guardian), và người đào thoát Bắc Triều Tiên Ji Myung-hee đã tổ chức một cuộc họp báo truyền thông nước ngoài tại Trung tâm Tin tức Hàn Quốc.

Ông Kim Tae-hoon, người tập trung vào vấn đề bảo vệ nhân quyền ở Triều Tiên trong nhiều năm, cho biết: “Hôm 9/10, Trung Quốc bất ngờ trục xuất hồi hương hơn 600 người đào thoát Triều Tiên sau Thế vận hội châu Á, và sẽ tiếp tục hồi hương những người còn lại. Chúng tôi chấp nhận ủy thác khẩn cấp từ người thân của họ, và đệ trình thư thỉnh nguyện lên Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hiện đang họp ở New York.”

Trước đó, nhóm nhân quyền “Liên minh Chính nghĩa Bắc Triều Tiên” ở Hàn Quốc cho biết vào khoảng 8h tối ngày 8/10, hơn 600 người đào thoát Triều Tiên đã bị ĐCSTQ bắt giữ ở Cát Lâm và Liêu Ninh, bị đưa lên xe tải cưỡng chế trục xuất hồi hương về Bắc Triều Tiên qua các cửa khẩu như Hồn Xuân, Đồ Môn, Đan Đông.

Cô Kim Sun-hyang, một người đào thoát Bắc Triều Tiên hiện đang bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm, đã trốn sang Trung Quốc từ thành phố Hyesan, tỉnh Yanggang, Bắc Triều Tiên vào tháng 3/2016. Sau đó cô bị bán đến vùng nông thôn Trung Quốc và bị ép lấy một người đàn ông người Hoa, sinh 2 con một trai, một gái. Tháng 5 năm ngoái, khi đang bán cá ở thành phố Đan Đông để kiếm sống, cô đã bị ĐCSTQ bắt giữ vì vi phạm luật phòng chống dịch bệnh.

Kim Sun-hyang bị giam trong tại Liêu Ninh trong 16 tháng, đầu tháng 10 năm nay, cô và hơn 70 người đào thoát Bắc Triều Tiên bất ngờ bị đưa đến Trại giam Bạch Sơn ở Cát Lâm. Số người đào thoát Bắc Triều Tiên bị giam giữ ở đó tăng từ khoảng 280 lên hơn 350. Hôm 9/10, hơn 180 người trong số họ đã bị trục xuất về Bắc Triều Tiên, Kim Sun-hyang sợ mình cũng sẽ bị trục xuất nên đã báo tin cho dì của mình, người đã đến Hàn Quốc thông qua người quen của chồng cô ở Hàn Quốc, với hy vọng tìm cách thoát khỏi nguy cơ bị trục xuất. Dì của cô đã ủy quyền cho đại diện của các nhóm nhân quyền Bắc Triều Tiên đệ trình thư thỉnh nguyện lên Liên Hợp Quốc và các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Dì của Kim Sun Hyang nói qua thư thỉnh nguyện: “(Các trung tâm giam giữ Trung Quốc) hiện cấm hoàn toàn những người đào thoát Bắc Triều Tiên bị giam giữ nhận thực phẩm và thuốc men do gia đình họ gửi đến. Nghe nói rằng đó là do họ sắp bị trục xuất… Tôi khẩn thiết kêu gọi ngăn chặn việc trục xuất bằng mọi giá. Những người đào thoát Bắc Triều Tiên, xin hãy giúp họ sống sót.”

Luật sư lên án hành động của ĐCSTQ: Không kém gì Hamas

Ông Kim Tae-hoon chỉ ra: “Đây không phải là vấn đề cá nhân của cô Kim Sun-hyang… Mặc dù không thể biết con số cụ thể nhưng hiện có hơn 117 người đào thoát Bắc Triều Tiên trong Trại giam Bạch Sơn, nơi giam giữ cô Kim Sun-hyang. Do đó, cộng thêm những người ở 5 trung tâm giam giữ những người đào thoát Bắc Triều Tiên còn lại, thì con số rất lớn và tất cả họ đều phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng chế trục xuất.”

Ông nói một cách tiếc nuối: “Bây giờ cả thế giới đang chú ý đến cuộc chiến giữa Hamas và Israel. Có khoảng 150 con tin bị Hamas bắt giữ, nhưng những người này (bị ĐCSTQ bắt giữ) có thể lên tới hơn 2.000 người, hơn 600 người đã bị cưỡng chế trục xuất hồi hương, đây là một tội ác lớn không kém gì Hamas! Vì vậy, chúng ta cần mạnh mẽ lên án và tố cáo hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Những người đào thoát Triều Tiên bị tra tấn vô nhân đạo

Tại cuộc họp báo, Ji Myung-hee, một người bị ĐCSTQ cưỡng chế trục xuất về Bắc Triều Tiên, kể lại trải nghiệm của mình với tư cách là nhân chứng: “Tôi đã hai lần trải qua sự đối xử vô nhân đạo của chính quyền Bắc Triều Tiên và Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ), và cuối cùng lần thứ 3 tôi đã đào thoát thành công đến Hàn Quốc vào năm 2016 và được tự do.”

