“Chiến dịch phản công đã bắt đầu rồi. Nó sẽ triển khai trong vài tuần, thậm chí vài tháng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nó trong giới hạn chúng tôi tự định ra.” Đây là lời Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron nói cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm Thứ Hai (12/6), theo Politico đưa tin. Các nhà lãnh đạo 3 nước vừa có cuộc họp mặt ở Điện Elysee, với nội dung cuộc họp là vấn đề cung cấp vũ khí vào chiến trường Ukraine, một hành động được miêu tả là để “đảm bảo an ninh” cho chính quyền Kyiv.

  • Phe Ukraine công bố hình ảnh các vũ khí quân Nga bị quân Kyiv đánh hỏng (thông tin trên mạng xã hội không được kiểm chứng):

Sau khoảng hơn một tuần mở màn chiến dịch, quân Kyiv đã có được thông báo thắng lợi ban đầu với việc lấy lại được 7 ngôi làng (Nga thừa nhận 3), tuy nhiên phải trả giá cao về các thiết bị quân sự, trong đó xe tăng Leopard của Đức và xe chiến đấu Bradley của Mỹ có thể được nhìn thấy bị đánh hỏng từng cụm trong các video và hình ảnh từ chiến trường.

Như tin đã đưa, về phía Hoa Kỳ thì Lầu Năm góc đã lập tức chuẩn bị công bố gói viện trợ mới 325 triệu đô la để bổ sung cho những xe chiến đấu đã thiệt hại. Với tốc độ bị hỏng 15% xe Bradley chỉ trong đợt đầu, thì Hoa Kỳ buộc phải cung cấp xe bổ sung thật nhanh nếu muốn duy trì chiến dịch này ở Ukraine.

Không rõ phía đồng minh Châu Âu có quyết định tương tự hay không.

“Chúng tôi muốn [chiến dịch phản công] thắng lợi ở mức tốt nhất có thể, sao cho chúng tôi có thể bắt đầu cuộc đàm phán với tình trạng có ưu thế,” ông Macron nói tiếp.

Còn ông Duda bày tỏ niềm tin rằng với sự hỗ trợ của phương Tây, “cuộc phản công sẽ thành công”, với kết thúc bằng việc “đánh bật lực lượng quân sự Nga khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.”

Đề cập đến vấn đề mà các lãnh đạo phương Tây miêu tả là “đảm bảo an ninh” cho Ukraine —gồm vấn đề cung cấp vũ khí và vấn đề thành viên NATO cho Ukraine— thì ông Scholz trước hết nhắc lại nguyên tắc đã nói nhiều lần của NATO, “chúng tôi vẫn thảo luận vấn đề này từ đầu cuộc chiến… chúng tôi đã quyết định hỗ trợ Ukraine chừng nào còn khả dĩ.” (as long as it takes).

Tuy nhiên, ông miêu tả “lần tranh luận này là căng thẳng giữa chúng tôi, giữa Đức, Pháp, và các đồng minh của Hoa Kỳ”, nhưng ông khẳng định rằng “chúng tôi sẽ hoàn tất kết luận của mình sau khi có được kết quả các cuộc nói chuyện.”

Về cuộc đàm phán sau chiến dịch phản công giữa các phe tham chiến, như được nhắc đến bên trên, RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng với thực tế diễn biến trên chiến trường khi vũ khí phương tây được đưa vào không ngừng, cũng như diễn biến ngoại giao khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không hề có biểu hiện muốn đàm phán, thì “hiện tại không tồn tại điều kiện tiên quyết nào cho bất kỳ thỏa thuận nào” giữa Nga và Ukraine. “Hơn nữa, bây giờ không có nền tảng nào, thậm chí là nền tảng mỏng manh, để xây dựng ít nhất một kiểu đối thoại nào đó.”

Theo ông Peskov, thì vấn đề vẫn là ở chỗ các “ông chủ” Âu Mỹ, vì ông Zelensky không ở vị trí quyết định.

Chiến tranh Ukraine đã bước sang tháng thứ 16, và phe Kyiv đang tiến hành phản công —với mục tiêu đề ra là đoạt lại lãnh thổ đã mất, nhờ vào viện trợ hùng hậu các vũ khí tối tân của phương Tây— và phe Nga đang tiến hành phòng thủ, với chuẩn bị trong nhiều tháng qua.

Dường như các phe phải đợi có được kết quả chiến dịch này thì mới có thể định tiếp là sẽ đàm phán thế nào. Về những biểu hiện ra bên ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến nay, thì chưa thấy có biểu hiện thắng bại rõ ràng, dù phe tấn công đã chuẩn bị rất lâu cho chiến dịch này.

Video phía Nga công bố vài hình ảnh về xe tăng Leopard của Đức sản xuất và xe chiến đấu Bradley của Mỹ sản xuất và rơi vào tay của quân Nga trên chiến trường Zaporozhye:

Nhật Tân