Một số kênh truyền thông dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ vào tuần tới. Nguyên nhân vắng mặt có thể liên quan đến “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc gần đây.

Tap Can Binh
Ông Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 ở Nam Phi hôm 24/8/2023. (Nguồn ảnh: er-Anders Pettersson/Getty Images)

Các nguồn tin ở Ấn Độ và Trung Quốc nói với Reuters rằng không có lý do cụ thể nào cho sự vắng mặt của ông Tập. Nhưng động thái của ông Tập đã phá hỏng cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hoa Kỳ và ông mà ngoại giới mong đợi.

Hôm thứ Năm (31/8), ông Biden nói với các phóng viên ở Washington rằng ông hy vọng có thể gặp ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Lần cuối cùng ông Biden và ông Tập gặp mặt trực tiếp là tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Tập vắng mặt lần này cũng có thể là một đòn giáng mạnh vào nước chủ nhà Ấn Độ, nêu bật sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng lên nước láng giềng phía Nam này.

Gần đây nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, nên vị thế công xưởng của thế giới không được đảm bảo. Trong khi đó, Ấn Độ lại là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất, và đã trở thành điểm đến thay thế của các công ty đa quốc gia.

Hai quan chức Ấn Độ, một nhà ngoại giao ở Trung Quốc và một quan chức làm việc cho một chính phủ G20 khác cho biết, dự kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ​​sẽ tham dự cuộc họp từ ngày 9/9 – 10/9 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Theo Kyodo News, ông Lý Cường có thể cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông và Đông Nam Á tại thủ đô Jakarta, Indonesia, từ ngày 5-7/9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông không tới New Delhi, mà sẽ cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Hơn 3 năm qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng. Tháng 6/2020, binh lính của hai nước đã đụng độ tại biên giới Himalaya, khiến 24 người thiệt mạng.

Bà Farwa Aamer, Giám đốc các sáng kiến ​​Nam Á tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) ở New York, nói với Reuters rằng sự vắng mặt của ông Tập có thể được hiểu là Bắc Kinh miễn cưỡng nhường lại vị trí trung tâm cho Ấn Độ.

Bà nói, Trung Quốc không muốn Ấn Độ trở thành tiếng nói của miền Nam bán cầu, cũng không muốn Ấn Độ trở thành khu vực Himalaya đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 rất thành công lần này.

G20 được coi là cơ hội quan trọng giới thiệu Ấn Độ với thế giới. Vào tháng 8, Ấn Độ đã hạ cánh thành công lên mặt trăng, và tự quảng cáo mình là cường quốc đang lên với thị trường hấp dẫn, với nguồn đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tranh cãi về bản đồ

Một giả thuyết khác cho rằng ông Tập Cận Bình vắng mặt tại G20 do tranh chấp gần đây về bản đồ mới.

Ngày 28/8, Trung Quốc công bố “Bản đồ chuẩn 2023”, trong đó bao gồm Đài Loan, các đảo ở Biển Đông, tỉnh Arunachal và khu vực Aksai Chin, nơi Trung Quốc và Ấn Độ có tranh chấp lãnh thổ.

Ngày 29/8, thông qua các kênh ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Arindam Bagchi, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc lãnh thổ Ấn Độ bị vẽ vào lãnh thổ của Trung Quốc Đại Lục trong “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc.

Ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Philippines cũng tuyên bố phản đối việc bản đồ mới coi các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và một phần của Philippines như một phần lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng động thái này không có căn cứ luật pháp quốc tế.

Năm 2016, phần lãnh thổ tranh chấp giữa 2 nước đã được Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague phán quyết thuộc về Philippines.

Ngày 30/8 Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố không công nhận “tuyên bố đơn phương” của Trung Quốc.

Ngày 31/8, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng bày tỏ sự phản đối khi “Bản đồ tiểu chuẩn năm 2023” bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hội nghị APEC

Trong những tháng gần đây, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và các quan chức cấp cao khác của chính quyền Biden đã đến thăm Trung Quốc. Điều này làm tăng thêm kỳ vọng về cuộc gặp với ông Tập.

Các quan chức Trung Quốc và Mỹ cho biết, họ hy vọng sẽ sử dụng cuộc gặp của các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 ở San Francisco làm địa điểm tiềm năng chính cho chuyến thăm năm nay.

Kế hoạch tổ chức Hội nghị APEC và sự tham dự chính thức của các nhà lãnh đạo vẫn chưa được công bố.

Từ khi nhậm chức Chủ tịch nước vào năm 2013, ông Tập Cận Bình đã tham gia tất cả các Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tiếp ngoại trừ thời kỳ đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) năm 2021. Khi đó ông Tập chỉ tham dự qua video.

Tháng 10/2022, ông Tập Cận Bình đã phá tiền lệ và tái đắc cử Chủ tịch nước Trung Quốc, kể từ đó ông hiếm khi ra nước ngoài.

Tuần trước, ông Tập Cận Bình đã vắng mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nam Phi tại cuộc họp BRICS ở Nam Phi. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã đọc bài phát biểu dự kiến ​​của ông Tập.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc trò chuyện hiếm hoi với ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS, và nêu bật những lo ngại về tranh chấp biên giới giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.