“Năm 1996, chồng tôi qua đời vì bệnh, tôi phải một mình nuôi 2 con trai. Tôi phải chật vật để dành dụm một số tiền trong khi bị cưỡng chế lao động. Tuy nhiên, vào ngày 30/11/2009, Bắc Triều Tiên đã tiến hành Cải cách tiền tệ bắt buộc, số tiền mà tôi vốn có thể mua được 1470 kg gạo, nhưng đến năm thứ hai thì chỉ mua được 19 kg, điều này khiến tôi hoàn toàn tuyệt vọng, nên tôi rời khỏi các con vào tháng 7/2010, đồng thời hứa rằng sau khi đứng vững ở bên ngoài thì sẽ quay lại đón chúng. Đó là lần đầu tiên tôi đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên.”

“Tôi quen một người môi giới ở Trường Xuân, Trung Quốc, người này có thể đưa tôi đến Hàn Quốc, nhưng trong lúc học Kinh Thánh, một người đã tố cáo tôi. Tôi bị cảnh sát mật của Cục An ninh Quốc gia ĐCSTQ bắt giữ vào ngày 13/10/2010. Họ cấm tôi ngủ suốt 3 ngày, họ bắt tôi ngồi trên ghế và thẩm vấn, sau đó đưa tôi đến Trại giam Bạch Sơn.”

“Tôi bị giam trong phòng cách ly một mình, chỉ được ăn một miếng bánh ngô hấp mỗi sáng và tối, và một bát bột ngô cho bữa trưa. Cảnh sát bắt chúng tôi giặt quần áo hàng ngày, có cảnh sát thậm chí còn lấy quần áo của vợ họ mang đến cho chúng tôi giặt, họ không coi chúng tôi như con người.”

Sau khi bị giam giữ tại Trại giam Bạch Sơn khoảng một tháng, Ji Myung-hee bị chuyển đến đồn canh gác ở biên giới Trung Quốc. Cô nhớ lại: “Nơi đó đúng là không phải để người ở. Trong 70 ngày, chúng tôi chỉ có 1 cơ hội để rửa mặt. Trong phòng giam có một cái xô cũ, đó là nhà vệ sinh của chúng tôi, xô chứa đầy phân thì mới có thể đổ, mùi hôi thối tràn ngập phòng giam. Chúng tôi chỉ có thể được ăn một hai bữa mỗi ngày, toàn là đồ ăn thừa của quân nhân.”

“Tình cảnh khi đó vô cùng bi thảm, tôi nghĩ, ‘nếu mình bị bệnh, vào bệnh viện liệu có thoát được không?’ Thế là tôi gom tóc và bụi trong một tháng, gói vào khăn giấy rồi ăn. Sau một khoảng thời gian, tôi bị đau bụng dữ dội, tôi nói với các quân nhân, nhưng họ giống như không nghe thấy, hơn nữa, khi các cô bé khóc trong phòng giam, các quân nhân nghe thấy phiền quá nên họ cầm dùi cui điện vào để đánh. Chuyện này xảy ra thường xuyên.”

Gần 3 tháng sau khi bị bắt ở Trung Quốc, Ji Myung-hee bị cưỡng chế trục xuất trở lại nơi tập trung của Sở An ninh tỉnh Yanggang ở Bắc Triều Tiên, nơi cô phải chịu thêm một đợt tra tấn khác: “Người bình thường có thể không tưởng tượng được rằng, từ ‘cưỡng chế trục xuất hồi hương’ đáng sợ như thế nào đối với chúng tôi.”

“Đến nơi tập trung, vì không có nhân viên nữ nên họ bảo một người phụ nữ trung niên ở căng tin đưa tay vào tử cung của chúng tôi mà không đeo găng tay để xem có giấu tiền không. Trong cuộc thẩm vấn ngày hôm sau, những người có quan hệ với Hàn Quốc đã bị tra tấn dã man, họ nói rằng nếu đánh chúng tôi bằng tay thì tay họ sẽ rất đau, cho nên họ xỏ giày da vào tay và đánh vào mặt chúng tôi, dùng gậy đánh vào tay chân chúng tôi … Họ đánh đến nỗi tôi toát mồ hôi, mặt và mắt đỏ bừng, đến nay trên đầu và chân vẫn còn vết lõm…”

“Nếu bị bắt quả tang đang nói chuyện trong phòng giam, thì sẽ bị kéo đến song sắt, họ bắt chúng tôi phải há miệng và họ nhổ nước bọt vào.”

Cô nghẹn ngào khi kể lại: “Trước cửa sổ phòng giam có một cái cây lớn, thỉnh thoảng chúng tôi còn nghe thấy tiếng chim sẻ hót líu lo. Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ sự tự do tự tại của những chú chim sẻ đó, có thể đi đến nơi chúng muốn. Những cô bé trong phòng giam như Young Soon, Eun Kyung, Young Ran, Jung Ae … đều bị bắt vào đó vì tìm con đường sống bằng cách đào thoát.”

