Gần đây đã có những thay đổi tinh tế trong tình hình giữa Philippines và Trung Quốc. Để đối phó với mối đe dọa ngày càng leo thang từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Philippines, nước vốn bị động trong xung đột Philippines – Trung Quốc, gần đây đã chuyển sang lập trường chủ động, đưa ra lời kêu gọi hiếm hoi thành lập “vòng tròn bạn bè” ở Đông Nam Á để cùng nhau chiến đấu đối kháng với ĐCSTQ. 

Ferdinand Marcos
Ngày 6/9/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Jr. tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta, Indonesia trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43. (Ảnh: Adi Weda/POOL/AFP qua Getty Images)

Gần đây,  ĐCSTQ thường xuyên điều động các tàu cảnh sát biển đến các khu vực Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với Philippines để ngăn chặn các tàu tiếp tế của Philippines vận chuyển hàng hóa đến Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây). Ngoài ra, vào tháng 2 năm nay, lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ cũng dùng đèn laser “cấp quân sự” chiếu vào một tàu Philippines khiến thủy thủ đoàn của tàu này bị “mù mắt trong thời gian ngắn”. Sau khi sự việc nói trên xảy ra, phản ứng của Philippines chỉ giới hạn ở việc “lên án” ĐCSTQ ở cấp độ ngoại giao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước tình hình leo thang ở Biển Đông, Philippines đã rũ bỏ hình ảnh bị động, yếu đuối trước đây và bắt đầu phản ứng tích cực, mạnh mẽ.

Thành lập “vòng tròn bạn bè” ở Đông Nam Á để cùng nhau đối kháng với ĐCSTQ

Ngày 19/11, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng thống Philippines – ông Ferdinand Marcos Jr., đã chọn đi qua Hawaii trên đường trở về nước và gặp gỡ các lãnh đạo quân sự Mỹ cũng như các thành viên cộng đồng người Philippines địa phương. Ông cho biết “tình hình còn nghiêm trọng hơn trước” và căn cứ quân sự của ĐCSTQ đã được xây dựng cách Philippines khoảng 60 hải lý. Nhưng ông nói Philippines sẽ không đầu hàng ĐCSTQ. Đồng thời, ông tiết lộ những biện pháp mới để đối phó với khủng hoảng: Thành lập “vòng tròn bạn bè” ở Đông Nam Á để cùng nhau chống lại ĐCSTQ.

Ông Marcos Jr. cho biết, các cuộc thảo luận đã được tổ chức với Malaysia và Việt Nam để phát triển một bộ quy tắc ứng xử khác và quảng bá chúng ở các nước Đông Nam Á khác.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ tiếp tục đe dọa quân sự ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, gây căng thẳng. Từ năm 2002, các nước ASEAN đã nỗ lực đàm phán với ĐCSTQ để xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Ông Marcos Jr. nói rằng những kỳ vọng của ông đối với ĐCSTQ cuối cùng đã không thành hiện thực và cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông ám chỉ rằng ông sẽ bỏ ĐCSTQ lại phía sau và “thiết lập vòng tròn bạn bè” với các nước ASEAN khác để cùng xây dựng các quy tắc mới nhằm chống lại các mối đe dọa từ ĐCSTQ.

Ông đề cập rằng Philippines cũng đang tìm kiếm các quốc gia có cùng giá trị, bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, để tăng cường hợp tác với họ và duy trì sự ổn định trong khu vực.

ĐCSTQ nhanh chóng nhận thấy xu hướng mới này ở Philippines, ngày 20/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ tuyên bố rằng Biển Đông là “lãnh thổ” của ĐCSTQ, các nước khác không có quyền “nói này nói nọ”.

