Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada hôm thứ Bảy (22/4) đã ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị bắn hạ một vệ tinh do thám của Triều Tiên nếu nó rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.

Embed from Getty Images

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ông Hamada đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẵn sàng chuẩn bị vì ông có thể “ra lệnh phá hủy tên lửa đạn đạo”.

Công tác chuẩn bị bao gồm sắp xếp triển khai quân đội tới tỉnh Okinawa phía nam để “giảm thiểu thiệt hại nếu một tên lửa đạn đạo rơi”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết công tác chuẩn bị cho kế hoạch phóng vệ tinh do thám đầu tiên của nước này nên được tiến hành để chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc, truyền thông nhà nước KCNA đưa tin hôm thứ Tư.

Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh quân sự này là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm nâng cao công nghệ giám sát để cải thiện khả năng tấn công các mục tiêu trong trường hợp xảy ra xung đột.

Triều Tiên hồi tháng 12 đã tiến hành cái mà nước này gọi là thử nghiệm “giai đoạn cuối” quan trọng đối với vệ tinh do thám và cho biết sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ phóng vào tháng 4. Vào thời điểm đó, nước này đã công bố những hình ảnh đen trắng nhiễu hạt về thủ đô Seoul của Hàn Quốc mà họ tuyên bố là đã được chụp trong quá trình thử nghiệm.

Trong chuyến thăm cơ quan vũ trụ chính thức hôm thứ Ba, ông Kim đã nói với các quan chức cần đảm bảo rằng vụ phóng diễn ra đúng thời hạn, đồng thời ra lệnh phóng thêm một loạt vệ tinh do thám, hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết.

KCNA cho biết việc sản xuất vệ tinh đã hoàn tất nhưng không nêu chi tiết thời điểm phóng.

Ông Kim nói rằng việc Triều Tiên phát triển khả năng răn đe quân sự là điều “tự nhiên”, đồng thời chỉ trích việc triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ trong khu vực là một nỗ lực “biến Hàn Quốc thành một căn cứ tiên tiến để gây hấn và một kho vũ khí cho chiến tranh”.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết ngay cả khi Bình Nhưỡng gọi đó là vệ tinh, bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên liên quan đến công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Một bức ảnh truyền thông nhà nước cho thấy ông Kim, cùng với con gái, nói chuyện với các quan chức trước một hình ảnh vệ tinh bị mờ.

Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa và vũ khí trong những tháng gần đây, gần đây nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới. 

Vào tháng 12, năm máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào lãnh thổ Hàn Quốc và Seoul đã phản ứng bằng cách gửi máy bay giám sát tới miền Bắc để chụp ảnh quân đội của họ.

Kim Dong-yup, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cho biết Triều Tiên muốn sử dụng vệ tinh để thử và bảo mật thông tin thời gian thực cần thiết để tấn công mục tiêu khi huy động tên lửa và các hệ thống phóng hạt nhân khác.

Triều Tiên đã nhiều lần phóng vệ tinh “quan sát trái đất”, trong đó có hai lần dường như chúng đã được đưa lên quỹ đạo thành công, bao gồm cả lần mới nhất vào năm 2016.

Các nhà quan sát quốc tế cho biết vệ tinh dường như đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn tranh luận về việc liệu nó có gửi bất kỳ tín hiệu nào hay không.

Xuân Lan (t/h)