Cô cũng nói thêm: “Sau khi bị đưa về Bắc Triều Tiên, khi bị thẩm vấn, chúng tôi nghe người khác nói rằng có một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Với mỗi người đào thoát mà Trung Quốc giao cho, Triều Tiên sẽ đưa cho Trung Quốc một lượng gỗ nhất định – bởi vì không có tiền.”

Sau 50 ngày bị tra tấn, Ji Myung-hee kiên trì nói rằng chỉ định sang Trung Quốc để kiếm tiền và không có ý định sang Hàn Quốc, cuối cùng không bị đưa vào trại tù chính trị mà bị giao cho Cục An ninh và bị giam tại Trại cải huấn Khai Xuyên, bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong 2 năm.

Sau khi trải qua tất cả những điều này, cô quyết tâm không để các con tiếp tục sống ở Bắc Triều Tiên nên đã vượt sông Áp Lục một lần nữa và đến Hàn Quốc vào năm 2016. Năm 2019, cô liều mạng giúp hai con trai trốn thoát khỏi miền Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc, bây giờ các con trai của cô đã được đoàn tụ với cô, họ cùng sống ở Seoul.

Cô nói: “Hiện tại, khoảng 35.000 người đào thoát Bắc Triều Tiên đã đến Hàn Quốc, vì vậy số người bị giam giữ trong các trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên có thể gấp mấy lần con số đó. Họ vẫn đang phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo, làm nhục, lạm dụng, ngược đãi, tra tấn, thậm chí là mất mạng.”

Ji Myung-hee cuối cùng kêu gọi:

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi vô nhân đạo của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ), biết thực tế bi thảm như vậy, nhưng lại bắt giữ nhiều người đào thoát Bắc Triều Tiên và cưỡng bức trục xuất họ trở lại Bắc Triều Tiên… Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế và tất cả những người tốt bụng trên khắp thế giới hãy quan tâm và ủng hộ chúng tôi để ngăn chặn hành động vô nhân đạo này xảy ra lần nữa”.

Mong Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc không trục xuất người đào thoát Bắc Triều Tiên

Đại diện của Đài phát thanh Triều Tiên Tự do và là cũng người đào thoát Triều Tiên Kim Sung-min, từng bị ĐCSTQ trục xuất về Bắc Triều Tiên và sau đó lại bỏ trốn, nói trong cuộc họp báo ngày hôm đó: “Hôm nay tôi ngồi đây với tư cách là đồng khởi kiện và cũng đã chấp nhận việc ủy thác từ 23 nhóm nhân quyền từ Tổng liên đoàn các nhóm nhân quyền Bắc Triều Tiên.”

Ông nhấn mạnh: “Những người đào thoát Bắc Triều Tiên ở nước ngoài mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc (ĐCSTQ) ngừng cưỡng chế trục xuất những người đào thoát Bắc Triều Tiên trở về nước. Để đạt được yêu cầu này, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng… Để cho mọi người biết về chính sách cưỡng chế trục xuất hồi hương mà ĐCSTQ đang áp dụng là sai lầm như thế nào.”

Ông Kim Sung-min chỉ ra rằng để ĐCSTQ dừng trục xuất hồi hương những người đào thoát Bắc Triều Tiên, họ đã thử mọi cách có thể nghĩ ra được, “bao gồm hàng triệu hoặc hàng chục triệu chữ ký yêu cầu công nhận tình trạng tị nạn của những người đào thoát Bắc Triều Tiên, hoặc tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc (ĐCSTQ) và kêu gọi các lãnh đạo ĐCSTQ như Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình… nhưng vô ích.”

Ông cho rằng chỉ còn 3 lựa chọn cho những người đào thoát Triều Tiên: “Chúng tôi nghĩ cách tốt nhất hiện nay là Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mạnh mẽ yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc dừng trục xuất hồi hương những người đào thoát Bắc Triều Tiên, vì họ cũng là công dân Hàn Quốc; thứ hai là trong tình huống thực sự không còn cách nào khác, những người đào thoát Bắc Triều Tiên có thể tự thiêu trước Đại sứ quán Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải hành động; thứ ba, hàng chục người đào thoát Bắc Triều Tiên lên kế hoạch tìm Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc và yêu cầu loại Trung Quốc khỏi danh sách… Bây giờ những người đào thoát Bắc Triều Tiên Chúng tôi đã chuẩn bị làm như vậy rồi.”

Ông cũng kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc nhận thức được tính cấp bách của tình hình hiện tại và chuyển thông tin trên tới Trung Quốc.

Ông Kim Sung-min nói: “Những người đào thoát Triều Tiên sẽ chết nếu bị bắt, thậm chí họ có thể phải đối mặt với một tình huống còn đáng sợ hơn cả cái chết. Nhiều người đào tẩu mà tôi biết đã nói như vậy, vì để anh em của họ không chịu đau khổ, họ dùng mọi hành động, không có việc gì là không làm”, “dù dùng phương pháp nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải yêu cầu Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt hành vi vô nhân đạo, phản nhân loại này và ngừng giao dịch với Triều Tiên, đưa người đào thoát Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc.”