Cuộc tập trận bắn đạn thật phối hợp binh chủng được tổ chức gần Đài Loan

Gần đây, Philippines cũng có những bước phát triển mới về quân sự. Từ ngày 6 – 17/11, Philippines đã tổ chức một loạt cuộc tập trận trên bộ, trên biển và trên không ở mũi phía bắc của đảo Luzon, gần Đài Loan, bao gồm các hoạt động đổ bộ tác chiến và diễn tập bắn đạn thật chung nhằm tăng cường khả năng chiến đấu chung của nhiều lực lượng. Ngày 15/11, Philippines đặc biệt mời giới truyền thông đến phỏng vấn đưa tin về cuộc tập trận này.

Tham mưu trưởng Philippines, ông Romeo Brawner, cho biết Philippines đang lên kế hoạch cho các cuộc tập trận quy mô lớn hơn. Lần tập trận quân sự chung trên bộ, trên biển và trên không này chỉ là một phần trong đó. Ông nhấn mạnh rằng cuộc tập trận còn có sự tham gia của “các đối tác và đồng minh cùng chí hướng”.

Điều đáng nói là, đây là cuộc tập trận quân sự gần đây do Philippines chủ trì, trước đây phần lớn do Mỹ chủ trì, vai trò của Philippines là tham gia và hợp tác. Ngoài ra, địa điểm tập trận còn nằm sát Đài Loan, cách Đài Loan qua eo biển Ba Sĩ (Bashi), đồng thời là pháo đài chiến lược quan trọng ngăn chặn ĐCSTQ xâm lược Đài Loan,

Ông Kỳ Lạc Nghĩa, nhà truyền thông kỳ cựu và nhà bình luận quân sự Đài Loan, nói với tờ Epoch Times rằng có hai pháo đài trên chuỗi đảo đầu tiên là lối thoát quan trọng để quân đội ĐCSTQ thoát ra khỏi vòng phong tỏa, ngoài ra nó còn là eo biển Bashi nối miền bắc Philippines với Đài Loan. Ông nói: “Nhật Bản hoàn toàn có đủ năng lực bảo vệ eo biển eo biển Miyako, khiến quân đội ĐCSTQ không thể vượt qua, trong khi sức mạnh quân sự bảo vệ eo biển Miyako tương đối yếu. Dựa trên những quan sát hiện tại, ĐCSTQ rõ ràng đã tập trung vào việc đột phá ‘chuỗi trên eo biển Ba Sĩ’”.

Để bù đắp cho điểm yếu này, sức mạnh quân sự của Philippines đặc biệt quan trọng. Vào tháng 4 năm nay, Philippines đã chính thức cấp cho Mỹ quyền sử dụng 4 căn cứ quân sự mới. Ba trong số đó nằm ở phía bắc Đài Loan. Ngoài ra, vào tháng 8 năm nay, Mỹ và Philippines đã bắt đầu thảo luận để phát triển một cảng dân sự mới ở quần đảo Batanes ở phía bắc Philippines, cách Đài Loan 200 km.  Các học giả Philippines cho rằng nếu “có chuyện gì xảy ra với Đài Loan”, cảng này có thể được sử dụng để hỗ trợ hậu cần, sơ tán kiều bào và bảo vệ lãnh thổ Philippines. Vị trí chiến lược của đảo này rất quan trọng.

Philippines nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi đảo đầu tiên vây chặn ĐCSTQ, sức mạnh quân sự hiện tại của nước này tương đối yếu, ĐCSTQ dường như đang tăng cường các hành động khiêu khích nhắm vào Philippines. Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản dẫn lời một quan chức quốc phòng vào ngày 22/11 cho biết, “So với ‘rắc rối của Đài Loan’, khả năng xảy ra ‘sự cố ở Philippines’ đang gia tăng.” Quan chức này rất cảnh giác với cuộc khủng hoảng ở Philippines và nói rằng một khi “có rắc rối ở Philippines” thì sự can thiệp của quân đội Mỹ chắc chắn sẽ được kích hoạt, và Nhật Bản chắc chắn sẽ trở thành người trong cuộc.

