Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao, ông Joe Biden hôm thứ Năm (4/2) đã cảnh báo Nga rằng Mỹ sẽ không ngần ngại “quay lưng” với Moscow và bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Ông cũng yêu cầu chính quyền Putin phải thả ngay lập tức và vô điều kiện lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.

Embed from Getty Images

Theo Newsmax, trong tuyên bố tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/2, ông Biden nói rõ rằng về quan hệ với Tổng thống Nga Putin, ông sẽ có cách tiếp cận rất khác so với vị tổng thống tiền nhiệm. Ông Biden khẳng định những ngày mà Hoa Kỳ làm ngơ khi Nga có những hành động gây hấn, can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ, thực hiện tấn công mạng, đầu độc công dân của họ, đã kết thúc.

Ông Biden nói: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại quay lưng với Nga và bảo vệ các lợi ích quan trọng của chúng ta và nhân dân ta, và chúng tôi sẽ ứng phó hiệu quả với Nga thông qua việc làm việc trong liên minh và hợp tác với các đối tác có cùng suy nghĩ”.

Ông Biden cũng đã kêu gọi chính phủ Nga lập tức thả lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng này tháng trước đã bị bắt tại Moscow và bị kết án hơn 2 năm tù giam. Năm ngoái, ông Navalny đã bị đầu độc và phải chữa trị nhiều tháng tại Đức. Ông cáo buộc chính quyền Putin đứng sau vụ đầu độc này.

Mr. Navalny, cũng như tất cả công dân Nga, được trao quyền theo hiến pháp Nga”, ông Biden nói và cho biết thêm rằng: “Ông [Navalny] đã bị nhắm mục tiêu vì ông phơi bày tham nhũng. Ông nên được thả ngay lập tức và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”.

Việc chính quyền Putin bắt giữ ông Navalny đã đang làm bùng phát các cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Nga trong hai tuần qua. Cảnh sát nga đã bắt giữ hàng nghìn người biểu tình, theo CNBC.

Ông Biden nói thêm: “Những nỗ lực của Nga nhằm trấn áp tự do biểu đạt và hội họp hòa bình là vấn đề rất đáng quan tâm đối với chúng ta và cộng đồng quốc tế”.

Cũng trong bài phát biểu kéo dài khoảng 20 phút về chính sách ngoại giao Mỹ, ông Biden đã loan báo một loạt các biện pháp đối ngoại ông sẽ thực thi, từ việc tạm dừng rút binh lính Mỹ khỏi Đức, kết thúc hỗ trợ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến tới Yemen, đến lên án đảo chính tại Myanmar và cách tiếp cận với Trung Quốc.

Như để ám chỉ chính quyền mới sẽ có cách tiếp cận khác nghị trình “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, ông Biden đã nói rằng Washington đã bắt đầu “xây dựng lại các khối liên minh ngoại giao vốn đã bị xói mòn do 4 năm sao lãng và lạm dụng”.

Nước Mỹ sẽ trở lại. Thuật ngoại giao sẽ trở lại, nó sẽ là trung tâm của chính sách đối ngoại… Chúng ta sẽ chỉnh sửa lại các liên minh của mình và tham gia với thế giới một lần nữa”, ông Biden nói.

Để đương đầu với những trở ngại như đại dịch virus corona, và biến đổi khí hậu, ông Biden nói tất cả đều phải bắt đầu bằng thuật ngoại giao, ông gọi đó là “điều cơ bản”.

Về cách tiếp cận với Trung Quốc, ông Biden nói chính quyền của ông sẽ “đẩy lùi” các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh nếu đó là lợi ích của Mỹ để làm vậy”.

Về vụ quân đội đảo chính tại Myanmar hay còn gọi là Miến Điện, ông Biden nói: “Quân đội Miến Điện nên từ bỏ quyền lực mà họ vừa thâu tóm, thả tự do cho những người vận động, các nhà hoạt động và các quan chức mà họ vừa bắt giữ… và kiềm chế bạo lực”.

Bài phát biểu về chính sách ngoại giao của ông Biden lập tức gặp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia an ninh quốc gia, trong đó có học giả Benjamin H. Friedman.

Tờ The Epoch Times dẫn lời ông Benjamin H. Friedman – giám đốc chính sách tại tổ chức Defense Priorities và là trợ giảng tại Trường Ngoại giao Elliott trực thuộc Đại học George Washington – cho hay: “Hoa Kỳ không quay lại – nước này chưa bao giờ bỏ đi”.

Hoa Kỳ đã không từ bỏ bất kỳ liên minh nào – thực tế, các liên minh đã lớn mạnh hơn, với các lực lượng mới được điều tới Trung Đông phục vụ trong liên minh với Ả Rập Saudi, và [binh lính] cũng được điều tới Đông Âu”, ông Friedman nói thêm.

Như Ngọc

Xem thêm: