Ông chủ WikiLeaks Assange đã hoàn tất thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ, được trả tự do ngay tại tòa và lên máy bay trở về quê nhà là nước Úc.

trả tự do
Ông chủ WikiLeaks Assange. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Ông chủ WikiLeaks Julian Assange đã trình diện tại tòa án ở thành phố Saipan, Quần đảo Bắc Mariana thuộc lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông bước vào tòa án mà không đưa ra phát biểu nào với truyền thông.

Assange, 52 tuổi, nhận tội âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng bí mật của Mỹ. “Tôi thừa nhận phạm tội danh này”, ông nói trước tòa.

Ông Assange đạt thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 24/6, trong đó ông sẽ nhận tội danh trên để được tuyên mức án 62 tháng tù, đúng bằng khoảng thời gian ông đã ngồi tù ở London, giúp ông được trả tự do ngay tại tòa.

Assange sau đó được đưa khỏi nhà tù Belmarsh ở London, Anh để tới Saipan trình diện tòa. Ông Assange chọn tòa án này vì gần Australia và ông cũng không muốn tới lục địa Mỹ.

“Julian Assange đã được tự do. Ông ấy đã rời nhà tù Belmarsh ngay sáng 24/6, sau khi trải qua 1.901 ngày ở đây”, WikiLeaks thông báo.

Bà Stella, vợ của Assange, cho biết chồng mình đã trở thành người tự do và gửi lời cảm ơn những người đã vận động phóng thích ông suốt những năm qua.

Sau khi kết thúc phiên tòa hôm nay, ông chủ WikiLeaks lập tức lên máy bay trở về Canberra, Australia. WikiLeaks thông báo ông sẽ về nước trong vài giờ tới.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese hoan nghênh thỏa thuận nhận tội giữa Assange và Bộ Tư pháp Mỹ, nhưng nói rằng các thủ tục tố tụng này rất nhạy cảm và cần được tôn trọng, nên sẽ không bình luận thêm.

Thủ tướng Australia cho biết nước này đã sử dụng “tất cả kênh phù hợp” để hướng tới kết quả tích cực trong vụ án. Ông lưu ý rằng đại sứ Australia tại Mỹ Kevin Rudd đang đi cùng Assange.

“Vụ án của ông ấy đã kéo dài quá lâu. Việc tiếp tục giam ông ấy không mang lại lợi ích gì và chúng tôi muốn đưa ông ấy về nước”, Thủ tướng Australia cho hay.

WikiLeaks năm 2010 công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật của quân đội Mỹ về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.

Ông Assange bị Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump truy tố về tội làm lộ tài liệu bí mật của Mỹ, vi phạm Đạo luật Gián điệp. Ông đối mặt 18 tội danh và có thể bị kết án tù lên tới 175 năm nếu bị xét xử ở Mỹ.

Các công tố viên Mỹ và quan chức an ninh phương Tây coi Assange là “kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm với quốc gia”, cho rằng hành động của ông đe dọa tính mạng những đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange coi sáng lập viên WikiLeaks là nạn nhân của Mỹ vì vạch trần hành vi sai trái của nước này trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Assange bị bắt lần đầu ở Anh năm 2010 theo lệnh bắt giữ của châu Âu, sau khi chính quyền Thụy Điển muốn thẩm vấn ông về các cáo buộc tấn công tình dục. Assange phản đối, cho rằng cáo buộc này là cái cớ để giới chức dẫn độ ông sang Mỹ xét xử.

Khi kháng cáo tại tòa bất thành, ông chủ WikiLeaks vào ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador tại London, Anh, suốt 7 năm, nơi ông được cấp quy chế tị nạn. Năm 2019, giới chức Anh đạt thỏa thuận ngoại giao với Ecuador và tiến vào đại sứ quán bắt Assange, sau khi ông bị rút quy chế tị nạn.

Assange đã bị giam ở nhà tù Belmarsh trong gần 5 năm qua và tiến hành nỗ lực đấu tranh pháp lý với lệnh dẫn độ sang Mỹ, trước khi đạt thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp của Mỹ.

Phan Anh

Video: 5 đạo xử thế mang đến phúc đức lâu dài cho gia đình và gia tộc