Các nhà lãnh đạo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau vào ngày 4 tháng 9 tại thành phố Sochi, phía Nam nước Nga. Tại đây họ đã thảo luận về phát triển nông nghiệp, quan hệ song phương, và Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen đang bị đình trệ. 

Putin Erdogan 4 9
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Sochi, Nga vào ngày 4/9/2023. (Ảnh: Contributor/Getty Images)

Đã có những hy vọng rằng cuộc gặp giữa ông Putin và ông Erdogan sẽ mang đến đột phá cho thoả thuận ngũ cốc Nga – Ukraine đang bị đình trệ. Nhưng do hoàn cảnh địa chính trị phức tạp, những hy vọng này đã không thể thành hiện thực.

Tại cuộc họp báo chung sau buổi gặp mặt, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các nước phương Tây và Liên Hợp Quốc vẫn xem nhẹ những điểm trọng yếu của thỏa thuận ngũ cốc. 

 “Sự kết thúc của Sáng kiến Biển đen chắc chắn được thảo luận [tại cuộc gặp với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan]”, nhà lãnh đạo Nga cho biết. 

“Nhưng các nước phương Tây vẫn từ chối đáp ứng các yêu cầu của Nga – cụ thể là việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của Nga”, ông Putin nói tiếp. 

Thỏa thuận ngũ cốc Nga – Ukraine được ký kết vào năm ngoái nhờ sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua Biển Đen dù cho giao tranh đang diễn ra.

Trước khi hết hạn, thỏa thuận này đã cho phép Ukraine xuất khẩu hơn 30 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen tới khách hàng quốc tế.

Giống như Nga, Ukraine là một trong số những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. 

Nhưng vào giữa tháng Bảy, Nga đã ngừng tham gia thỏa thuận khi không đồng ý tiếp tục gia hạn với lý do các nước phương Tây đã không tuân thủ các phần quan trọng của thỏa thuận.

Phát biểu tại Sochi, ông Erdogan cho biết sáng kiến ​​ngũ cốc nên được phục hồi “bằng cách khắc phục những thiếu sót của nó”.

Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Liên Hợp Quốc, đã chuẩn bị một “gói các đề xuất mới” nhằm kích hoạt lại thỏa thuận.

Ông Erdogan nói: “Tôi tin rằng chúng tôi có thể tìm ra giải pháp trong ngắn hạn và sẽ đáp ứng được kỳ vọng.”

Chuyến thăm Nga của ông Erdogan được tháp tùng bởi một phái đoàn lớn bao gồm các bộ trưởng bộ ngoại giao, quốc phòng, năng lượng, công nghiệp và thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, cùng giám đốc tình báo của nước này.

Lần cuối cùng ông Putin gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ là vào tháng 10/2022, khi cả hai cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Á ở Kazakhstan.

Nga đưa ra các điều kiện

Theo Moscow, một phần quan trọng của thỏa thuận ngũ cốc – dưới hình thức một bản ghi nhớ được ký giữa Nga và Liên Hợp Quốc – chưa bao giờ được thực hiện thỏa đáng.

Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc đó kêu gọi dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Đồng thời nó cũng kêu gọi tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga với  mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.

Năm ngoái, Liên minh châu Âu đã ngắt ngân hàng này khỏi hệ thống SWIFT sau khi Nga xâm chiếm miền đông Ukraine.

Tại cuộc họp báo, ông Putin nhắc lại rằng nước ông sẵn sàng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc nếu các điều kiện nêu trong bản ghi nhớ được đáp ứng.

Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng xem xét việc khôi phục thỏa thuận… và sẽ thực hiện ngay lập tức sau khi các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga được dỡ bỏ”. 

Các quan chức phương Tây khẳng định rằng việc Nga rời khỏi thỏa thuận làm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu thêm trầm trọng và khiến các quốc gia nghèo bị thiếu hụt ngũ cốc.

Tuy nhiên, Moscow phủ nhận tuyên bố đó, cho rằng phần lớn ngũ cốc Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận này đã đến các thị trường giàu có ở châu Âu.

Tại hội nghị thượng của Nga-Châu Phi vào tháng Bảy, ông Putin đã cáo buộc phương Tây vừa cản trở xuất khẩu ngũ cốc của Nga vừa “đồng thời đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng lương thực thế giới”.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi được tổ chức tại thành phố St. Petersburg, ông Putin cũng đã công bố kế hoạch cung cấp các chuyến hàng ngũ cốc miễn phí từ Nga cho nhiều quốc gia châu Phi.

Phát biểu tại Sochi, ông Putin tuyên bố rằng ngũ cốc miễn phí của Nga sẽ bắt đầu được chuyển đến Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea “trong vòng hai hoặc ba tuần tới”.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bàn bạc một kế hoạch được thực hiện cùng với Qatar để gửi 1 triệu tấn ngũ cốc của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nói rằng số lượng ngũ cốc đó sẽ được chế biến thành bột trước khi được chuyển tiếp miễn phí tới các quốc gia nghèo.

Ông Erdogan cho biết: “Qatar đã xác nhận sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính cho kế hoạch Qatar-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cung cấp ngũ cốc của Nga — được chế biến thành bột — cho các nước nghèo”. 

Về kế hoạch này, ông Erdogan nói thêm rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ “sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết”.

‘Giai đoạn mới’ của mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Khi Nga phát động cuộc tấn công vào miền đông Ukraine vào đầu năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên lâu năm của NATO, đã lên án hành động này.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đang giảm thiểu ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có quan hệ thương mại sâu rộng và đường biên giới trên biển dài.

Dưới thời Tổng thống Erdogan, người hồi tháng Năm vừa giành được một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm nữa, Ankara luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow. Hơn nữa, ông Erdogan vẫn giữ quan hệ cá nhân tốt với người đồng cấp Nga.

Tại cuộc gặp mang tính bước ngoặt cách đây một năm ở Sochi, ông Putin và ông Erdogan đã ký một số thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và thương mại.

Vào tháng 10 năm 2022, ông Putin đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên của Nga trong khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn về khí đốt tự nhiên của Nga. Lượng khí đốt Ankara nhập từ Moscow hiện chiếm gần một nửa tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.

Ông Putin cũng đề nghị Nga muốn giúp đỡ xây dựng trung tâm phân phối ở Thổ Nhĩ Kỳ để tái xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước thứ ba, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Ông Erdogan chấp nhận đề xuất này và hai nước đã đồng ý bắt đầu xây dựng một trung tâm phân phối khí đốt ở khu vực Thrace phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ

Sau cuộc gặp mới nhất ở Sochi, cả hai nhà lãnh đạo đều xác nhận rằng kế hoạch nêu trên vẫn đang được thực hiện

Ông Putin nói: “Chúng tôi đã đạt được những tiến triển. Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán về việc thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn thành trong tương lai gần nhằm ổn định tình hình năng lượng trong khu vực”. 

Ông nói thêm: “Nga luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ loại nhiên liệu giá rẻ và thân thiện với môi trường này, chúng tôi hy vọng sẽ tái xuất khẩu – thông qua Thổ Nhĩ Kỳ- sang các nước thứ ba”. 

Phát biểu tại Sochi, ông Erdogan cho biết tổng thương mại hàng năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện ở mức 62 tỷ USD.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu chung là 100 tỷ USD, điều mà cả hai chúng tôi đều rất hài lòng”. Ông Erdogan tiếp tục khẳng định quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đang “bước vào một giai đoạn mới”.