Theo Reuters, hàng trăm người đã rời khỏi các thị trấn và thành phố của Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước và đang trú ẩn tại các khu vực do lực lượng dân quân kiểm soát ở biên giới Thái Lan. Thái Lan đang báo động để chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn được dự báo sẽ dâng cao trong thời gian tới.

Embed from Getty Images

Một quan chức của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), đơn vị đã chiến đấu với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ, cho biết gần một nghìn người đang trú ẩn bên trong lãnh thổ do KNU kiểm soát.

Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 217 người trong cuộc đàn áp chống lại phe phản đối cuộc đảo chính, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một nhóm dân quyền ở Myanmar.

“Hàng trăm người hiện đang ở trong khu vực của chúng tôi,” 

Padoh Saw Taw Nee, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của KNU, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng đang có hàng trăm người ở trong khu vực do họ quản lý. “Một số là lãnh đạo các vụ đình công, một số tham gia phong trào bất tuân dân sự, ngoài ra còn có nhân viên chính phủ, cảnh sát và quân đội đào ngũ, một số nghị sĩ (thành viên Quốc hội) và bác sĩ.”

Ông cho biết một số ít hơn cũng đã tìm nơi trú ẩn xa hơn về phía bắc tại biên giới với bang Shan, trong khu vực do một lực lượng dân quân dân tộc khác kiểm soát.

Hơn hai chục nhóm vũ trang dân tộc đang hoạt động ở các vùng biên giới của Myanmar, và KNU là một trong số những nhóm đã lên án cuộc đảo chính và thề sẽ ủng hộ cuộc kháng chiến.

Ông Padoh Saw Taw Nee cho biết một thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ trước cuộc đảo chính đã không thành hiện thực.

Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ phong trào bất tuân dân sự và cuộc biểu tình của người dân, đồng thời lặp lại lời kêu gọi biến Myanmar trở thành một liên bang dân chủ.”

Các nhà chức trách Thái Lan đang chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn gia tăng và đã dành các khu vực để tạm trú cho hơn 43.000 người ở quận Mae Sot, theo kế hoạch được Reuters đưa tin.

Đại tá quân đội Thái Lan Prasan Henprasert cho biết các cuộc tuần tra biên giới đã được tăng cường.

Ông nói: “Nếu có đụng độ thì chúng tôi phải đánh giá tình hình và chuẩn bị các khu vực [cho người tị nạn]. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, nhiều người có thể băng qua và quay lại khi tình hình an toàn hơn vì họ có nhà ở đó.”

Ngoài Thái Lan, Ấn Độ cũng là nơi đang thu hút hàng trăm người tị nạn Myanmar, gồm cả cảnh sát, lính cứu hỏa. 

Hôm 15/3, một cảnh sát Ấn Độ cho biết đã có hơn 400 người từ Myanmar đi sang nước láng giềng Ấn Độ kể từ cuối tháng Hai.

Các cảnh sát Myanmar tị nạn nói rằng họ đã bỏ trốn vì lo sợ bị đàn áp sau khi từ chối tuân theo lệnh bắn người biểu tình của quân đội.

Chính phủ liên bang của Ấn Độ đã ra lệnh cho chính quyền địa phương ngăn chặn dòng người, nhưng địa hình núi non khiến việc tuần tra trở nên khó khăn.

Lê Xuân (tổng hợp từ Reuters)

Xem thêm: