Một nguồn tin của chính phủ Canada tiết lộ, trong cuộc hội đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau hơn ba năm, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nêu “mối quan ngại nghiêm trọng” về nghi ngờ có sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ của Canada.

“Sự can thiệp” mà thủ tướng Canada đề cập có khả năng ám chỉ đến một bài báo hôm 7/11 của giới truyền thông Canada, trích dẫn lời của các quan chức tình báo, cho biết họ nghi ngờ Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2019 ở Canada. Ngoài ra, hôm thứ Hai (14/11), một nhân viên của nhà sản xuất điện lớn nhất Canada đã bị cảnh sát bắt vì bị cáo buộc cố gắng đánh cắp bí mật thương mại cho Trung Quốc.

Nguồn tin chính phủ Canada cho hay, bên lề cuộc họp của Nhóm G20 trên đảo Bali của Indonesia, Thủ tướng Trudeau đã thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc về mối quan ngại của ông đối với “các hoạt động can thiệp” của Trung Quốc vào Canada. 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa chưa trả lời để xác nhận cuộc họp và nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Trudeau và là giáo sư về các vấn đề quốc tế của Đại học Ottawa, lưu ý: “Các cơ quan tình báo Canada, vốn thường kín tiếng trước công chúng, đã bày tỏ mối quan ngại của họ.”

“Đó là một vấn đề sẽ yêu cầu chính phủ Canada thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo nền dân chủ của Canada.”

Nguồn tin cho biết thêm, Thủ tướng Trudeau và ông Tập còn thảo luận về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Triều Tiên, và tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh tháng 12 sắp tới ở Montreal “để bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu” cũng như “tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại.”

Theo nguồn tin, một bức ảnh cho thấy hai nhà lãnh đạo Canada – Trung Quốc đối mặt nhau trong một căn phòng đông đúc và họ đã nói chuyện với nhau trong khoảng 10 phút. Điều đó cho thấy sự khác biệt khá lớn so với cuộc họp kín kéo dài ba tiếng rưỡi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập hôm thứ Hai (14/11).

Nhà phân tích chính sách Paris giải thích: “Chúng ta đang nói về mối quan hệ đã bị đóng băng sâu trong nhiều năm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi cuộc tiếp xúc cấp lãnh đạo đầu tiên [giữa hai nước] không phải là  cuộc gặp chính thức.”

Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã tăng cao kể từ khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc điều hành tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies vào năm 2018 theo yêu cầu của chính phủ Mỹ và sau đó Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách bắt giữ hai người Canada với tội danh gián điệp.

Mặc dù tình trạng bế tắc đã kết thúc khi cả ba người được trả tự do vào năm ngoái, nhưng mối quan hệ giữa hai nước vẫn không mấy tốt đẹp. Với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, Ottawa đã cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei vào tháng 5 và đầu tháng này chính phủ Canada đã yêu cầu ba công ty Trung Quốc thoái vốn khỏi các ngành khoáng sản quan trọng của Canada.

Thủ tướng Trudeau đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc lần cuối vào tháng 6/2019 bên lề một hội nghị G20 khác ở Osaka, Nhật Bản. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau 3 lần, một lần vào năm 2015 bên lề hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, hai lần khác trong các chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh của Thủ tướng Canada vào năm 2016 và năm 2017.

Chính phủ Canada đã sẵn sàng khởi động cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Canada Melanie Joly tiết lộ, sẽ thách thức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về biến đổi khí hậu và các mục tiêu chung khác.

Theo một thông báo, hôm thứ Ba (15/11), Thủ tướng Trudeau đã tiết lộ một yếu tố quan trọng trong chiến lược mới khi ông công bố một quỹ tài trợ trị giá 750 triệu đô la Canada (563,8 triệu đô la Mỹ)  trong ba năm bắt đầu từ năm 2023 – 2024 để giúp các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết.

Theo nguồn tin chính phủ Canada, Ngoại trưởng Joly cũng đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 15/11.

Gia Huy (theo Reuters)