Căn cứ vào tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Philippines vào ngày 3/11 và cung cấp tàu tuần tra, radar giám sát cho Philippines. Ông Kishida cũng có bài phát biểu tại Quốc hội Philippines, chỉ ra rằng trật tự hàng hải phải được duy trì bằng cách dựa vào thực lực và pháp quyền. Bài phát biểu đã nhận được sự yêu thích chưa từng có và ông Kishida đã nhận được 23 lần vỗ tay trong bài phát biểu dài khoảng 30 phút.

Mỹ không để lại khoảng trống quân sự, hợp lực với các đồng minh để kiềm chế ĐCSTQ

Gần đây, so với eo biển Đài Loan, ĐCSTQ có ý đồ rõ ràng là leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Philippines, đặc biệt trong tình hình căng thẳng của cuộc chiến Nga – Ukraine và xung đột giữa Israel và Hamas, ĐCSTQ có thể cho rằng đây là một thời điểm tốt để sử dụng vũ lực ở Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng. Tình hình đã trở nên đáng lo ngại đối với thế giới bên ngoài. Vào thời điểm này, trong khi Mỹ đang giải quyết hai cuộc xung đột thì thái độ của nước này ở Biển Đông lại thu hút nhiều sự chú ý. 

Xét theo lịch sử trong quá khứ, bất cứ khi nào Mỹ giảm bớt sức mạnh quân sự ở Biển Đông hoặc để lại khoảng trống quyền lực ở Biển Đông, ĐCSTQ sẽ lợi dụng điều đó và đẩy mạnh việc mở rộng quân sự của mình.

Cuối những năm 1970, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Philippines, ĐCSTQ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa; giữa những năm 1980, sau khi Liên Xô giảm bớt hiện diện quân sự ở Việt Nam, ĐCSTQ chiếm đóng quần đảo Trường Sa; sau khi quân đội Mỹ rút lui từ Philippines vào năm 1992, ĐCSTQ chiếm đóng Đá Vành Khăn (Mischief Reef).

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ đã có lập trường vững chắc và rõ ràng trong việc đoàn kết các đồng minh ở Biển Đông chống ĐCSTQ. Bên cạnh đó, đồng minh của Mỹ là Nhật Bản cũng đang tích cực đảm nhận vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống ĐCSTQ.

Vào tháng 4 năm nay, Nhật Bản đã thành lập một cơ quan mới có tên “Hỗ trợ tăng cường năng lực an ninh chính phủ” (OSA) để cung cấp hỗ trợ quân sự miễn phí cho các đồng minh hoặc các nước thân thiện, bao gồm cung cấp tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cơ quan hỗ trợ OSA cũng tương tự như cơ quan hỗ trợ phát triển Chính phủ (ODA) của Nhật Bản. Điểm khác biệt là ODA giúp các nước đang phát triển về mặt kinh tế phát triển kinh tế, giáo dục, y tế… Các nước Đông Nam Á đều được hưởng lợi từ ODA, trong đó có Trung Quốc. Vốn và công nghệ cho nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy thép và Sân bay Thủ đô được xây dựng trong giai đoạn đầu của cái gọi là cải cách mở cửa của ĐCSTQ đều đến từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Tuy nhiên, OSA hỗ trợ các nước thân thiện từ góc độ quân sự. Với kinh nghiệm hàng chục năm vận hành ODA, OSA đã nhanh chóng cung cấp tàu, radar và các thiết bị khác cho Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mông Cổ và các nước khác trong sáu tháng kể từ khi thành lập để ứng phó với mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra cho các khu vực xung quanh.

Hiện tại, vấn đề quan trọng là Mỹ và Nhật Bản phải chung tay với các đồng minh để kiềm chế các hành động khiêu khích quân sự của ĐCSTQ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nguyên thủ quốc gia Mỹ và Nhật Bản vừa gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Kishida lại được ông Biden mời và dự định sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ chậm nhất vào mùa xuân năm sau. Động thái này nhằm tăng cường liên minh Mỹ –  Nhật, ngăn chặn sự xáo động tình hình trật tự quốc tế do sự bành trướng của ĐCSTQ gây ra.